|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: VND sẽ tiếp tục mất giá khi Fed xoay chuyển chính sách tiền tệ nới lỏng sang thắt chặt

16:19 | 12/12/2024
Chia sẻ
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định năm 2025 VND sẽ tiếp tục lệ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ của Mỹ, các chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump và biến động của đồng nhân dân tệ.

VND sẽ tiếp tục mất giá trong năm 2025

Tại Hội thảo "Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/12, TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu, cho biết năm 2024 chứng kiến nhiều biến động toàn cầu, tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, chính sách tiền tệ của Mỹ, đặc biệt là việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng, đã làm thay đổi cục diện kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu. Trong năm 2024, Fed đã giảm lãi suất sau một thời gian dài tăng lãi suất, tác động mạnh đến tỷ giá, thi trường chứng khoán và thị trường ngoại hối của Việt Nam.

Đồng thời, biến động địa chính trị đã ảnh hưởng đến giá vàng toàn cầu, từ đó lan sang thị trường vàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, do thị trường vàng trong nước chưa liên thông chặt chẽ với thị trường thế giới, giá vàng tại Việt Nam bị ảnh hưởng nhưng không giảm sâu như trên thế giới.

Trước những biến động toàn cầu, tỷ giá USD/VND trong năm 2024 đã biến động rất mạnh, đầu năm ở mức 24.265 VND/USD, tuy nhiên gần về cuối năm tỷ giá ở mức 25.386 USD/VND, tăng khoảng 4,34% từ đầu năm đến nay.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu (Ảnh: Báo Đầu tư)

Sang năm 2025, TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo những tác động từ năm 2024 sẽ tiếp tục kéo dài, kèm theo những biến cố mới. Ông dự đoán cả năm 2024, VND có thể mất giá đến 5% và sang năm 2025 xu hướng này sẽ tiếp tục. Tỷ giá USD/VND sẽ lệ thuộc rất nhiều vào chính sách tiền tệ của Mỹ, đồng thời chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump và đồng nhân dân tệ.

"Việt Nam với sự lệ thuộc vào ngoại thương với Mỹ và có tỷ lệ thanh toán bằng đồng USD trong các giao dịch ngoại thương lên tới khoảng 80-90%, sẽ chịu những tác động của sự biến động của USD và các chính sách kinh tế và đối ngoại của Mỹ", ông Hiếu nhấn mạnh. 

4 biến số chính đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Trí Hiếu đã chỉ ra 4 biến số lớn ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025 gồm: tỷ giá, ngoại thương, tình hình địa chính trị và nội tại của nền kinh tế.

Ông cho rằng chính sách giảm thuế cho người giàu của ông Trump sẽ tăng thiếu hụt ngân sách cho Mỹ và có khả năng buộc Chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu với lãi suất cao để cân đối ngân sách. Thâm hụt ngân sách cũng có thể buộc Fed mua trái phiểu Chính phủ Mỹ nhiều hơn, một động thái được gọi là nới lỏng định lượng (Quantitative Easing), làm phình tổng tài sản của Fed và đẩy môt lượng tiền lớn vào lưu thông.

"Tất cả những điều này có khả năng làm tăng lạm phát và buộc Fed đảo ngược chính sách tiền tệ từ nới lỏng hiện nay trở lại thắt chặt và tạo lực đẩy tỷ giá USD/VND", ông dự báo.

Về ngoại thương, với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" (America First), ông Trump có thể sẽ áp thuế nhập khẩu cao với các quốc gia xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam (Việt Nam là một trong 10 quốc gia xuất siêu lớn nhất vào Mỹ).

Nếu Mỹ tăng thuế lên đến 60% đối với Trung Quốc và mức thấp hơn với các nước khác (ít nhất 25%), xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu tác động lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ - đối tác xuất khẩu số một. Những chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Trump nếu thực hiện sẽ rất bất lợi cho Việt Nam.     

Riêng đối với Mỹ, chính sách bảo hộ mậu dịch có thể là một lợi thế chính trị trong cuộc tranh dành quyền lực với Trung Quốc nhưng đối nội việc tăng thuế nhập khẩu sẽ làm tăng giá cả hàng hóa đối với người tiêu dùng ở Mỹ và tăng lạm phát.

Đồng thời, kế hoạch trục xuất hàng triệu lao động nhập cư bất hợp pháp có thể tạo ra sự khan hiếm lao động tại Mỹ, đẩy giá lao động lên cao, đồng thời tăng lạm phát và tác động đến chính sách tiền tệ của Fed.

Theo chuyên gia, ngoại thương Việt Nam phát triển mạnh trong những năm qua, với kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP. Tuy nhiên, việc phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ cũng là một rủi ro.

"Các chính sách bảo hộ của ông Trump sẽ tạo ra thách thức lớn, đặc biệt nếu Việt Nam bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ như giai đoạn trước.", ông cho hay.

Một cách để cân bằng là tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhằm giảm thặng dư thương mại. Đồng thời, cần đón nhận cơ hội từ các doanh nghiệp Mỹ di dời khỏi Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất bán dẫn.

Về địa chính trị, với vị trí là một siêu cường của thế giới, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ tác động mạnh mẽ lên tình hình chính trị toàn cầu và từ đó các thị trường tài chính. Việt Nam với sự lệ thuộc vào ngoại thương với Mỹ và có tỷ lệ thanh toán bằng đồng USD trong các giao dịch ngoại thương lên tới khoảng 80-90%, sẽ chịu những tác động của sự biến động của USD và các chính sách kinh tế và đối ngoại của Mỹ.

Còn về vấn đề nội tại, nhiều doanh nghiệp vẫn đang chật vật phục hồi sau COVID-19. Sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chưa đủ để giúp doanh nghiệp phục hồi hoàn toàn. Năm 2025 có thể chứng kiến số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng nếu không có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Minh Nguyệt

Lãi suất cho vay đã về mức thấp kỷ lục
Theo VCBS, lãi suất cho vay đã về mức thấp kỷ lục trong quý III/2024 và dự kiến sẽ sớm nhích lên khi kinh tế khởi sắc. Theo đà phục hồi của lãi suất cho vay, NIM ngân hàng dự kiến cũng sẽ cải thiện.