|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Doanh nghiệp đòi giảm lãi suất 3 - 5%, biên lãi ròng của ngân hàng Việt có thực sự cao đến vậy?

08:17 | 19/08/2021
Chia sẻ
Nhiều ý kiến cho rằng, các ngân hàng Việt đang hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay rất cao. Theo đó, có không ít đề xuất ngành ngân hàng giảm lãi vay từ 3 - 5% trong bối cảnh đại dịch.
Biên lãi ròng của ngân hàng Việt cao hay thấp so với khu vực? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: BIDV).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, những tác động tiêu cực lên nền kinh tế có thể nhìn thấy rõ ràng, nhiều doanh nghiệp chưa kịp đứng dậy từ các đợt dịch trước đã tiếp tục phải "hứng đòn" từ đợt dịch mới.

Trong khi đó, bất chấp dịch bệnh, ngành ngân hàng vẫn báo lãi lớn trong thời gian qua, một phần đến từ việc lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng. Điều này khiến có không ít ý kiến cho rằng các ngân hàng Việt đang hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất rất cao.

Tuy nhiên thực tế cho thấy không hẳn như vậy.

Biên lãi ròng của ngân hàng Việt có thực sự cao hơn nhiều so với khu vực?

Số liệu từ báo cáo của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm nghiên cứu, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV về "Bức tranh lợi nhuận ngành Ngân hàng năm 2020 và dự báo năm 2021", cho thấy chênh lệch lãi suất của ngân hàng Việt có sự cải thiện đáng kể trong năm 2020 nhưng vẫn chưa phải ở mức cao trong khu vực.

Cụ thể, chênh lệch lãi suất 2019 của Việt Nam ở mức 2,7% thấp hơn trung bình khu vực Đông Nam Á (3,1%) và các quốc gia có thu nhập tương đồng Việt Nam (6,7%), theo số liệu mới nhất từ World Bank.

Năm 2020, chênh lệch lãi suất của Việt Nam có cải thiện hơn và tăng lên mức 3,5% nhưng vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực như Indonesia (4%) và Singapore (5,1%), theo tổng hợp từ IMF.

Doanh nghiệp đòi giảm lãi suất 3 - 5%, biên lãi ròng của ngân hàng Việt có thực sự cao đến vậy? - Ảnh 2.

Số liệu từ FiinPro được trích trong báo cáo của Chứng khoán BOS cho biết hệ số NIM của các ngân hàng niêm yết trong năm 2020 đạt 3,13%. Con số này cao hơn so với giai đoạn 2017 - 2018 nhưng vẫn thấp hơn mức 3,21% năm 2019.

Trong khi đó, theo tổng hợp của người viết, biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng một số nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng vẫn ở mức cao hơn.

NIM của các ngân hàng thương mại Philippines luôn cao hơn Việt Nam trong suốt giai đoạn này. Năm 2020, hệ số NIM của các ngân hàng Philippines là 3,8%, tăng 0,12 điểm % so với năm trước đó. Hay thậm chí ở Indonesia, NIM của các ngân hàng thương mại luôn cao hơn 4,4%, theo số liệu của ngân hàng trung ương nước này.

Biên lãi ròng của ngân hàng Việt cao hay thấp so với khu vực? - Ảnh 1.

(Ảnh: Lê Huy tổng hợp từ báo cáo công ty chứng khoán, ngân hàng trung ương các nước).

Tại Thái Lan, hệ số NIM được duy trì quanh mức 2,7 - 2,9% trong vài năm trở lại, không phải là mức quá thấp so với Việt Nam. Ở một số nước lân cận khác như Trung Quốc hay Malaysia, NIM của các ngân hàng thương mại dao động quanh mốc 2 - 2,5%.

So sánh trên chỉ mang tính chất tương đối do mỗi quốc gia có bối cảnh kinh tế vĩ mô, cấu trúc nền kinh tế, năng lực cạnh tranh là khác nhau. Ngoài ra, cấu trúc thị trường tài chính và mức độ phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, rủi ro của thị trường, trình độ quản trị... cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất của các nhà băng.

Dù vậy, so sánh này cũng phần nào cho thấy lợi ích từ chênh lệch lãi suất của các ngân hàng Việt không phải là thấp, nhưng cũng không phải quá cao so với các nước trong cùng khu vực.

Đề xuất giảm lãi vay 3 - 5% có hợp lý?

