|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khu vực tư nhân là động lực chính của kinh tế Trung Quốc nhưng vì sao lại bị chính phủ siết chặt?

07:23 | 09/09/2021
Chia sẻ
Trung Quốc có nhiều lý do để chấn chỉnh lại khu vực kinh tế tư nhân, nhưng hành động của chính phủ có nguy cơ khiến đất nước tỷ dân không bao giờ bắt kịp các nước giàu nhất.
Khu vực tư nhân là động lực chính của kinh tế Trung Quốc nhưng vì sao lại bị chính phủ siết chặt? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Financial Times).

Cốt lõi của "phép màu kinh tế"

Phép màu kinh tế Trung Quốc được tạo ra khi khu vực công nhường đường cho khu vực tư nhân.

Trung Quốc ghi nhận doanh nghiệp tư nhân đầu tiên vào năm 1980, khi một người bán hàng rong 19 tuổi tên Zhang Huamei đăng ký quầy hàng bán cúc áo và đồ chơi ở thành phố cảng Ôn Châu.

Kể từ đó, Trung Quốc đã để cho doanh nhân làm cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng. Dĩ nhiên, chính phủ cũng cấm tư nhân tham gia vào một số ngành, nhưng ngoài ra thì doanh nghiệp được mặc sức phát triển mà không bị cản trở, tờ Economist cho biết.

Cách tiếp cận này đã cho phép tinh thần kinh doanh ăn sâu vào Trung Quốc trong 40 năm qua. Đến 2017, có tới 6 triệu công ty được đăng ký thành lập chỉ trong một năm — tương đương hơn 15.000 doanh nghiệp mỗi ngày — gần gấp ba lần con số năm 2010.

Báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới viết rằng "Khu vực tư nhân của Trung Quốc hiện là động lực chính của tăng trưởng kinh tế nước này. Dãy số 60/70/80/90 thường xuyên được sử dụng để tóm tắt đóng góp của khu vực tư đến kinh tế Trung Quốc: đóng góp 60% GDP, mang lại 70% sự đổi mới, 80% việc làm thành thị và cung cấp 90% công việc mới. Khu vực tư nhân cũng đảm nhiệm 70% đầu tư và 90% xuất khẩu".

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân rất quan trọng, đóng góp hơn một nửa nguồn thu thuế của Trung Quốc.

Khu vực tư nhân là động lực chính của kinh tế Trung Quốc nhưng vì sao lại bị chính phủ siết chặt? - Ảnh 2.

*Bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài.

Nhưng sau một thời gian dài cho phép kinh tế thị trường tự do nảy nở, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế khu vực tư nhân. Đòn giáng vào các tập đoàn công nghệ lớn nhất nước và các đại gia trong lĩnh vực dạy thêm là hai ví dụ nổi bật.

Lý do không đơn giản

Một số nhà phân tích và đầu tư phương Tây cho rằng giới chức trách Trung Quốc chỉ đơn giản là đang xác nhận lại quyền năng giám sát doanh nghiệp của mình. Alibaba, Tencent và Ant Group có giá trị thị trường tổng cộng gần 2.000 tỷ USD vào năm 2020 – dễ dàng vượt qua các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ và trở thành những công ty giá trị nhất của Trung Quốc.

Hoặc có lẽ các nhà lãnh đạo chướng mắt trước sự vênh váo của các tỷ phú công nghệ và muốn dạy cho họ một bài học. Hầu như mọi người đều cho rằng nguyên nhân vụ IPO bị hoãn lại của Ant Group do nhà sáng lập Jack Ma đã dám lớn tiếng chê trách cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận chính phủ Trung Quốc có lý do chính đáng cho những hành động hà khắc của mình.

Chống độc quyền: Alibaba bị trừng phạt vì buộc các nhà cung cấp trên nền tảng thương mại điện tử của hãng này cam kết không bán hàng trên các nền tảng khác.

Các gã khổng lồ công nghệ khác như Tencent, Baidu và ByteDance cũng bị phạt vì vi phạm luật chống độc quyền. Bắc Kinh muốn các công ty công nghệ lớn dừng lạm dụng quyền lực và nghiền nát các startup sáng tạo khác.

Bảo vệ người tiêu dùng: Ant Group có hoạt động cho vay tiêu dùng khổng lồ. Theo các nhà quản lý, Ant khuyến khích một số người vay và chi tiêu vượt quá khả năng và tạo ra rủi ro cho các ngân hàng cung cấp vốn cho các khoản vay, tờ Wall Street Journal cho biết. Trung Quốc cũng thúc đẩy các công ty công nghệ tăng lương cho lao động tay nghề thấp dù phải hy sinh lợi nhuận.

Bảo vệ an ninh quốc gia: Các công ty Internet Trung Quốc có kho dữ liệu khổng lồ thu thập từ hàng trăm triệu người dùng. Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc cho biết dữ liệu và an ninh quốc gia là lý do chính để điều tra ứng dụng gọi xe Didi.

Giải quyết vấn nạn xã hội: Các công ty dạy thêm trực tuyến từ lâu đã bị chỉ trích là đặt áp lực quá cao lên trẻ em, tạo gánh nặng cho cha mẹ với các khoản phí đắt đỏ và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Chi phí giáo dục cao còn gây hại cho nỗ lực thuyết phục các gia đình sinh thêm con của chính phủ nhằm ngăn chặn tình trạng già hóa của lực lượng lao động.

Theo Bloomberg, việc chính phủ Trung Quốc trừng phạt các ông lớn gây được nhiều thiện cảm với những người trong nấc thang thấp hơn của xã hội. Điều này cho thấy động cơ chính trị: Tạo sự ủng hộ của công chúng với lời kêu gọi "thịnh vượng chung" của ông Tập và giới lãnh đạo Trung Quốc nói chung.

Rủi ro kinh tế

Công cuộc tái thiết kinh tế của ông Tập nhiều khả năng vẫn chưa dừng lại. Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc nói với tờ Atlantic rằng "Các ông lớn chính phủ có ý thức mạnh mẽ rằng họ chưa quản lý doanh nghiệp tư nhân đầy đủ". 

Trung Quốc đã tuyên bố sẽ làm cho doanh nghiệp nhà nước "mạnh hơn và lớn hơn", chỉ ra xu hướng nhà nước đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế, đặc biệt là những công nghệ mũi nhọn như 5G và trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên với việc ưu ái cho khu vực nhà nước, ông Tập lại đang chuyển tiền và tài năng vào những doanh nghiệp kém hiệu quả thay vì doanh nghiệp tư linh hoạt và sáng tạo hơn.

Doanh nghiệp kém hiệu quả sẽ dẫn đến năng suất suy giảm – một thảm họa đối với đất nước già hóa vẫn chưa bắt kịp các nước giàu nhất. Mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2025 của Trung Quốc có nguy cơ mãi mãi chỉ là ước mơ. 

Khu vực tư nhân là động lực chính của kinh tế Trung Quốc nhưng vì sao lại bị chính phủ siết chặt? - Ảnh 3.

Với việc kìm nén động cơ đã tạo ra tăng trưởng thần tốc của Trung Quốc trong hơn 40 năm qua, Trung Quốc có thể bị mắc kẹt với tốc độ tăng trưởng tầm thường. Và kể cả nếu Trung Quốc có thể gia nhập câu lạc bộ quốc gia giàu có trong một khoảng thời gian, nước này vẫn có thể rơi xuống mức thu nhập trung bình. 

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.