|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc muốn giành ngôi vương sản xuất chip nhưng lại rót hàng tỷ USD vào công nghệ cũ

09:51 | 07/09/2021
Chia sẻ
Bắc Kinh muốn trở thành quán quân chip toàn cầu, nhưng lại chi hàng tỷ USD để đầu tư vào công nghệ tầm thường.
Trung Quốc muốn giành ngôi vương sản xuất chip nhưng lại rót hàng tỷ USD vào công nghệ cũ - Ảnh 1.

Nhà máy có logo của SMIC. (Ảnh: Bloomberg).

Năm này qua năm khác, thế giới nghe về tham vọng của Trung Quốc là trở thành ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua chip toàn cầu. Nhưng hết lần này đến lần khác, doanh nghiệp và chính phủ Trung Quốc ra những quyết định có vẻ sẽ khiến cho đất nước này sẽ mãi không thể vượt lên. 

Quyết định khó hiểu mới nhất là việc chính quyền Thượng Hải ký kết sở hữu tới 25% nhà máy mới khổng lồ mà Semiconductor Manufacturing International Co (SMIC) dự định xây dựng. Ngân sách cho cơ sở này lên tới 8,9 tỷ USD.

SMIC cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy 2,4 tỷ USD về phía nam của Thâm Quyến. Dự án này cũng được tài trợ một phần bởi chính quyền địa phương.

Điều đáng ngạc nhiên về những kế hoạch trên là chúng sẽ tạo ra năng lực sản xuất cực lớn đối với những công nghệ đã hơn 10 năm tuổi. Cả nhà máy Thượng Hải và Thâm Quyến đều sẽ tập trung sản xuất chip dùng công nghệ 28 nm (nanomet) trở lên – loại chip được dùng cho các ứng dụng ít tốn năng lượng và tài nguyên như điều khiển cửa sổ chạy điện hoặc cần gạt nước kính chắn gió.

Để so sánh, công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới là TSMC đang sản xuất chip cho Apple và Intel trên công nghệ 5nm, và sẽ ra mắt chip 3nm hiện đại hơn vào năm sau.

Nếu SMIC có thể vận hành hai nhà máy mới ngay hôm nay thì công suất tổng cộng 140.000 tấm wafer một tháng sẽ giúp ích rất lớn trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt chip hiện tại.

Các nhà sản xuất ô tô bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề vì không thể lắp đặt các cảm biến, màn hình và thiết bị điện tử cần thiết để chế tạo một chiếc xe hiện đại. Hầu hết những con chip đó sử dụng công nghệ 28 nm.

Nhưng theo Bloomberg, sự phân bổ vốn lớn của Trung Quốc có hai vấn đề.

Thứ nhất, sẽ phải mất hai đến ba năm để nhà máy mới của SMIC đi vào hoạt động. Vào thời điểm đó, tình trạng thiếu hụt sẽ được cải thiện, nhiều khả năng là kéo theo giá giảm. Việc Trung Quốc thiếu khả năng tự cung cấp thiết bị, vật liệu và phần mềm cần thiết để chế tạo chip càng khiến việc mở rộng công suất phức tạp thêm.

Thứ hai, ước mơ của Trung Quốc không phải là trở thành cường quốc toàn cầu về các linh kiện phủi nước cho ô tô. Trung Quốc muốn thiết kế và tạo ra những con chip điều khiển xe tự lái.

Để làm được điều này, Trung Quốc cần các kỹ sư tập trung vào những sản phẩm tiên tiến bậc nhất có giá hàng trăm USD, chứ không phải những linh kiện bán với giá vài xu.

Ví dụ, hãng xe điện Xpeng của Trung Quốc sử dụng chip AI từ công ty Mỹ Nvidia với giá bán lên tới 999 USD/chiếc, trong khi đó những bộ phận điều khiển màn hình của ô tô chỉ có giá 1 USD.

Không chỉ là tiền

Tiền không phải thứ duy nhất bị lãng phí. Tài năng cũng là thứ khan hiếm. Các nhà sản xuất chip của Trung Quốc đại lục có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao nhất trong ngành. Tập trung nguồn lực vào hai nhà máy sản xuất chip công nghệ cũ đồng nghĩa với việc tài năng không được phân bổ vào việc giải quyết những thách thức cao cấp trong sản xuất chip.

SMIC và các đồng nghiệp như Hua Hong Semiconductor có lẽ sẽ vẫn sống khỏe. Thế giới ngày càng kết nối và cơ sở người tiêu dùng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc sẽ có nhu cầu dành cho các sản phẩm cấp thấp mà họ sản xuất.

Với việc theo đuổi loại sản phẩm cấp thấp, SMIC sẽ không phải đối đầu với các công ty đầu ngành như Samsung hay Intel. Đó là nước đi an toàn. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc không tham gia vào cuộc đua chip toàn cầu và do đó đương nhiên là không thể thắng.

Vung tiền để tài trợ cho những kế hoạch rụt rè không thể biến Trung Quốc thành cường quốc chip toàn cầu và thúc đẩy các mục tiêu độc lập về công nghệ.

Giang

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.