|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cước vận tải container vẫn cao nhưng đã tạm dừng tăng

12:12 | 15/03/2021
Chia sẻ
Trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đẩy mạnh tiêm vắc xin và nới lỏng phong tỏa, giá cước vận tải container đi từ châu Á hiện vẫn đang rất cao so với trước đại dịch nhưng đã có dấu hiệu giảm nhẹ so với đỉnh hồi cuối năm 2020.
Cước vận tải container vẫn cao nhưng đã tạm hạ nhiệt - Ảnh 1.

Thượng Hải và Ninh Ba là hai trong ba cảng container lớn nhất thế giới.

Thống kê của Container NewsStatista cho thấy chỉ số vận tải container đi từ các cảng Thượng Hải và Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang) của Trung Quốc đã giảm nhẹ trong ba tháng đầu năm nay.

Một phần nguyên nhân được cho là việc một số quốc gia Phương Tây, trong đó có Mỹ, đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin COVID-19 và mở cửa lại nền kinh tế, giúp dòng chảy thương mại được thông suốt hơn, giảm ách tắc tại các cảng đích.

Tuy nhiên khi so với một năm trước, giá cước vận tải vẫn đang cao gấp khoảng ba lần, cho thấy nhu cầu hàng hóa cũng như container đang rất lớn.

Thông thường, tiêu dùng trong mùa lễ hội quý IV lên cao khiến cho cước vận tải từ châu Á đi các nước phương Tây tăng theo. Với năm 2020, hoạt động mua sắm bù và bổ sung hàng tồn kho đã dùng hết trong đại dịch đã đẩy chi phí thuê container lên các kỷ lục mới trong tháng 12/2020 và tháng 1/2021. 

Cước vận tải tăng còn vì container bị ùn ứ tại các cảng ở Bắc Mỹ và châu Âu, không thể quay về châu Á để tiếp tục xứ mệnh giao thương của mình. Nhiều nước Phương Tây chưa khống chế được đại dịch, cả nhân lực lẫn máy móc đều thiếu thốn nên việc bốc dỡ hàng hóa bị đình trệ.

Theo New York Times, một số công ty đã phải dùng đường hàng không đắt đỏ thay cho hàng hải để rút ngắn thời gian vận chuyển cho khách. Các container sau khi được dỡ hết hàng ra sẽ được chuyển ngay về các cảng châu Á thay vì đợi chất hàng của Mỹ vào như trước đây. Vì vậy mà chính các nhà xuất khẩu của Mỹ cũng đang "khát" container trầm trọng.

Tại Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã công bố dự định xây dựng hai nhà máy sản xuất container với tổng công suất 500.000 TEU , dự kiến tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) mỗi năm.

Song Ngọc