|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'NHNN có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành nếu GDP tăng trưởng âm trong quý III'

15:21 | 15/08/2021
Chia sẻ
VDSC kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nghiêng về chiều hướng hỗ trợ do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước có thể giữ tâm thế thận trọng trong bối cảnh lạm phát đang tăng trở lại.
VDSC: NHNN có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành nếu GDP tăng trưởng âm trong quý III - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Báo Thanh niên).

Trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm mới công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định rằng đà tăng trưởng tín dụng sẽ chững lại do đợt bùng phát COVID-19 mới nhất. 

Tăng trưởng cung tiền chậm trong 6 tháng đầu năm cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã không sử dụng đến biện pháp bơm thanh khoản trên diện rộng và vẫn tập trung vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng có chọn lọc.

Theo đó, VDSC kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nghiêng về chiều hướng hỗ trợ do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tuy nhiên, NHNN có thể giữ tâm thế thận trọng trong bối cảnh lạm phát đang tăng trở lại.

Nhóm phân tích quan ngại giá xăng dầu tăng có thể đẩy lạm phát lên cao hơn do công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu dần mất tác dụng trong diễn biến tăng mạnh của giá xăng dầu thế giới. Cùng với đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng do các biện pháp phòng chống dịch có thể sẽ làm tăng thêm áp lực lạm phát trong ngắn hạn.

Do đó, VDSC cho rằng NHNN có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành nếu nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng GDP âm trong quý III này.

VDSC: NHNN có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành nếu GDP tăng trưởng âm trong quý III - Ảnh 2.

(Ảnh: Báo cáo VDSC).

Thanh khoản vẫn dồi dào trong 6 tháng cuối năm

Trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng đạt 6,5%, cao hơn mức 3,7% cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tiền gửi ở mức 4,1% thấp hơn một chút so với mức 4,7% năm ngoái. Điều này cho thấy, nhu cầu tín dụng tích cực bất chấp hai đợt bùng phát dịch. 

Song, VDSC cho rằng chênh lệch tăng trưởng tín dụng và huy động chuyển sang dương nhưng không có áp lực lên thanh khoản.

Lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì mức thấp kể từ giữa năm 2020. Lãi suất tăng vào một số thời điểm có yếu tố mùa vụ do thiếu thanh khoản cục bộ. 

Nhìn chung, thanh khoản dồi dào khiến các ngân hàng phải phân bổ nguồn lực nhiều hơn vào các tài sản thanh khoản cao đang trả lãi thấp, trong điều kiện lãi suất trên các khoản dự trữ vượt mức và cho vay liên ngân hàng thấp. 

Do đó, lợi suất trái phiếu chính phủ cũng duy trì ở mức thấp. Tỷ lệ trúng thầu tăng và lợi suất giảm về giữa năm khi thanh khoản dự phóng cải thiện nhờ các hợp đồng kỳ hạn bán ngoại tệ đáo hạn. Thanh khoản trong nửa sau năm 2021 sẽ duy trì tích cực khi việc cấp hạn mức tín dụng thấp và kéo dài hơn dự kiến do NHNN đang thận trọng. 

Với bộ đệm thanh khoản tốt trong nửa sau 2021, động lượng tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ dùy trì. Với gói lãi suất mới, chính sách tiền tệ hỗ trợ và thanh khoản dồi dào, VDSC có quan điểm lạc quan về tăng trưởng tín dụng dự phóng. 

Theo đó, mức dự báo tăng trưởng tín dụng được nhóm phân tích đưa ra là 13,1%, tăng trưởng huy động là 10,8%.

VND đối diện với áp lực mất giá

Trên thị trường ngoại hối, đồng VND đã tăng 0,5% so với đầu năm trong khi hầu hết các tỷ giá hối đoái mới nổi ở châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng.

VDSC cho rằng ở bối cảnh hiện tại, một thông điệp thắt chặt chính sách tiền tệ từ Fed có thể khiến đồng USD tăng trở lại. Trong khi đó, cán cân thương mại xấu đi có thể tác động tiêu cực đến tỷ giá USD/VND.

"Trong ngắn hạn, động lực cung/cầu của USD sẽ kém thuận lợi hơn cho diễn biến tỷ giá USD/VND. Đồng VND sẽ mất giá nhẹ trở lại trong giai đoạn cuối năm 2021", VDSC dự báo.

VDSC: NHNN có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành nếu GDP tăng trưởng âm trong quý III - Ảnh 3.

(Ảnh: Báo cáo VDSC).

Lê Huy