Với nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh đại dịch, từ năm ngoái tới nay, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các chương trình cắt giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ vốn cho khách hàng.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng việc giảm lãi suất vẫn chưa thực sự hỗ trợ được nhiều cho các doanh nghiệp. 

Trong một văn bản gửi Thủ tướng mới đây, một trong đề xuất của lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội nhằm tháo gỡ khó khăn đó là ngành ngân hàng giảm lãi từ 3 - 5%/năm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trước đó, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội cũng kiến nghị lên các cấp với mong muốn chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp. Cụ thể là giảm lãi suất cho vay từ 3 - 5%/năm.

Nếu so sánh với mức biên lãi ròng hơn 3% được nói ở trên thì mức giảm như các kiến nghị trên là quá cao và  khó có thể thực hiện tức thời. Với NIM trung bình dao động quanh 3 - 3,2%, việc giảm lãi suất cho vay từ 3 - 5% có thể khiến các ngân hàng gần như cho vay không có lãi, thậm chí là lỗ, kể cả đối với các nhà băng tại Indonesia hay Philippines.

Trong khi các ngân hàng cũng phải đối mặt với các rủi ro từ nợ xấu, trích lập dự phòng và cam kết lợi nhuận với cổ đông. 

Xét dưới góc độ tài chính doanh nghiệp, việc giảm lãi suất cho vay chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng và lợi ích của các cổ đông; chưa kể tới yếu tố các ngân hàng vẫn sẽ phải thực hiện dự phòng nợ xấu theo Thông tư 03 của NHNN, ảnh hưởng khá lớn tới lơi nhuận

Ngân hàng có thực sự bất lợi khi giảm lãi vay?

Với kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong thời gian qua, Chuyên gia Tài chính Lâm Minh Chánh, nguyên Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đại Việt và Tổng giám đốc Sàn vàng Thế giới, cho rằng các ngân hàng Việt vẫn đang sống khỏe và chắc chắn việc giảm lãi suất không thể khiến các ngân hàng "chết" được.

"Một số khác ý kiến cho rằng ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận thậm chí lỗ nếu trừ nợ xấu. Tôi nghĩ rằng các ngân hàng đã dự phòng nợ xấu hợp lý khi tính toán kết quả kinh doanh. Đa số các lãnh đạo ngân hàng sẽ không báo cáo lợi nhuận khủng, tăng trưởng khủng mà không dự phòng cho nợ xấu. Nếu họ không dự phòng nợ xấu, mà lại báo cáo lãi khủng thì họ tự đưa tròng vào cổ mình", ông chia sẻ trên Facebook cá nhân.

Trong một báo cáo vừa công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, ngành ngân hàng đã sớm chứng kiến NIM tăng do cơ cấu tiền gửi thay đổi. Điều này dẫn đến việc các ngân hàng niêm yết công bố tăng trưởng lợi nhuận vượt trội từ quý IV/2020 đến quý II năm nay. 

Theo VDSC, mặc dù NIM của các ngân hàng có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn, song nhìn chung NIM dự kiến vẫn có thể bền vững tại mức cao hơn trước đại dịch, nhưng thấp hơn mức đỉnh trong giai đoạn trước.

Quan trọng hơn cả, bản thân các các ngân hàng hiểu rằng khi dịch bệnh xảy ra, hầu như các doanh nghiệp, nhà xưởng đều phải đóng cửa, hoạt động cầm chừng. Qua đó, sức khỏe của các doanh nghiệp cũng đi xuống, mất dần khả năng trả nợ, nợ xấu sẽ tăng lên và trực tiếp làm sụt giảm lợi nhuận của ngân hàng.

Do đó, việc các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp không chỉ nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này mà còn giúp chính các ngân hàng bảo toàn được lợi nhuận trong tương lai.

Song song, bản thân các ngân hàng cũng sẽ linh hoạt trong việc giảm lãi suất, tùy theo sức khỏe của mình có mức giảm phù hợp, để hỗ trợ doanh nghiệp tích cực, thực chất và đảm bảo an toàn hoạt động.

Thực tế, nhiều ngân hàng cũng đã công bố việc thực hiện giảm lãi suất các khoản cho vay cả cũ lẫn mới. Đại diện NHNN cũng cho biết NHNN sẽ thực hiện giám sát các cam kết giảm lãi suất của các ngân hàng để có sự hỗ trợ thực chất.

Với sự vào cuộc của nhiều bên, kỳ vọng rằng những khó khăn và các bất đồng quan điểm của các doanh nghiệp, ngân hàng sẽ sớm được giải quyết.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lê Huy