Tổng thống Biden ra lệnh không kích Syria
Tờ Airforce Times cho biết Lầu Năm góc đã xác nhận với báo giới rằng vụ tấn công ở Syria được thực hiện nhằm trả đũa các vụ nã tên lửa vào các căn cứ quân sự ở Iraq có dân thường và binh sĩ Mỹ đồn trú, làm một quân nhân Mỹ bị thương và một nhà thầu thiệt mạng.
Người phát ngôn Lầu Năm góc John Kirby cho biết các vụ tấn công mà Tổng thống Joe Biden ra lệnh "đã phá hủy nhiều cơ sở" được sử dụng bởi các nhóm cực đoan như Kat’ib Hezbollah và Kat’ib Sayyid Lal’shuhada.
"Phản ứng quân sự tương xứng này được thực hiện song song với các biện pháp ngoại giao, bao gồm hoạt động tham vấn với các đồng minh", ông Kirby nói. "Chiến dịch quân sự này gửi đi một thông điệp rõ ràng: Tổng thống Joe Biden sẽ ra tay bảo vệ công dân Mỹ và đồng minh. Đồng thời, chúng tôi cũng đã hành động một cách thận trọng để xuống thang căng thẳng ở miền đông Syria và Iraq".
Hôm 15/2, ba quả rocket cỡ 107 mm đã rơi xuống một căn cứ quân sự ở Irbil, Iraq - nơi có binh sỹ Mỹ đồn trú. Một nhà thầu cho liên quân Mỹ thiệt mạng, một quân nhân Mỹ bị thương.
Theo Bloomberg, các quan chức của chính quyền Biden đã kịch liệt lên án vụ tấn công rocket ngày 15/2 nhưng trong tuần này vẫn tuyên bố chưa xác định chắc chắn ai phải chịu trách nhiệm. Trong quá khứ, các nhóm vũ trang người Shiite do Iran hậu thuẫn đã thực hiện nhiều vụ nã rocket nhằm vào quân nhân Mỹ ở Iraq.
Phát ngôn viên John Kirby cho biết Iraq đang đảm nhiệm việc điều tra vụ tấn công 15/2.
Một nhóm vũ trang Shiite ít được biết đến có tên Saraya Awliya al-Dam, hay dịch ra là "Những vệ binh Ả Rập thuộc Lữ đàn đẫm máu" đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công ngày 15/2. Một tuần sau, một vụ nã rocket khác tại Vùng Xanh của thủ đô Baghdad được cho là nhằm vào Đại sứ quán Mỹ, nhưng không có ai thương vong.
Iran tuyên bố không có quan hệ gì với Lữ đoàn nói trên.
Tần suất các vụ tấn công do các nhóm Shiite thực hiện chống lại các mục tiêu Mỹ ở Iraq đã giảm mạnh trong năm trước khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Hiện nay, Iran đang gây sức ép để Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân Tehran 2015.
Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã cáo buộc các nhóm do Iran hậu thuẫn thực hiện các vụ tấn công nói trên. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm sau khi ông Trump ra lệnh không kích giết chết Thiếu tướng Qassem Soleimani của Iran và nhà lãnh đạo dân quân đầy quyền lực Abu Mahdi al-Muhandis của Iraq vào ngày 3/1/2020.
Lực lượng quân Mỹ tại Iraq đã giảm mạnh còn khoảng 2.500 người và không còn tham gia vào các nhiệm vụ chiến đấu cùng quân Iraq chống lại tổ chức khủng bố IS.