|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tàu container lớn nhanh như thổi, mắc cạn ở Suez sớm muộn cũng xảy ra

18:39 | 29/03/2021
Chia sẻ
Các nhà chức trách đổ lỗi cho gió mạnh, lỗi kỹ thuật hoặc lỗi của con người gây ra sự cố mắc cạn của tàu Ever Given ở kênh đào Suez. Tuy nhiên, giới chuyên gia đã lường trước nguy cơ xảy ra tai nạn của những con tàu siêu to khổng lồ cỡ này và cảnh báo từ nhiều năm trước nhưng không ai quan tâm.

Trong thập kỷ qua, không có mấy người tiêu dùng để ý rằng các tàu container trên thế giới đã âm thầm tăng kích thước. Năm 2000, con tàu lớn nhất chỉ có thể chở tối đa 5.000 container. Chỉ vài năm sau, số container đã tăng gấp đôi.

Thậm chí, nhiều con tàu khổng lồ hiện đang di chuyển khắp đại dương ngoài kia với sức chứa lên đến 20.000 container, tàu Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez từ đầu tuần trước là một ví dụ.

Ngoài nhờ những tiến bộ công nghệ, các nhà phân tích cho rằng kích thước của các tàu container tăng dần còn xuất phát từ tác động của giá dầu thô trong thập niên 2000 và môi trường lãi suất thấp sau Đại Suy thoái (2007 - 2009).

Guardian lý giải, do giá dầu không ngừng tăng cao trong những năm 2000, các hãng vận tải biển phải tìm cách tối đa hóa lợi nhuận. Trong khi đó, lãi suất thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 cho phép các công ty vay rất nhiều tiền để đóng những con tàu dài ngang ngửa độ cao của các tòa nhà chọc trời.

Công chúng thường chỉ chú ý đến xu hướng "phình to" của các tàu container khi truyền thông đưa tin về những chiếc tàu đồ sộ, về lượng thép khổng lồ để đóng tàu (có khi chẳng kém tháp Eiffel) và lợi nhuận mà những con tàu này hứa hẹn đem lại cho các đại gia hàng hải trên thế giới.

Tàu container lớn 'nhanh như thổi', Suez hay Panama có ngày chứa chẳng vừa - Ảnh 1.

Đội cứu hộ mất hơn 6 ngày để giúp tàu Ever Given nổi trở lại. Trước mắt, họ vẫn cần tiếp tục công việc để con tàu tự do di chuyển qua kênh đào Suez.(Ảnh: AP).

Tuy nhiên, theo ông Rory Hopcraft của nhóm nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Plymouth (Anh), người ta lại ít quan tâm đến các cảnh báo về rủi ro đi kèm với những con tàu siêu lớn.

"Tàu container không chỉ tăng kích thước mà còn chở được nhiều hàng hơn. Do đó, thay vì chia sẻ rủi ro cho 3 hoặc 4 tàu nhỏ thì họ gom hết trứng vào một rổ, chất hết hàng hóa lên một con tàu lớn", ông Hopcraft nhấn mạnh.

Tàu lớn nhanh, kênh mở rộng không kịp

Kích thước của tàu container lớn dần và vượt xa sức chứa của các cơ sở hạ tầng hàng hải. Hơn một thập kỷ trước, kênh đào Panama - một trong các tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới, được mở rộng với chi phí hơn 5 tỷ USD để chứa vừa những con tàu chở hàng mới. Song, các nhà máy đóng tàu ở châu Á không ngừng xuất xưởng những chiếc tàu thậm chí còn lớn hơn.

"50% cảng biển trên thế giới không thể chứa được những con tàu cỡ như Ever Given", ông Hopcraft nói, đồng thời cảnh báo rằng xu hướng "phình to" của tàu container có thể khiến chuỗi cung ứng hàng hóa dễ bị cướp biển tấn công hơn.

"Nếu các cảng có thể chứa vừa những siêu tàu container nhưng không thể phục vụ chúng vì mất điện hoặc chiến tranh thì làm tàu to cũng công cốc", nhà nghiên cứu của Đại học Plymouth nói thêm.

Kênh đào Suez đang trong quá trình mở rộng để cho phép các tàu thuyền lớn hơn đi qua cũng như lưu thông hai chiều ở đầu phía bắc. Tuy nhiên, đầu phía nam của tuyến đường huyết mạch này hẹp hơn nên vẫn chỉ di chuyển được một chiều. Vì lẽ đó, Suez dễ gặp rủi ro khi một trong những tàu container lớn nhất thế giới như Ever Given đi qua vào một buổi sáng trời gió mạnh.

Tàu container lớn nhanh như thổi, mắc cạn ở Suez sớm muộn cũng xảy ra - Ảnh 2.

Giữa những năm 2000, các tàu chở hàng siêu to khổng lồ từng được coi là "cú hích cho xu hướng toàn cầu hóa", khi mà Mỹ và Trung Quốc cùng nhau giúp ngành thương mại bùng nổ. Khi đó, các công ty vận tải biển kỳ vọng xu hướng toàn cầu hóa sẽ kéo dài và do đó họ đầu tư đóng những con tàu mới, lớn hơn rất nhiều.

Đại Suy thoái nổ ra, tư tưởng dân túy ở phương Tây trỗi dậy và cực lực phản đối thương mại tư do. Tiếp đến, đại dịch COVID-19 lại đang khiến hàng triệu người mất việc và làm gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu, Guardian liệt kê.

Tuy nhiên, các hãng vận tải biển vẫn tiếp tục đặt những con tàu khổng lồ để chuyên chở nhiều hàng hóa nhưng sử dụng ít nhiên liệu và thủy thủ đoàn hơn, dù cho các tổ chức như OECD đã đặt câu hỏi về xu hướng "phình to" của tàu container ngày nay.

Trong một báo cáo năm 2015, OECD cho biết "kích thước tàu vận tải không tương thích với quy mô thực của nền kinh tế thế giới", tức là tàu càng ngày càng lớn nhưng môi trường kinh tế nói chung vẫn suy thoái và trì trệ.

Ngoài ra, OECD còn cảnh báo rằng khi gặp sự cố, các tàu container càng lớn càng khó cứu hộ, đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian, tàu lai dắt và tàu nạo vét hơn so với khi giải cứu những chiếc tàu nhỏ trong quá khứ.

Dẫn thông tin từ công ty cung cấp dịch vụ hàng hải Inchcape (Anh), Bloomberg cho biết siêu tàu Ever Given hiện đã nổi trở lại nhưng vẫn cần tiếp tục cứu hộ đến khi con tàu tự do di chuyển trên kênh đào Suez. Trong tương lai chưa rõ sẽ có bao nhiêu sự cố mắc cạn tương tự Ever Given sẽ xảy ra. "Khi tàu vận tải lớn hơn, mọi thứ càng trở nên phức tạp hơn", ông Hopcraft kết luận.

Khả Nhân