Đơn hàng dồn dập, các nhà thầu quốc phòng Mỹ thắng lớn nhờ chiến sự Ukraine
Nhu cầu cấp thiết
Theo Reuters, nhu cầu mua sắm vũ khí từ Mỹ đã tăng lên kể từ khi Nga khơi mào cuộc xung đột tại Ukraine.
Các nguồn tin cho biết ngoài thỏa thuận mua 35 máy bay chiến đấu phản lực F-35 của Lockheed Martin, Đức cũng đã hỏi thêm về các hệ thống phòng thủ trước tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, hôm 16/3, một quan chức chính phủ Ba Lan cho biết nước này muốn nhanh chóng mua hệ thống máy bay không người lái hiện đại MQ-9 Reaper từ Mỹ.
Các nước khác ở Đông Âu cũng đưa ra nhiều yêu cầu mua sắm. Các quốc gia này muốn có được vũ khí mà Ukraine đã sử dụng thành công để chống lại lực lượng Nga, bao gồm tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin.
Yêu cầu mua sắm quốc phòng được đưa ra khi các quốc gia Châu Âu tăng cường ngân sách quốc phòng để đáp ứng với ngày càng nhiều các mối nguy cơ về an ninh. Trong đó Đức, Thụy Điển và Đan Mạch là những quốc gia hứa hẹn tăng mạnh chi tiêu.
Bà Mara Karlin, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, trong một cuộc điều trần trước quốc hội cho biết các đồng minh châu Âu đang "tăng gấp đôi" chi tiêu quốc phòng trước khả năng "Nga đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của châu Âu."
Nhà thầu thắng lớn
Việc bán vũ khí của các nhà thầu Mỹ cho các chính phủ nước ngoài cần có sự chấp thuận của Washington. Vì vậy, theo một nguồn tin của Reuters, nhóm Quản lý Khủng hoảng Châu Âu thuộc Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc sẽ có các cuộc họp hàng tuần của để xem xét những yêu cầu cụ thể liên quan đến tình hình hiện tại ở Ukraine.
Để tăng tốc độ phê duyệt của Nhà Trắng đối với việc mua bán và chuyển giao vũ khí do các nhà thầu quốc phòng Mỹ sản xuất, Lầu Năm Góc đã thành lập lại một đội chuyên để giải quyết những yêu cầu mua sắm của các đồng minh.
Một quan chức Quốc phòng cấp cao cho biết: "Lầu Năm Góc đang tìm kiếm các phương án để hỗ trợ nhu cầu của Ukraine, nhanh chóng bổ sung hàng tồn kho của Mỹ và lấp đầy các kho dự trữ cạn kiệt của các đồng minh và đối tác đồng thời đẩy nhanh tiến độ sản xuất".
Hai công ty quốc phòng là Raytheon Technologies và Lockheed Martin Corp cùng sản xuất tên lửa chống tăng Javelin. Ngoài ra, Raytheon còn sản xuất tên lửa đất đối không Stinger. Doanh số tăng vọt kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2 đã giúp cổ phiếu Lockheed và Raytheon tăng lần lượt là 8,3% và 3,9%.
Giám đốc điều hành Raytheon, ông Tom Laliberty cho biết công ty nhận ra "nhu cầu cấp thiết bổ sung lượng tồn kho Javelin và Stinger đã cạn kiệt".
Tuy nhiên, việc các chính phủ tìm đến các nhà thầu quân sự Mỹ có thể gây ra phản ứng dữ dội từ ngành công nghiệp quốc phòng rời rạc của châu Âu.
Người đứng đầu Dassault Aviation hồi đầu tháng đã chỉ trích quyết định đặt mua F-35 của Đức. Công ty Pháp này cho rằng quyết định của Đức sẽ ảnh hưởng đến dự án hợp tác chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 giữa Dassault và Airbus có tên FCAS.
Một nguồn tin cho biết, Đức cũng đang xem xét các hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ sản xuất như Phòng không tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), mặc dù đây không phải ưu tiên hàng đầu.
Một chính trị gia đối lập cũng đã đưa ra câu hỏi về việc mua tên lửa đánh chặn tầm ngắn có tên là Iron Dome của Israel để bảo vệ Berlin. Vẫn chưa rõ liệu Đức sẽ lựa chọn hệ thống nào. Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đức đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Đức được cho là sẽ quyết định về một loại máy bay trực thăng vận tải hạng nặng mới trong năm nay nhờ việc tăng chi tiêu quốc phòng. Các đối thủ cạnh tranh trong thương vụ trị giá ước tính 4 tỷ EUR này bao gồm CH-53K King Stallion của Lockheed Martin và CH-47 Chinook của Boeing.
Trung tá Krzysztof Platek, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Ba Lan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 15/3 rằng Ba Lan muốn mua một số máy bay không người lái MQ-9 Reaper do General Atomics sản xuất. Theo Trung tá Platek, quy trình mua sắm sẽ được tiến hành rất nhanh, và Ba Lan cũng đang nghiên cứu đến việc sẽ mua thêm trong tương lai.
"Đơn hàng này là một câu trả lời cho [tình hình] ... an ninh, đặc biệt là ở Trung và Đông Âu", ông Platek nói.
Thông thường, các thỏa thuận quốc phòng của Mỹ sẽ mất nhiều năm đàm phán, phê duyệt và xem xét. Các quốc gia cũng cần dành tới vài năm để đưa ra các quyết định mua sắm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/