|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp phía Nam vẫn bế tắc dù sản xuất '3 tại chỗ', vắc xin là lối thoát duy nhất

14:00 | 20/08/2021
Chia sẻ
Nikkei Asia nêu thực trạng doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn khi cố gắng duy trì sản xuất theo phương án "3 tại chỗ". Nhiều doanh nghiệp đang gánh thêm chi phí hàng tỷ đồng để đảm bảo an toàn cho người lao động ăn nghỉ và làm việc ngay tại nhà máy nhưng nguy cơ tạm dừng sản xuất vì COVID-19 vẫn luôn rình rập.
a - Ảnh 1.

Người lao động trong một doanh nghiệp "3 tại chỗ" ở phía Nam. (Ảnh: Diversatek).

Nữ quản lý kho của công ty Gỗ Trường Thành (TTF) ở TP HCM đã rất cẩn trọng để tránh nhiễm COVID-19. Nhiều tuần liền, cô làm việc, ăn ngủ nghỉ ngay tại nhà máy, cùng khoảng 200 đồng nghiệp khác, theo Nikkei Asia.

Giống như nhiều công ty khác, Gỗ Trường Thành cũng đang thực hiện phương án "3 tại chỗ" (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) để vừa duy trì sản xuất, vừa phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên virus vẫn vượt qua hàng rào phòng thủ của công ty và nữ quản lý kho dương tính COVID-19.

Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành, ông Mai Hữu Tín cho biết với Nikkei Asia, nhân viên quản lý kho có thể đã nhiễm COVID-19 từ một tài xế giao hàng. 

Gỗ Trường Thành cũng không phải công ty duy nhất thực hiện "3 tại chỗ" mà vẫn có ca dương tính dù đã áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Hiện có nhiều doanh nghiệp đề nghị dừng phương án "3 tại chỗ" vốn được cho là sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ COVID-19 làm gián đoạn lĩnh vực sản xuất quan trọng của Việt Nam – nơi cung cấp mọi thứ từ giày dép đến điện thoại thông minh cho thị trường toàn cầu.

Hàng nghìn người lao động Việt Nam đang trải qua những ngày ăn ngủ nghỉ tại nơi làm việc, và tạm xa gia đình. Một số doanh nghiệp đã đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân và kiến nghị phương án xây dựng "vùng an toàn" để người lao động có thể sống gần nhà máy

"Chủ doanh nghiệp không thể kiểm soát lây nhiễm 100% vì để tiếp tục hoạt động, các nhà máy vẫn cần phải tiếp xúc với các nhà cung cấp bên ngoài", ông Tín, một công nhân nhà máy tại TP HCM cho hay.

a - Ảnh 2.

Nơi ăn nghỉ của công nhân Công ty TNHH Thép SMC (KCN Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu). (Ảnh: Báo Nhân dân).

Trong khi các công ty sản xuất hàng điện tử như GoerTek và Samsung – hai nhà cung cấp linh kiện cho Apple vẫn đang áp dụng mô hình "3 tại chỗ", một số công ty khác lại thấy rằng phương án này không khả thi.

Tập đoàn Pouchen – nhà sản xuất giày thể thao số 1 của Đài Loan đã phải tạm dừng hoạt động cơ sở lớn nhất là Công ty Pouyuen ở TP HCM từ ngày 14/7 với lý do gặp khó khăn trong bố trí chỗ ăn nghỉ và làm việc tại chỗ cho 56.000 công nhân.

"Chúng tôi nhận thấy áp lực đối với năng lực sản xuất ngắn hạn của mình và lường trước sẽ có những tác động tài chính trong tháng 7 và tháng 8". Về lâu dài, chúng tôi sẽ cố gắng linh hoạt hơn và đề nghị các công ty thành viên khác thuộc tập đoàn hỗ trợ nhiều hơn trong sản xuất", đại diện của Pouchen cho biết.

Để thực hiện "3 tại chỗ", một công ty khác tiết lộ họ đã chi 100.000 USD (khoảng hơn 2,2 tỷ đồng) cho 900 công nhân. Trong khi một doanh nghiệp khác cho biết chi phí đã tăng gần gấp đôi trong bối cảnh sản lượng giảm một nửa. Các khoản chi phí doanh nghiệp phải gánh thêm gồm phí xét nghiệm COVID-19, chi phí cho việc ăn uống, chỗ ngủ, đồ bảo hộ và dịch vụ giặt là.

Còn ở Tiền Giang, hôm 8/8, ngành y tế cũng đã phát hiện 400 ca dương tính SARS-CoV-2 tại 6 doanh nghiệp "3 tại chỗ".

"Vắc xin là lối thoát duy nhất", ông KJ Ung, Giám đốc First Solar cho hay và nhấn mạnh nguy cơ chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị tác động nếu dịch vẫn kéo dài.

Ông cũng đề cập đến vấn đề sức khỏe tâm lý của người lao động có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Một số doanh nghiệp đang thực sự gặp khó khăn khi áp dụng mô hình sản xuất này. Tuần trước, Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) cho biết có 50 doanh nghiệp đề nghị ngừng hoạt động "3 tại chỗ", trong đó có công ty Sơn Nippon và công ty Hansoll Việt Nam chuyên ngành may mặc xuất khẩu.

Hôm 15/8, Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu Công nghiệp TP HCM (HBA) đã kiến nghị về việc cải tiến phương thức "3 tại chỗ" thành "2 tại chỗ - 1 vùng xanh", tức là công nhân "sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ" nhưng về ngủ nơi "vùng xanh" hay những khu "an toàn".

Với phương thức trên, doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền phường/xã và khu phố xây dựng các "vùng xanh". Nơi ở của công nhân có thể là nhà riêng, nhà trọ, khu nhà trọ, khách sạn,... nhưng trước hết phải nằm trong "vùng xanh" đã được doanh nghiệp khảo sát, lựa chọn nhằm đảm bảo việc thuận lợi đi lại bằng xe đưa đón tập trung. 

HBA cho rằng, chi phí hỗ trợ cho "2 tại chỗ - 1 vùng xanh" chắc chắn ít tốn kém hơn so với các phương án khác, nhưng công nhân có thể sinh hoạt thoải mái hơn.

Tuy nhiên theo Nikkei Asia, phương án được đề xuất này lại đặt ra vấn đề liên quan đến tìm cơ sở để xây dựng khu an toàn cho công nhân ở.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, cho biết trong khi các nhà máy phía Bắc có không gian để cách ly công nhân nhiễm bệnh hoặc đảm bảo giãn cách, thì ở phía Nam, mật độ lại đông đúc hơn.

Theo bà Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế cao cấp của Natixis, tác động chuỗi cung ứng phải chịu do gián đoạn sản xuất sẽ rất lớn.

Trong một báo cáo ngày 12/8, bà cho rằng lĩnh vực da giày và dệt may toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, ngành điện tử cũng vậy do "tỷ trọng xuất khẩu điện thoại di động" đáng kinh ngạc của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 7 ước tính đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước. 

Giống như các nước khác trong khu vực, Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp để chặn đà lây nhiễm của dịch. Tính từ 29/4 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Anh Đào