|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Siêu tàu container mắc cạn, kênh đào Suez tắc nghẽn trầm trọng

15:54 | 24/03/2021
Chia sẻ
Guardian đưa tin, siêu tàu container Ever Given trọng tải 220.000 tấn, dài 400m đã bị mắc kẹt gần đầu phía nam của kênh đào Suez từ tối ngày 23/3. Hiện tại, mọi nỗ lực giải cứu đều không thành công và kênh đào huyết mạch này vẫn đang bị tắc nghẽn nghiêm trọng.

Theo Guardian, các báo cáo ban đầu cho biết siêu tàu container Ever Given bị mất điện và vô tình nằm chắn ngang kênh đào Suez nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải, khiến hoạt động hàng hải tại khu vực này bị tắc nghẽn nghiêm trọng.

Song, chia sẻ với hãng tin AFP, Evergreen Marine - tập đoàn vận tải biển điều hành tàu Ever Given, cho biết: "Con tàu container vô tình bị mắc sạn sau khi một trận gió lớn ập tới".

"Chúng tôi đã yêu cầu chủ tàu báo cáo nguyên nhân sự cố và đang thảo luận cùng các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý kênh đào Suez để hỗ trợ con tàu trong thời gian sớm nhất", Evergreen Marine nhấn mạnh.

Bernhard Schulte Shipmanagement, đơn vị quản lý siêu tàu container Ever Given, cho hay: "Toàn bộ thủy thủ đoàn đều an toàn. Hiện không có báo cáo về thương vong hay xảy ra tình trạng ô nhiễm".

Theo một chuyên gia thương mại, Ever Given thuộc loại tàu container siêu lớn (ULCS) đời mới và một số chiếc thậm chí còn bị quá khổ so với kênh đào Panama nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Siêu container 'đứng chôn chân' giữa kênh đào Suez, mọi nỗ lực giải cứu đều bất thành - Ảnh 1.

Siêu tàu container Ever Given của hãng Evergreen Marine nằm chắn ngang kênh đào Suez. Đầu bên phải có một chiếc máy xúc đang làm việc để giải thoát cho con tàu. (Ảnh: Twitter/Brendan Cruise).

Siêu tàu Ever Given chở theo hàng trăm container di chuyển từ Trung Quốc đến Rotterdam (Hà Lan), do tập đoàn vận tải hàng hải Evergreen Marine (Đài Loan) điều hành và đăng ký tại Panama.

Hình ảnh chụp từ tàu Maersk Denver cũng tại kênh đào Suez cho thấy Ever Given đang nằm chắn ngang tuyến đường thủy này. Các tàu kéo và máy đào cơ giới do chính quyền Ai Cập cử đến để giải cứu siêu tàu container mắc kẹt đều bất thành.

Bà Julianne Cona, người đăng bức ảnh chụp từ tàu Maersk Denver lên mạng xã hội Instagram, đã chứng kiến vụ mắc kẹt khi con tàu của bà thả neo chờ đợi.

"Hy vọng rằng Ever Given sẽ không mắc kẹt quá lâu, nhưng theo tôi quan sát thấy thì siêu tàu container này có vẻ đang bị kẹt rất nghiêm trọng", bà Cona cho hay. "Có khá nhiều tàu kéo cố đẩy con tàu vào vùng nước sâu hơn nhưng mọi việc chẳng đi đến đâu. Có một chiếc máy xúc nhỏ đang cố gắng khơi thông ở mũi tàu".

Trong quá khứ cũng từng xảy ra vụ việc tàu biển mắc cạn tại kênh đào Suez. Năm 2017, một con tàu của Nhật Bản đã bị mắc kẹt tại đây nhưng nhanh chóng được giải cứu sau vài giờ. 

Một sự cố nghiêm trọng hơn từng xảy ra gần cảng Hamburg của Đức năm 2016, khi tàu CSCL Indian Ocean mắc cạn và cần 12 tàu kéo giải cứu trong 5 ngày.

Thông thường, tàu biển sẽ nối đuôi nhau đi qua kênh đào Suez, di chuyển lên xuống theo hướng bắc - nam của kênh đào. Ever Given đang di chuyển về phía bắc của kênh đào Suez khi sự cố xảy ra, theo thông tin từ đại lý tàu biểu GAC.

"Ever Given là con tàu thứ 5 trong đoàn tàu biển đi về phía bắc. Không có con tàu nào đi trước đó bị mắc cạn, nhưng 15 tàu phía sau đều bị kẹt lại tại khu neo đậu chờ kênh đào Suez được khơi thông. Đoàn tàu di chuyển về hướng nam cũng bị kẹt theo", GAC cho hay.

Siêu tàu container mắc cạn, kênh đào Suez tắc nghẽn trầm trọng - Ảnh 2.

Tàu Ever Given bị mắc cạn ở gần đầu phía nam của kênh đào Suez. (Ảnh: Guardian).

Theo Guardian, kênh đào Suez có thể cho hàng chục tàu container khổng lồ đi qua mỗi ngày nên bất kỳ sự cố kéo dài nào cũng có thể gây ra sự chậm trễ nghiêm trọng. Ông Flavio Macau, giảng viên cấp cao về quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Edith Cowan (Australia), cảnh báo rằng các tàu container ngày càng lớn hơn, và thậm chí còn không vừa để đi qua kênh đào Panama.

Kênh đào Suez là một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới, dài 190 km, sâu 24 m và rộng 205 m. Kênh đào Suez được xây dựng trong giai đoạn 1859 - 1869 dưới sự chỉ đạo của kỹ sư người Pháp Ferdinand de Lesseps, và được cả chính phủ Pháp và Ai Cập cấp vốn. 

Tuy nhiên, Ai cập đã mất toàn quyền kiểm soát kênh đào này do nợ công và buộc phải bán toàn bộ cổ phần trong công ty quản lý kênh đào cho Anh vào năm 1875. Đến khoảng năm 1956, khi thỏa thuận thuê 99 năm với Anh hết hạn, Tổng thống Ai Cập khi đó ông Gamel abd al-Nasser đã quốc hữu hóa kênh đào Suez. Đến năm 2015, kênh đào này được mở rộng để tạo điều kiện cho nhiều tàu biển di chuyển hơn.

Khả Nhân