Suez kẹt cứng: Phí vận tải tăng 70%, tàu thuyền tốn hàng trăm tấn nhiên liệu đi đường vòng
Các nỗ lực giải cứu Ever Given trong suốt ba ngày qua đều thất bại và siêu tàu dài 400 mét này vẫn đang chắn ngang kênh đào Suez. Các chuyên gia cảnh báo tình trạng tắc nghẽn hiện nay có thể kéo dài hàng tuần nữa.
Chuỗi cung ứng hàng hóa vốn dĩ đã căng thẳng vì đại dịch giờ đây lại càng nhiều khó khăn hơn. Theo Reuters, các nhà phân tích dự đoán rằng giá các sản phẩm từ dầu và cước tàu vận tải nhỏ sẽ tăng lên nếu Suez phải đóng cửa nhiều tuần.
Ông Sri Paravaikkarasu – Giám đốc phụ trách chế phẩm dầu mỏ tại công ty tư vấn FGE cho hay: "Khoảng 20% nguồn cung naphtha [một loại nhiên liệu hóa thạch lỏng] của châu Á được cung cấp từ Biển Đen và Địa Trung Hải qua kênh đào Suez".
Ông nói thêm rằng nếu các tàu phải đi qua Mũi Hảo Vọng (Nam Phi) thì thời gian di chuyển sẽ tăng khoảng hai tuần và các tàu lớn cỡ Suezmax sẽ tiêu tốn thêm 800 tấn nhiên liệu.
Chi phí nhiên liệu là cấu phần lớn nhất, chiếm tới 60% tổng chi phí hoạt động của các tàu vận tải.
Công ty môi giới vận tải biển ACM Shipbroking cho biết: "Cước vận tải các tàu loại Aframax và Suezmax ở Địa Trung Hải đã tăng lên khi thị trường bắt đầu nhận thấy nhiều tàu bị kẹt ở Suez và do vậy không đến được vùng biển này".
Ít nhất hai tàu chở dầu loại Long-Range 2 (LR2) trên Đại Tây Dương từng dự định đi qua Suez nhưng nay đang xem xét việc đi vòng qua Mũi Hảo Vọng (Nam Phi). Mỗi tàu LR2 có thể chở 75.000 tấn dầu thô.
Cước vận tải các sản phẩm sạch như xăng và diesel từ cảng Tuapse của Nga ở Biển Đen đến miền Nam nước Pháp tăng từ 1,49 USD/thùng vào ngày 22/3 lên thành 2,58 USD/thùng vào hôm 25/3, tương đương mức tăng 73%.
Chỉ số vận tải chuẩn cho tàu loại LR2 từ Trung Đông đi Nhật Bản, hay còn gọi là TC1, đã tăng từ 100 điểm trong tuần trước lên thành 137,5 điểm trong tuần này.
Tương tự, chỉ số cước vận tải cho tàu loại LR1 trên cùng tuyến Trung Đông – Nhật Bản tăng từ 125 điểm cuối tuần trước lên thành 130 điểm vào thứ Sáu tuần này (26/3).
Việc Suez tắc nghẽn cũng khiến cho thị trường diesel vốn đã suy yếu của châu Á thêm khó khăn. Năm 2020, khoảng 60% diesel mà châu Á xuất khẩu sang phương Tây đều đi qua Suez.
Mỗi ngày có khoảng 50 tàu vận tải lớn đi qua con kênh đào này. Sau hơn ba ngày bế tắc, đã có 238 tàu phải đứng đợi ở hai đầu con kênh, trong số này có hơn 30 tàu chở dầu, số liệu của Refinitiv cho thấy.