Báo Nga: Quân đội Ukraine leo thang xung đột, nã đạn cối ở Lugansk
Căng thẳng tại khu vực Lugansk lên cao trong bối cảnh Nga và NATO đang bất đồng sâu sắc vì các thành viên NATO liên tục cáo buộc Nga chuẩn bị xâm lược Ukraine. Chính quyền Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc này và cảnh báo Ukraine có thể khiêu khích quân sự nhằm kiếm cớ chiếm lại vùng Donbass bằng vũ lực.
Sputnik News dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Điều phối chung (JCCC) cho biết vào sáng nay 17/2, quân đội Ukraine đã nã đạn cối và ném lựu đạn vào 4 địa điểm thuộc Lugansk.
Phía Lugansk cho biết chính phủ Ukraine tại Kiev đang cố gắng leo thang xung đột. Nước cộng hòa tự xưng này hối thúc các nhà quan sát quốc tế hãy đến để nắm bắt tình hình và có các biện pháp ngăn chặn sự gây hấn của Ukraine.
"Các lực lượng vũ trang Ukraine đã vi phạm một cách thô bạo lệnh ngừng bắn khi sử dụng những vũ khí lẽ ra phải bị rút lui theo thỏa thuận Minsk", một sĩ quan của cộng hòa Lugansk tại Trung tâm Kiểm soát và Điều phối chung (JCCC) tuyên bố.
Thỏa thuận Minsk được kí kết vào tháng 2/2015 yêu cầu các bên gồm Kiev và hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk phải ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng gồm những loại pháo có cỡ nòng từ 100 mm trở lên ra xa 50 km tính từ đường ranh giới, nối lại quan hệ kinh tế với nhau, ...
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhấn mạnh rằng thỏa thuận Minsk là giải pháp khả thi duy nhất cho vấn đề xung đột ở Ukraine, nhưng Ukraine không muốn thực hiện thỏa thuận này. Theo ông Putin, Ukraine cố tình kéo dài các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột. Trong bối cảnh đó, NATO đã điều động thêm vũ khí tới gần biên giới của Nga.
Trong khi Nga cáo buộc Kiev cố ý khơi mào xung đột ở Donbass (bao gồm Donetsk và Lugansk) để chiếm lại vùng đất này bằng vũ lực, Mỹ và các nước thành viên NATO khác đang lo ngại Nga sẽ ngụy tạo động cơ để xâm lược Ukraine.
Tình báo Mỹ ước tính Nga đã tập trung khoảng 130.000 quân và vũ khí hạng nặng ở gần Ukraine, có thể tấn công bất cứ lúc nào.
Theo Sputnik News, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine bắt đầu từ năm 2014 sau một cuộc đảo chính tại Kiev. Donetsk và Lugansk không công nhận chính quyền mới ở Kiev nên đã tuyên bố độc lập khỏi Ukraine. Để đáp trả, chính quyền Kiev tổ chức một chiến dịch quân sự.
Phương Tây cáo buộc Nga hậu thuẫn vũ khí cùng nhiều nguồn lực khác cho quân nổi dậy ở Donetsk và Lugansk nhưng Nga liên tục phủ nhận.
Truyền thông Nga ước tính cuộc chiến tranh ở vùng Donbass đã làm ít nhất 31.000 người thiệt mạng, hơn 2,5 triệu dân thường mất nhà cửa, hàng trăm nghìn người chạy sang Nga tị nạn và đã được cấp quốc tịch Nga.
Tháng trước, Moscow cảnh báo Nga sẽ không dung thứ cho bất kỳ sự khiêu khích nào của Kiev ở vùng Donbass hoặc bất kỳ cuộc tấn công này nhằm vào công dân Nga sinh sống ở đây.
Nga rút bớt quân hay điều thêm quân tới biên giới Ukraine?
Theo Reuters, việc vi phạm lệnh ngừng bắn ở Lugansk và Donets xảy ra khá thường xuyên trong 8 năm qua. Tuy nhiên, sự việc lần này khác biệt ở chỗ nó diễn ra đúng lúc Nga đang tập trung hơn 100.000 quân ở gần biên giới Ukraine và đưa ra hàng loạt yêu cầu an ninh cho NATO như không bao giờ kết nạp Ukraine, rút hết quân khỏi các nước gần Nga, ....
NATO đã từ chối tất cả những đề nghị của Nga. Vì vậy, không loại trừ khả năng Nga sẽ mượn cớ Ukraine vi phạm lệnh ngừng bắn ở Lugansk lần này để động binh.
Nga khẳng định mình không có ý định xâm lược Ukraine và các lực lượng quân đội của nước này chỉ tiến hành tập trận.
Ngày 15/2, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố nhiều đơn vị đã hoàn tất tập trận và đang lên đường trở về nơi đóng quân ban đầu. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Mỹ và NATO đều cho rằng chưa có bằng chứng cho thấy Nga đang thực sự rút quân.
Nga tuyên bố đây là video ghi lại cảnh các đơn vị quân đội đang trở về căn cứ. (Nguồn: ria.ru).
CNBC dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ khẳng định thông tin Nga rút bớt quân khỏi biên giới Ukraine là sai. Quan chức này cho biết trong những ngày gần đây, Nga đưa thêm 7.000 quân tới khu vực biên giới, nơi đã có sẵn khoảng 150.000 quân đang đồn trú.
Sáng 16/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trên kênh MSNBC: "Chúng tôi tiếp tục quan sát thấy những đơn vị quân sự quan trọng di chuyển về phía biên giới chứ không phải rút đi. Nga nói một đằng nhưng làm một nẻo".