|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

[Timeline] Quan hệ Mỹ - Iran: Từ đồng minh thân thiết thành kẻ thù ở hai bờ chiến tuyến

15:19 | 07/01/2020
Chia sẻ
Chứng kiến quan hệ Mỹ - Iran căng thẳng những năm qua, đặc biệt là mấy ngày gần đây sau vụ ám sát tướng Soleimani, có lẽ ít ai ngờ rằng hai quốc gia này từng có thời là đồng minh thân cận của nhau với những thương vụ mua bán vũ khí trị giá hàng tỉ USD.

Hôm 2/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh thực hiện vụ không kích giết chết tướng Qasem Soleimani - chỉ huy Lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran khi ông này đến thăm Iraq.

Sau cái chết của tướng Soleimani, các nhà lãnh đạo Iran đã lập tức đe dọa trả đũa. Tổng thống Trump thì đe dọa sẽ tấn công 52 mục tiêu Iran, trong đó có những địa điểm văn hóa linh thiêng.

[Timeline] Quan hệ Mỹ - Iran: Từ đồng minh thân thiết thành địch thủ trên chiến trường - Ảnh 1.

Tướng Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran, thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ tại sân bay Baghdad ngày 2/1. Ảnh: AP.

Qua Twitter hôm 5/1, Tổng thống Trump khoe nước Mỹ đã đầu tư 2.000 tỉ USD cho các khí tài quân sự tối tân và tuyên bố ông sẽ không ngần ngại dùng những vũ khí này để tấn công Iran nếu Iran trả thù cái chết của tướng Soleimani.

Về phần mình, chính quyền Tehran cho biết Iran sẽ tiếp tục rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 và sẽ không bị bó buộc bởi các giới hạn về làm giàu uranium. Tuyên bố này đồng nghĩa với việc Iran có thể tăng cường sử dụng các máy li tâm uranium cho mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân.

Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 dưới thời Tổng thống Obama. Tuy vậy các bên khác tham gia kí kết bao gồm Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Anh vẫn quyết tâm giữ vững thỏa thuận.

Nhưng sau cái chết của tướng Soleimani và những leo thang căng thẳng gần đây, nguy cơ bế tắc trong vấn đề hạt nhân Iran trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Quan hệ Mỹ và Iran đã "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" từ nhiều thập kỉ nay nhưng hai nước cũng từng có thời là đồng minh thân thiết. Dưới đây là những sự kiện lớn trong mối bang giao hai nước từ giữa thế kỉ 20 cho đến những ngày căng thẳng bùng phát đầu năm 2020.

Năm 1953: Vụ đảo chính do CIA hậu thuẫn

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tham gia dàn dựng một vụ đảo chính để lật đổ Thủ tướng Iran Mohammed Mossadegh vốn được nhiều người ủng hộ. Nhà vua thân Mỹ Mohammed Reza Pahlavi được đưa trở lại vị trí quyền lực.

Năm 1968: Iran kí hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân

Iran kí hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, cho phép nước này thực hiện chương trình hạt nhân dân sự nhưng phải cam kết không được sở hữu vũ khí hạt nhân.

[Timeline] Quan hệ Mỹ - Iran: Từ đồng minh thân thiết thành địch thủ trên chiến trường - Ảnh 2.

Giáo sĩ Ayatollah Khomeini - Thủ lĩnh tối cao Iran từ Cuộc cách mạng Hồi giáo 1979 đến nay. Ảnh: Getty Images.

Trong thời gian này, quan hệ Mỹ - Iran khá nồng ấm. Iran đã đặt mua từ Mỹ tổng cộng 714 quả tên lửa Phoenix và 80 máy bay chiến đấu siêu âm F-14 Tomcat - loại chuyên dùng cho Hải quân Mỹ. Tổng giá trị thương vụ lên tới 2 tỉ USD.

Thực tế Iran đã tiếp nhận 79 chiếc F-14 trước khi Cách mạng Hồi giáo nổ ra. Do chịu lệnh cấm vận của Mỹ dẫn tới thiếu phụ tùng thay thế và bảo dưỡng, đến năm 2019 Iran chỉ còn vận hành 24 chiếc F-14.

