|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

LS Trương Thanh Đức: Ngân hàng về cơ bản vẫn tốt, phải 6 tháng hoặc 1-2 năm nữa thì khó khăn mới bộc lộ

13:11 | 26/08/2021
Chia sẻ
Nhận định về vấn đề nợ xấu trong bối cảnh COVID-19, LS. Trương Thanh Đức cho biết ngân hàng đang khoẻ, bài bản thì không thể nào "nằm xuống" trước các doanh nghiệp được và không có quy định nào bắt ngân hàng phải miễn giảm lãi vay trừ một số trường hợp rất đặc biệt.
LS Trương Thanh Đức: Phải 6 tháng hoặc 1-2 năm nữa thì khó khăn đối mới bộc lộ, còn hiện tại ngân hàng về cơ bản vẫn tốt - Ảnh 1.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI. (Ảnh: Facebook nhân vật).

Trong buổi "Hội thảo trực tuyến: Hòa giải tranh chấp tài chính – ngân hàng trong bối cảnh bất lợi bởi COVID-19" mới đây, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đánh giá hiện nay, các ngân hàng về cơ bản vẫn tốt do vẫn còn gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, vẫn tiếp tục có thể cho vay khách hàng. Theo đó, thường phải 6 tháng hoặc 1-2 năm thì khó khăn đối mới bộc lộ.

"Bao giờ doanh nghiệp "chết" như ngả rạ thì ngân hàng bắt đầu mới "nằm xuống". Ngân hàng đang rất khoẻ, rất tốt, rất bài bản thì không thể nào nằm xuống trước, luôn luôn nằm xuống sau, đi sau rất lâu doanh nghiệp thì mới là ngân hàng", vị luật sư này khẳng định.

Ông Đức cho biết những quan điểm cho rằng ngân hàng thu lãi nhiều mà không chịu giảm, miễn lãi vay đều rất cảm tính. Không có quy định nào bắt ngân hàng phải miễn giảm lãi vay trừ một số trường hợp rất đặc biệt, pháp luật quy định đích danh, yêu cầu ngân hàng phải làm theo. 

Theo ông Đức, trước đây, pháp luật cấm ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ; cấm trích thiếu dự phòng, không đảm bảo rủi ro; cấm gia hạn nợ, điều chỉnh thời hạn nợ không đúng quy định,... thì hiện nay, ngân hàng đã được cho phép thực hiện trong điều kiện hoàn cảnh đặc biệt.

Chia sẻ về những ý kiến đề nghị NHNN phải yêu cầu các ngân hàng giảm lãi, phí hỗ trợ doanh nghiệp, ông Đức cho biết việc hỗ trợ từ phía ngân hàng chắc chắn có, tuy nhiên còn phụ thuộc vào việc đánh giá rủi ro và năng lực, sức khoẻ của ngân hàng.

Theo đó, ngân hàng sẵn sàng giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, nhưng nếu xét thấy có nguy cơ hình thành nợ xấu, ngân hàng có quyền chuyển nhóm nợ.

Đối với vấn đề cho vay, ông Đức khẳng định dự án hiệu quả, khả thi, có tài sản đảm bảo đầy đủ, mọi thứ đẹp như tranh mà ngân hàng không cho vay cũng không vi phạm gì.

"Thậm chí luật còn quy định cấm mọi tổ chức, cá nhân được can thiệp trái phép vào quyết định cho vay của ngân hàng, do vậy không thể yêu cầu hay đòi hỏi ngân hàng bắt buộc phải thực hiện những điều trên," ông cho biết thêm.

Còn đối với những trường hợp bất khả kháng không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ như dịch COVID-19 thì cũng phải đi kèm điều kiện mới được áp dụng.

Tuy nhiên, bộ luật dân sự đã có quy định về việc thực hiện hợp đồng trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, ông Đức cho rằng trong nhiều trường hợp, áp dụng quy định này còn có giá trị hơn lý do "bất khả kháng".

Chẳng hạn, trong điều kiện hoàn cảnh thay đổi cơ bản, nếu khách hàng thực hiện đúng nghĩa vụ sẽ bị thiệt hại quá nặng. Do đó, các bên sẽ phải ngồi lại thương lượng để xem xét và xử lý vấn đề thay vì đẩy ra toà án và mất thêm án phí.

Ông Đức cũng lưu ý rằng các ngân hàng cũng cần tính toán cân đối do việc thu đủ nợ của khách hàng trong điều kiện nền kinh tế như hiện nay là rất khó khăn.

Phương Nga

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.