Nỗ lực giải cứu siêu tàu gặp khó, kênh đào Suez vẫn kẹt cứng
Ever Given chắn ngang kênh đào Suez từ tối ngày 23/3. Đến 6h30 tối ngày 24, Bernhard Schulte Shipmanagement, công ty phụ trách kỹ thuật cho biết con tàu vẫn bị mắc kẹt dù nhiều phương tiện đã được cử đến hỗ trợ.
Bernhard Schulte cập nhật tình hình: "Các tàu nạo vét đang nỗ lực dọn sạch cát và bùn xung quanh Ever Given để giải thoát cho nó. Đồng thời các tàu lai dắt cũng đang cố gắng xoay chuyển Ever Given".
Cho đến nay chưa có thành viên thủy thủ đoàn nào bị thương và hàng hóa trên tàu cũng chưa bị hư hỏng. Hiện chưa rõ nguyên nhân tàu bị mắc cạn. Các cuộc điều tra sơ bộ đã loại trừ khả năng sự cố xảy ra do lỗi động cơ hay cơ khí, theo CNBC.
Công ty quản lý tàu cho biết, vào thời điểm Ever Given bị mắc cạn, trời có bão cát và gió mạnh khoảng 75 km/h.
Ever Given là một trong những con tàu lớn nhất thế giới, dài bằng 4 sân bóng đá và rộng như sải cánh của một chiếc Boeing 747. Với 200.000 tấn hàng hóa chất đống, con tàu cao bằng tòa nhà 12 tầng.
Ever Given có thể sẽ phải nằm bất động trong một khoảng thời gian dài. Các chuyên gia cho biết giải phóng một con tàu vận chuyển khổng lồ là điều không dễ dàng.
Vào năm 2016, một container tàu của Trung Quốc đã bị mắc kẹt trên sông Elbe khi cập cảng tại Hamburg, Đức. Phải mất 6 ngày, 12 tàu kéo, hai tàu nạo vét và thủy triều đợt đúng lúc để kéo nó ra, tờ Wired cho biết.
Các bức ảnh từ hiện trường cho thấy mũi tàu Ever Given bị lún vào cát, trong khi máy xúc — nhỏ xíu khi so với con tàu khổng lồ — cố gắng đào nó ra. "Việc này vô ích như thể bắn súng đồ chơi vào một đoàn tàu sắt", Thuyền trưởng Morgan McManus, người điều khiển tàu đào tạo tại Trường Hàng hải Đại học Bang New York ví von.
Nếu các phương án hiện tại không thành công, đội giải cứu có thể sẽ cần đến cần cẩu để dỡ các container, giảm tải cho con tàu và giúp nó và dễ dàng xoay chuyển hơn. Tuy nhiên trên bờ có thể không có chỗ để đặt cần cẩu hay dỡ container một cách an toàn.
Thuyền trưởng McManus đánh giá: "Giải cứu Ever Given sẽ là thách thức rất khó khăn. Sự cố luôn xảy ra ở những nơi tồi tệ nhất, và tình hình này khá tệ".
Đòn giáng vào chuỗi cung ứng
Kênh đào Suez là một trong những điểm nút quan trọng của thương mại toàn cầu, kết nối dòng hàng hóa ổn định giữa phương Đông và phương Tây. Vô số loại hàng hóa, từ sản phẩm tiêu dùng cho đến dầu hay các bộ phận máy móc được chuyên chở qua tuyến đường thủy này.
Khoảng 10% thương mại hàng hải của thế giới chảy qua Suez. Việc tuyến đường quan trọng này bị chắn ngang đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng. Hãng tin AP cho biết ít nhất 150 con tàu đang phải "chôn chân" quanh kênh đào Suez.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy tình trạng tắc nghẽn Ever Given gây ra:
Sự cố Ever Given xảy ra đúng lúc chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu. Tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhất xảy ra trong ngành công nghiệp chip, buộc các nhà sản xuất ô tô phải tạm ngừng hoạt động.
Công ty Nhật Bản Shoei Kisen, chủ Ever Given và các công ty bảo hiểm của nó có thể phải đối mặt với yêu cầu bồi thường tổn thất doanh thu từ Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) và các con tàu bị chặn đường.
Ngoài ra, chủ sở hữu hàng hóa trên những con tàu bị chặn đường cũng có thể đòi bồi thường tổn thất đối với hàng hóa dễ hỏng hoặc thời hạn giao hàng bị trễ.
Các tàu container khổng lồ như Ever Given có khả năng được bảo hiểm thiệt hại về thân tàu và máy móc từ 100 đến 140 triệu USD.
Một luật sư giấu tên nói với Reuters: "Đây có thể là thảm họa tàu container lớn nhất thế giới từ trước đến nay dù không có con tàu nào chìm nghỉm".