Năm 1979: Cuộc cách mạng Hồi giáo Iran

Cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 đã lật đổ nhà vua Pahlavi do Mỹ hậu thuẫn. Giáo sĩ Ayatollah Ruhollah Khomeini trở về sau thời gian bị lưu đày và trở thành lãnh đạo tối cao của Iran. Một số sinh viên Iran chiếm lấy Đại sứ quán Mỹ tại Tehran và bắt giữ nhân viên ở đây làm con tin.

Nhà lãnh đạo Khomeini được tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của năm 1979 và ông tiếp tục nắm quyền cho tới ngày nay.

Phụ nữ Iran trước và sau Cuộc cách mạng Hồi giáo 1979. Ảnh: Getty Images/BBC.

Tháng 4/1980: Mỹ cắt đứt quan hệ

Mỹ cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Iran, tịch thu tài sản của Iran và cấm gần như tất cả giao dịch thương mại với nước này. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cũng ra lệnh thực hiện một nhiệm vụ giải cứu con tin nhưng kết quả thất bại.

Tháng 1/1981: Con tin được trả tự do

Chỉ ít phút sau khi Tổng thống Carter rời nhiệm sở và Tổng thống Ronald Regan chính thức nhậm chức, Iran trả tự do cho 52 con tin người Mỹ.

Tháng 1/1984: Mỹ liệt Iran vào danh sách quốc gia khủng bố

Mỹ coi Iran là một nước tham gia tài trợ cho hoạt động khủng bố quốc tế.

Tháng 11/1986: Tổng thống Reagan phá vỡ lệnh cấm vận vũ khí

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tiết lộ một thỏa thuận vũ khí bí mật mà chính quyền của ông thực hiện với Iran, vi phạm lệnh cấm vận vũ khí mà chính quốc hội Mỹ áp đặt. Vụ việc này được biết đến với tên gọi Bê bối Iran-Contra.

Tháng 7/1988: Mỹ bắn rơi máy bay thương mại Iran

Tàu tuần dương Vincennes của Mỹ đã phóng hai quả tên lửa đất đối không, bắn rơi một chiếc máy bay thương mại Airbus A300 của Iran khi nó đang bay ở vùng trời phía trên biển Iran. 

Tất cả 290 người trên máy bay đều thiệt mạng, trong đó có 60 trẻ em. Hơn 10.000 người dân Iran mang theo 72 cỗ quan tài đã tập trung biểu tình ở thủ đô Tehran trong lễ tang tập thể của các nạn nhân xấu số.

Mỹ sau đó trả tổng cộng 61,8 triệu USD tiền bồi thường, tương đương hơn 213.000 USD cho mỗi nạn nhân.

Tháng 1/2002: Tổng thống Bush gộp Iran vào nhóm "trục ma quỉ"

Tổng thống Mỹ George W. Bush (Bush con) tuyên bố ba quốc gia Iran, Iraq và Triều Tiên tạo thành một "trục ma quỉ". Quan chức Mỹ cáo buộc Tehran vận hành một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật.

Năm 2006: Washington sẵn lòng đối thoại

Washington cho biết phía Mỹ sẵn sàng tham gia đàm phán đa phương trong về vấn đề hạt nhân với Iran nếu Iran tạm ngừng làm giàu nguyên liệu hạt nhân.

Tháng 7/2008: Tổng thống Bush cử đặc phái viên

Tổng thống George W. Bush lần đầu tiên cử một đặc phái viên tới tham dự trực tiếp cuộc đàm phán hạt nhân với Iran tại Geneva.

Năm 2009: Iran bí mật làm giàu uranium

Anh, Pháp và Mỹ cùng tuyên bố Iran đang bí mật vận hành một cơ sở làm giàu uranium ở Fordow. Uranium làm giàu ở mức độ thấp có thể được sử dụng làm nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân, nếu làm giàu ở mức độ cao có thể dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Năm 2009: Ông Obama bày tỏ thiện ý

Tổng thống Mỹ Barack Obama gửi thông điệp tới các nhà lãnh đạo Iran rằng ông sẵn sàng dang tay hợp tác nếu phía Iran cũng thể hiện mong muốn hữu hảo.

