|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam

11:47 | 23/08/2021
Chia sẻ
Vietcombank, BIDV là những ông lớn tiên phong cho đợt giảm lãi suất cho vay tiếp theo cho các khách hàng khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Các Big4 giảm lãi suất đặc biệt tại 19 tỉnh thành phía Nam

Mới đây, Vietcombank đã ra thông báo sẽ giảm lãi suất tiền vay từ ngày 18/8 cho đến hết năm đối với tất cả khách hàng ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam hiện đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Cụ thể, Vietcombank giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP HCM và tỉnh Bình Dương.

Đồng thời áp dụng mức giảm tới 0,3%/năm đối với các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 bao gồm Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Đáng chú ý, nếu đáp ứng điều kiện, các khách hàng đã được giảm lãi suất theo Chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 giai đoạn 3 của Vietcombank triển khai ngày 15/7/2021 sẽ được tiếp tục giảm thêm lãi suất theo Chính sách hỗ trợ lần này.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đang triển khai chính sách giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc từ ngày 15/7 tới cuối năm với mức giảm từ 0,5% - 1%/năm tuỳ đối tượng khách hàng với quy mô hỗ trợ lên tới 1.800 tỷ đồng.

Như vậy, từ năm 2020 đến nay, Vietcombank đã triển khai 9 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và thiên tai. 

Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay, đặc biệt  tại các tỉnh thành phía Nam - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Ảnh: BIDV).

Tại BIDV, ngân hàng cũng ra thông báo sẽ giảm lãi suất và triển khai các gói vay mới lãi suất thấp dành cho khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của COVID-19 tại 19 tỉnh thành phía Nam với tổng ngân sách hỗ trợ lên đến 1.000 tỷ đồng

Cụ thể, BIDV giảm 0,5 - 1,5%/năm lãi suất cho vay VND đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7/2021 đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19. 

Mức giảm tối đa 1,5% dành cho các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng trong các lĩnh vực như giao thông, vận tải, y tế, giáo dục, dịch vụ lưu trú, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, resort,...

Đồng thời, triển khai gói tín dụng mới với quy mô 30.000 tỷ đồng, áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn có thời gian vay tối đa 12 tháng, với mức giảm lãi suất lên đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Ngân hàng dự kiến nguồn lực hỗ trợ đối với gói tín dụng này vào khoảng 200 tỷ đồng.

Các khách hàng đã từng được áp dụng các chính sách lãi suất cho vay ưu đãi khác vẫn tiếp tục được BIDV hỗ trợ trong chương trình này.

Trước đó, BIDV đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành. Thời gian áp dụng từ ngày 15/7 đến 31/12.

Tại "ông lớn" VietinBank, bên cạnh chính sách miễn giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ để hỗ trợ khách hàng đang thực hiện, ngân hàng tiếp tục bổ sung gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng.

Agribank cũng ra thông báo giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên đối với khoản vay tại thời điểm 15/7/2021. Chương trình kéo dài đến hết ngày 31/12/2021.

Đây là lần thứ 5 liên tiếp Agribank chủ động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Nhiều ngân hàng tư nhân nhập cuộc giảm lãi suất

Không chỉ nhóm ngân hàng quốc doanh, nhiều ngân hàng tư nhân khác cũng đã thực hiện giảm lãi suất cho khách hàng gặp khó khăn. 

Mới đây, Kienlongbank mới đây cũng triển khai giảm lãi vay tối đa 1,5%, áp dụng từ ngày 10/8/2021, đối với tất cả khách hàng đang quan hệ tín dụng tại Kienlongbank bị ảnh hưởng trực tiếp/gián tiếp bởi dịch bệnh và thỏa các điều kiện của chương trình. Tùy theo mục đích và nhu cầu vay vốn, khách hàng của Kienlongbank còn được hưởng chính sách lãi suất ưu đãi khác.

Trước đó, các ngân hàng như Sacombank và ACB đã tiên phong tiên phong giảm lãi suất cho vay sau sự kêu gọi của NHNN.

Cụ thể, Sacombank đã triển khai nguồn vốn ưu đãi 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thời gian áp dụng từ ngày 18/6/2021 đến hết ngày 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn tùy điều kiện nào đến trước.

Trong khi đó, ACB cho biết sẽ giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. Đồng thời sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp có hợp đồng vay và tại thời điểm đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian từ ngày 15/7 đến 15/10/2021.

Một số ngân hàng khác cũng điều chỉnh giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn này có thể kể đến như SeABank giảm tối đa 1%/năm; MSB giảm lãi suất tới 3%/năm; HDBank cũng giảm lãi suất cho vay bình quân lên đến 2%/năm, ...

Ngoài việc giảm lãi suất, các ngân hàng cũng có thêm các gói hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bằng nhiều chương trình khác nhau. Như tại Nam A Bank, ngân hàng cho biết sẽ không thu phí chậm thanh toán thẻ tín dụng trong trường hợp chủ thẻ thanh toán thẻ trễ hạn trong 3 kỳ sao kê của tháng 7, 8, 9 năm nay.

Theo cho biết từ đại diện của NHNN, cơ quan này sẽ giám sát việc các tổ chức tín dụng thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay và kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm phí của từng ngân hàng sẽ được NHNN công khai công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng định kỳ hằng tháng.

Phương Nga

ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.