Tiền chảy vào túi ai nếu kênh đào Suez chưa hết nghẽn?
Siêu tàu chở hàng Ever Given trọng tải 220.000 tấn, dài 400 m với sức chứa 20.000 container, bị mắc cạn gần đầu phía nam của kênh đào Suez từ tối ngày 23/3. Đến nay, siêu tàu này vẫn chặn hoàn toàn lối đi của Suez - tuyến đường thủy huyết mạch diễn ra khoảng 20% hoạt động thương mại bằng đường biển của thế giới.
Các tàu kéo và tàu nạo vét đang cật lực làm việc để giải thoát siêu tàu Ever Given. Tuy nhiên, CEO của công ty cứu hộ Boskalis (Hà Lan) cảnh báo cuộc giải cứu có thể mất nhiều tuần.
Chiến lược gia Marko Kolanovic của JPMorgan cho hay: "Chúng tôi hy vọng tình hình sẽ sớm cải thiện nhưng dù sao vẫn có một số rủi ro. Trong kịch bản này, kênh đào Suez sẽ bị tắc nghẽn trong một thời gian dài, có thể dẫn đến sự gián đoạn lớn trong hoạt động thương mại toàn cầu, khiến cước phí vận tải biển nhảy vọt, giá hàng hóa tăng nhanh và lạm phát toàn cầu tiếp tục đi lên".
Tuy nhiên, trong cái rủi của tàu Ever Given và nền kinh tế thế giới lại có cái may của các công ty vận tải biển.
Kẻ hưởng lợi khi kênh đào Suez tắc nghẽn
Sự cố ở kênh đào Suez không phải là tin xấu đối với tất cả mọi người, vì giá cước container giao ngay dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa do nhu cầu đột biến, từ đó tiền sẽ chảy vào túi các công ty vận hành tàu container.
"Kênh đào Suez đóng cửa càng lâu càng giúp các công ty vận hành tàu container kiếm đậm vì giá cước của các tàu chở dầu, chở hàng hóa khô rời và các hãng vận tải hàng không cũng có thể tăng cao hơn", JPMorgan nhấn mạnh.
Theo ngân hàng có trụ sở tại New York (Mỹ) này, các hãng vận tải biển châu Á sẽ hưởng lợi nhiều nhất, vì dù chi phí nhiên liệu tăng cao do tàu phải đi vòng và các cảng biển rơi vào cảnh tắc nghẽn nghiêm trọng, giá cước giao ngay sẽ còn lên cao hơn.
"Thay vì gây hại, sự cố ở Suez lại có thể là yếu tố tích cực cho lợi nhuận của các hãng vận tải biển châu Á". Bank of America cũng có cùng nhận định với JPMorgan.
"Suez đóng cửa sẽ làm cho giá cước tăng cao vì các tàu phải đi qua Mũi Hảo Vọng, làm tăng quãng đường thêm 20 - 30% so với trước", Bank of America cho hay.
Tuy nhiên, tai nạn của tàu Ever Given có thể ảnh hưởng đến mọi sản phẩm, từ quần áo và giày dép đến thiết bị tập thể dục, đồ điện tử, thực phẩm và nguồn cung năng lượng, gây ra hệ lụy nghiêm trọng.
Chuỗi cung ứng bị kéo căng như dây đàn
"Tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại kênh đào Suez có thể tạo thêm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu, kéo giá hàng hóa tăng cao do nhu cầu vốn dĩ đã bị dồn nén trong đại dịch", các nhà phân tích tại JPMorgan nhấn mạnh.
Kênh đào Suez là một trong những tuyến đường thủy quan trọng bậc nhất thế giới, nối liền Biển Đỏ với Địa Trung Hải, dài hơn 190 km, sâu 24 m và rộng 205 m. Mỗi năm, 20.000 con tàu đi qua kênh đào Suez, vận chuyển đủ thứ từ dầu khí đến linh kiện máy móc và hàng tiêu dùng.