Tháng 6/2013: Mỹ thắt chặt cấm vận

Chính quyền Tổng thống Obama đe dọa trừng phạt các ngân hàng nước ngoài nếu các ngân hàng này không ngăn chặn hoạt động nhập khẩu dầu từ Iran. Nguồn thu từ dầu mỏ của Iran lao dốc, châm ngòi cho một cuộc suy thoái kinh tế.

Tháng 6/2013: Ông Rouhani được bầu làm Tổng thống Iran

Ông Hassan Rouhani được bầu làm Tổng thống Iran với cam kết cải thiện quan hệ giữa Iran và thế giới cũng như khôi phục kinh tế nước này. Các quan chức Mỹ và Iran tiếp tục các cuộc đàm phán bí mật về vấn đề hạt nhân.

Tháng 7/2015: Thỏa thuận hạt nhân được kí kết, lệnh cấm vận được nới lỏng

Iran và 6 cường quốc đồng ý tham gia Kế hoạch Hành động Chung về hạt nhân. Iran cam kết hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy lệnh cấm vận kinh tế được nới lỏng một phần.

Tháng 5/2018: Ông Trump rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân

Tổng thống Donald Trump rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân đã kí năm 2015 và tái áp dụng các biện pháp cấm vận có tác động nặng nề lên kinh tế Iran.

Tháng 5/2019: Iran làm giàu uranium

Iran tuyên bố sẽ tăng cường sản xuất uranium giàu và hủy bỏ cam kết của nước này trong thỏa thuận 2015.

Tháng 5, 6/2019: Tàu chở dầu bị tấn công ở vùng Vịnh

Hai tàu chở dầu bị tấn công tại khu vực Vịnh Oman, Trung Đông. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho Iran đã thực hiện các vụ tấn công này. Iran phủ nhận trách nhiệm.

[Timeline] Quan hệ Mỹ - Iran: Từ đồng minh thân thiết thành địch thủ trên chiến trường - Ảnh 4.

Tàu chở dầu Front Altair của Na Uy bị tấn công bằng ngư lôi trên vịnh Oman ngày 13/6/2019. Ảnh: BBC.

Tháng 6/2019: Máy bay không người lái của Mỹ bị bắn rơi

Iran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ mà Iran cho là đang bay trong không phận nước mình. Sang tháng 7, Iran bắt giữ một tàu chở dầu của Anh.

Tháng 9/2019: Mỏ dầu của Saudi Arabia bị tấn công

Mỏ dầu tại Khurais và cơ sở chế biến dầu tại Abqaiq gần đó đã bị máy bay điều khiển từ xa tấn công và bốc cháy dữ dội. Các cột khói bốc cao hàng chục kilomet và có thể được quan sát rõ từ vệ tinh.

Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công này. Chính quyền Tehran phủ nhận mọi trách nhiệm.

[Timeline] Quan hệ Mỹ - Iran: Từ đồng minh thân thiết thành địch thủ trên chiến trường - Ảnh 5.

Khói đen bốc cao hàng chục kilomet từ đám cháy tại Abqaiq và Khurais. Ảnh: AP.

Tháng 12/2019: Căn cứ của Mỹ bị tấn công, Mỹ trả đũa

Các cuộc tấn công vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq làm một công dân Mỹ thiệt mạng. Mỹ cho rằng lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn tại Iraq đã thực hiện các vụ tấn công này. Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad (Iraq) bị nhóm người phản đối thân Iran tấn công.

Ngày 2/1/2020: Tướng Soleimani của Iran bị Mỹ ám sát

Mỹ dùng máy bay không người lái thực hiện không kích giết chết tướng Qasem Soleimani – tư lệnh Lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran khi ông này đến thăm Iraq. Tướng Soleimani còn là một nhân vật quan trọng trong chính quyền Iran và đang chỉ đạo nỗ lực gia tăng ảnh hưởng quân sự của Iran ở Trung Đông.

Ngày 7/1/2020: Iran nã tên lửa và rocket vào căn cứ Mỹ ở Iraq

Đêm 7/1 các căn cứ quân sự tại Iraq có quân Mỹ đồn trú bị trúng hàng chục quả rocket các loại. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này và coi đây là hành động trả thù cho cái chết của tướng Soleimani.

Song Ngọc