Giá dầu bật tăng sau khi tuyến đường thủy huyết mạch tắc nghẽn
Tuyến giao thông huyết mạch
Một tàu chở container khổng lồ đang bị mắc cạn tại kênh đào Suez và có thể phải nhiều ngày nữa mới được giải thoát. Tuyến đường thủy huyết mạch này cũng vì thế mà tắc nghẽn, ít nhất 100 con tàu chờ đủ thứ từ dầu mỏ đến hàng tiêu dùng đều không thể di chuyển giữa Biển Đỏ và Biển Địa Trung Hải.
Con tàu đang mắc kẹt có tên là Ever Given, được đóng năm 2018 với chiều dài 400 mét, rộng 59 mét. Đây là một trong số những tàu lớn nhất thế giới hiện nay với khả năng chuyên chở cùng lúc 20.000 container. Chiều dài của Ever Given lớn hơn cả chiều cao của Tháp Eiffel hay chiều dài của tàu sân lớn nhất thế giới.
Kênh đào Suez dài 120 km và là một trong những tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất quả đất. Các tàu chở nhiên liệu trên đường từ Trung Đông tới châu Âu và Bắc Mỹ đều đi qua Suez.
Theo Bloomberg, khoảng 12% tổng kim ngạch thương mại thế giới phải chạy qua kênh đào này, trong đó có 8% tổng lượng khí tự nhiên hóa lỏng và khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Hãng tin AP dẫn lời ông Salvatore R. Mercogliano - một người có nhiều năm kinh nghiệm trong vận tải biển và là Phó Giáo sư lịch sử tại Đại học Campbell cho biết: "Mỗi ngày có trung bình 50 tàu đi qua Suez. Một khi kênh đào này bị đóng, các tàu container sẽ không thể đi qua để vận chuyển thực phẩm, nhiên liệu, hàng hóa tới châu Âu; hàng xuất khẩu từ châu Âu cũng không đến được vùng Viễn Đông".
Theo công ty quản lý kênh Suez, nỗ lực giải cứu tàu Ever Given mắc cạn vẫn chưa đạt được tiến triển nào, nguyên nhân là con tàu container này quá nặng – tới 224.000 tấn, còn các tàu lai dắt lại quá nhỏ. Các bức ảnh được công bố cho thấy thân tàu bị mắc sâu vào bờ của kênh.
Hiện nay 8 tàu lai dắt đã được triển khai nhưng đều vô ích. Chủ tàu Ever Given đang đàm phán với công ty cứu hộ SMIT Salvage để thuê các tàu lớn hơn tới để giúp sức, nguồn tin của Bloomberg cho hay. Để các tàu lai dắt mới đến được Suez và giải phóng cho Ever Given có khả năng sẽ mất nhiều ngày.
Theo công ty quản lý kênh Suez, tàu Ever Given bị mắc cạn vào ngày 23/3 do bão cát gây hạn chế tầm nhìn và gió mạnh tới 74 km/h. Thủy thủ đoàn "mất khả năng điều chỉnh hướng của tàu", dẫn tới tình cảnh éo le hiện nay.
Evergreen Line – công ty Đài Loan thuê con tàu này thì cho biết: Tàu Ever Given đi "chệch hướng ban đầu, có lẽ là do gió mạnh bất ngờ".
Giá dầu tạm đi lên sau chuỗi ngày lao dốc
Giá dầu ngày 24/3 bật tăng khi nhà đầu tư đánh giá tác động của việc kênh đào Suez bị tắc nghẽn đối với nguồn cung nhiên liệu toàn cầu.
Theo Bloomberg, giá hợp đồng tương lai dầu tại New York tăng 1% sau khi có tin về việc tàu Ever Given mắc cạn. Theo số liệu của oilprice.com tối 24/3 theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI và Brent đều tăng khoảng 3%.
Trong phiên trước đó (23/3) giá dầu sụt khoảng 6% khi nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ dịch COVID-19 đang tái bùng phát ở nhiều nơi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hầu hết các khu vực trên toàn cầu đang ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh trong vì các chủng virus mới dễ lây lan hơn.
Ở châu Âu, Đức đã kéo dài thời gian phong tỏa cho tới ngày 18/4. Khoảng 1/3 diện tích nước Pháp cũng bước vào giai đoạn đóng cửa trong một tháng kể từ ngày 20/3. Ở Mỹ, quá trình tiêm chủng vắc xin đang diễn ra khá nhanh với khoảng 2,5 triệu liều mỗi ngày nhưng số ca dương tính vẫn tăng vì nhiều bang nới lỏng quy định giãn cách, ưu tiên mở cửa.
Nếu đại dịch tái bùng phát mạnh và các biện pháp phong tỏa diện rộng được áp dụng, nhu cầu cũng như giá dầu đều sẽ lao dốc.
Bloomberg dẫn lời Ông Warren Patterson - Giám đốc chiến lược hàng hóa của công ty ING Group tại Singapore nhận định: "Khoảng 10% tổng lượng dầu vận tải bằng đường biển đều đi qua kênh Suez nên việc tắc nghẽn hiện nay có thể gây ra những tác động nhất định. Nhưng tôi nghĩ ảnh hưởng chỉ là tạm thời.
Ông Will Sungchil Yun - Chuyên gia phân tích hàng hóa tại công ty VI Investment ở Seoul cũng cho rằng tác động của vụ việc ở Suez tới giá dầu chỉ mang tính tạm thời, và nói thêm: "Giá dầu gần đây giảm sâu vì lo ngại về nhu cầu trong ngắn hạn, nhưng triển vọng nhu cầu sẽ cải thiện trong dài hạn vẫn còn rất sáng sủa".
Trong chưa đầy hai tuần gần đây, giá dầu đã giảm khoảng 12% và có lúc thủng mốc 60 USD/thùng (với dầu Brent). Tuy nhiên so với ngày đầu năm, giá dầu vẫn đang tăng khoảng 20%.