Mặc dù còn quá sớm để kết luận toàn bộ tác động của vụ siêu tàu mắc cạn, JPMorgan dự đoán rằng trong ngắn hạn, "sự cố có thể gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng công nghiệp". Hiện tại, chuỗi ung ứng đã bị kéo căng vì tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển, thiếu hụt tàu biển và container do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Thậm chí, nhiều tàu có thể chậm trễ đơn hàng hơn 15 ngày. Họ có phương án khác là đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng ở cực nam của châu Phi, nhưng giới phân tích cảnh báo rằng thời gian vận chuyển có thể sẽ tăng tới 30%.
Tác động đến giá dầu thô
Sự cố của tàu Ever Given đã ảnh hưởng đến giá dầu thô. Tin tức về vụ mắc cạn cùng một số dữ liệu kinh tế khác giúp giá dầu Brent giao sau một tháng đạt được mức tăng mạnh nhất trong một năm lên giá đóng cửa 64,41 USD/thùng vào hôm 24/3, theo Arctic Securities.
Khoảng 5 - 10% tổng lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển trên thế giới phải đi qua kênh đào Suez, có nghĩa là nếu con tàu Ever Given còn bị mắc kẹt, mỗi ngày lại có thêm 3 - 5 triệu thùng dầu bị trễ chuyến.
Hiện tại, khá nhiều tàu chở nhiên liệu máy bay và nhiên liệu diesel từ Vịnh Ba Tư đến châu Âu đang bị kẹt ở kênh đào Suez, bên cạnh những con tàu rỗng chạy qua khu vực này để lấy dầu ở Biển Bắc, S&P Platts cho biết.
Ngoài ra, kênh đào Suez còn là tuyến đường trung chuyển của khoảng 8% lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên toàn cầu. Kênh đào này càng bị gián đoạn, nguồn cung khí đốt chính cho thị trường châu Âu càng bị thiếu hụt.
Tuy nhiên, Chủ tịch Peter Sutherland của công ty đầu tư Henrietta Resources cho rằng ảnh hưởng của vụ mắc cạn chỉ diễn ra trong ngắn hạn. "Sự cố ở kênh đào Suez sẽ không tác động lâu dài đến giá dầu thô, nhưng nó sẽ tạo bước đệm giúp củng cố thị trường dầu mỏ trước kỳ họp sắp tới của OPEC+", ông Sutherland chia sẻ với CNBC.
Rủi ro và lỗ hổng ngày càng bộc lộ
Việc tàu Ever Given chôn chân ở kênh đào Suez "còn làm tăng phần bù rủi ro vốn đã khá cao của dầu mỏ và các sản phẩm tinh chế tại Trung Đông", nhà phân tích Torbjorn Soltvedt của công ty tư vấn chiến lược Verisk Maplecroft nhấn mạnh. Hơn nữa, các cơ sở dầu mỏ tại Trung Đông còn có nguy cơ bị tấn công khi căng thẳng trong khu vực leo thang.
Tình trạng tắc nghẽn ở kênh đào Suez càng kéo dài càng "tạo cơ hội để các tổ chức nhà nước và phi nhà nước tại Trung Đông tìm cách tối đa hóa ảnh hưởng của các vụ tấn công nhắm vào những cơ sở khai thác dầu và tàu chở dầu ở Vịnh Ba Tư và Biển Đỏ", ông Soltvedt cảnh báo.
Sự gián đoạn ở kênh đào Suez có thể kéo dài nếu thân tàu Ever Given bị hư hỏng hoặc gặp vấn đề khác, Bank of America cho hay. Ngoài ra, khi tuyến đường huyết mạch được khai thông, các tàu sẽ đến cảng chậm hơn so với lịch trình, tình trạng tắc nghẽn sẽ nghiêm trọng hơn.
Dù vậy, Bank of America lưu ý rằng "ngành vận tải biển nhìn chung có thể kiểm soát được rủi ro nếu tàu Ever Given chỉ bị kẹt vài ngày". Có lẽ, doanh nghiệp chỉ tốn thêm chi phí nhiên liệu bổ sung để tăng tốc dịch vụ nhằm bù đắp phần thời gian đã mất.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/