|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kế hoạch tham vọng của Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới

14:08 | 06/09/2021
Chia sẻ
Dự báo từ Bloomberg Economics cho thấy Trung Quốc có thể soán ngôi kinh tế Mỹ trong năm 2031. Kế hoạch 5 năm mới nhất của Trung Quốc coi sản xuất là nền tảng cho sức mạnh quốc gia.
Bước tiếp theo của Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Kỹ sư trong một cơ sở sản xuất của Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Ngành sản xuất một lần nữa trở thành động cơ chính của tăng trưởng kinh tế, có thể giúp Trung Quốc thách thức ngôi vị nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ.  

Giữa cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước phát triển và đang phát triển, Trung Quốc đang nối lại nỗ lực để khởi động lại lĩnh vực sản xuất. Cùng lúc, Trung Quốc xa rời chiến lược cũ là dựa vào chi tiêu bất động sản và cơ sở hạ tầng để tăng trưởng. 

Ông Gao Gao, Phó Tổng thư ký của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) thừa nhận rằng nước này vẫn đi sau đáng kể so với các quốc gia dẫn đầu về sản xuất công nghệ cao như Đức và Nhật Bản.

Nhưng ông Gao nói thêm rằng kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc nâng cao mức lương trong lĩnh vực sản xuất, phát triển các ngành công nghiệp mới, tích hợp sản xuất và dịch vụ. Tất cả đều nhằm mục đích khiến ngành sản xuất trở nên hấp dẫn đối với người tìm việc.

Tuần trước, chính phủ Trung Quốc cho biết đang nhắm đến việc trợ cấp hơn 75 triệu người để tăng số lượng lao động lành nghề, tờ South China Morning Post cho biết. 

Trung Quốc nói rằng đến cuối kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, nước này có triển vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao nhằm giúp tăng gấp đôi quy mô kinh tế vào 2035. Đồng nghĩa với việc Trung Quốc có khả năng vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sau 14 năm nữa.

Trong tháng 7, các dự báo từ Bloomberg Economics chỉ ra Trung Quốc thậm chí có thể leo lên ngôi đầu sớm nhất là vào năm 2031.

Trong quá khứ, tăng trưởng của Trung Quốc phụ thuộc vào đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản. Nhưng giờ Bắc Kinh muốn kiểm soát mức nợ và chuyển chi tiêu vào sản xuất.

Với tiêu dùng chưa phục hồi hoàn toàn từ đại dịch, sản xuất được coi là cứu cánh cho tăng trưởng tương lai của Trung Quốc.

Báo cáo công bố tháng 6 của NDRC viết: "Sự phát triển chất lượng cao của ngành sản xuất có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển chất lượng cao của kinh tế".

Các nhà hoạch định kinh tế nhấn mạnh: "Sản xuất là nền tảng quyết định sức mạnh và vị thế tương lai của quốc gia trên thế giới".

Ông George Magnus, nhà nghiên cứu hợp tác với Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford, nhận định có khả năng Trung Quốc sẽ vượt qua được các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức trong một số bộ phận của ngành sản xuất, nhưng vẫn thua kém về mặt đổi mới.

"Sức mạnh kinh tế không chỉ xoay quanh việc có ngành sản xuất sôi động. Tôi nghĩ Trung Quốc cần kết hợp nỗ lực về ngành sản xuất với sự tái sinh của các cải cách mà chính phủ đang khép lại", ông Magnus nói.

Kế hoạch 5 năm mới nhất đánh dấu sự chuyển hướng với trọng tâm tăng trưởng truyền thống trong các chiến lược cũ của Bắc Kinh. Kế hoạch nhấn mạnh vào "phát triển chất lượng", đưa nền kinh tế hướng nội hơn. Nội dung này làm dấy lên lo ngại rằng sự tham gia của Trung Quốc vào thương mại quốc tế sẽ bị gạt sang một bên, đẩy lùi những hứa hẹn về việc tăng cường hiệu quả thị trường và mở cửa hơn nữa.

Ông Zhang Ming, Phó Giám đốc Viện Tài chính thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), đồng ý rằng việc cải cách và mở cửa đã đem lại kết quả tốt trong thời gian qua. Nhưng ông tin trong thời gian tới Trung Quốc cần tạo ra tăng trưởng từ trong nước nhà để đối phó với quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, đồng nghĩa với việc Trung Quốc không thể tiếp tục trông chờ vào nhu cầu của nước ngoài.

Chính phủ Mỹ đã siết chặt xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc vì một loạt vấn đề như luật an ninh Hong Kong và cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Phụ thuộc vào chính quyền địa phương

Ông Zhang nhận định Trung Quốc cần tận dụng các nguồn lực tốt hơn bằng cách kết nối chặt chẽ các thành phố với các nguồn lực tổng hợp và không để mất các ngành công nghiệp vào tay các nước đang phát triển có chi phí thấp.

Ông Zhang nói trong cuộc phỏng vấn với tờ China News Weekly tuần trước: "Chúng ta đã thấy một số thay đổi trong chính sách từ chính quyền trung ương để giúp bù đắp những hạn chế về di chuyển tài sản và vốn giữa các tỉnh khác nhau".

Ông Zhang nói thêm rằng trở ngại về luân chuyển vốn và tài sản trong lòng Trung Quốc cản trở phát triển công nghiệp vì chính quyền địa phương luôn muốn giữ lại nguồn lực.

Giới phân tích cũng tin khả năng Trung Quốc biến thành cường quốc công nghệ có thể sẽ phụ thuộc vào các chính quyền địa phương.

Ông Li Xiaohua, Giáo sư tại Viện Kinh tế Công nghiệp tại CASS, nói rằng một số chính quyền địa phương có xu hướng tập trung vào tăng trưởng kinh tế ngắn hạn. Họ có xu hướng đổ nguồn lực vào các ngành công nghệ cao, nhưng điều này thường dẫn đến tình trạng dư thừa năng lực và dự án phát triển tiên tiến bị biến thành sản phẩm chất lượng thấp.

Ông Li viết trong tạp chí People's Tribune tuần vừa rồi: "Một số chính quyền địa phương chỉ xem xét xây dựng thị trường nhỏ trong khu vực mà không quan tâm đến việc xây dựng một thị trường quốc gia thống nhất và giúp phát triển cả nước".

Giang