|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tại sao sau bao nhiêu vụ thảm sát, Mỹ vẫn không cấm súng đạn?

13:04 | 31/05/2022
Chia sẻ
Mặc dù bạo lực súng đạn đang là vấn đề đáng báo động, Mỹ vẫn không thể nào cấm việc sở hữu hay mua bán vũ khí. Súng đạn vừa là ngành công nghiệp lớn, vừa ăn sâu vào văn hóa và luật pháp của Mỹ, đồng thời được nhiều tổ chức, cá nhân bảo vệ.

Nhiều súng nhất thế giới

CNN trích dẫn nghiên cứu của Tổ chức Khảo sát Vũ khí nhỏ (SAS) của Thụy Sĩ cho biết trung bình có khoảng 120 khẩu súng trên 100 người Mỹ.

Số lượng súng ở Mỹ nhiều hơn cả dân số nước Mỹ.

Mặc dù con số sở hữu súng của người dân khó xác định do nhiều yếu tố như vũ khí không được đăng kí, buôn lậu và các cuộc xung đột trên toàn cầu, SAS ước tính người Mỹ sở hữu 393 triệu trong tổng số 857 triệu khẩu súng dân dụng trên toàn cầu, tương ứng tỷ trọng 46%.

Không bất quá bất ngờ khi Mỹ có nhiều người thiệt mạng do bạo lực súng hơn bất cứ quốc gia phát triển nào. Theo một nghiên cứu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME), tỷ lệ tử vong do súng đạn của Mỹ cao gấp 8 lần so với Canada, quốc gia có tỷ lệ sở hữu vũ khí đứng thứ 7 trên thế giới, gấp 22 lần so với Liên minh châu Âu và 23 lần so với Australia.

Tỷ lệ tử vong do súng đạn của Mỹ vô cùng cao.

Mặc dù bảo vệ an toàn cá nhân là lý do hàng đầu để người Mỹ sở hữu vũ khí, 63% các trường hợp tử vong liên quan đến súng ở Mỹ là tự sát. Hơn 23.000 người Mỹ đã chết vì những vết thương tự gây ra bằng súng vào năm 2019. Con số này chiếm 44% số vụ tự tử bằng súng trên toàn cầu và hơn tổng số vụ tự sát ở bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Cứ 100.000 người Mỹ thì có 6 vụ tự tử bằng súng đạn, tỷ lệ tự tử ở Mỹ trung bình cao gấp 7 lần so với các quốc gia phát triển khác. Trên toàn cầu, tỷ lệ ở Mỹ chỉ thấp hơn ở Greenland, một lãnh thổ của Đan Mạch với tỷ lệ sở hữu súng tương đối cao (22 khẩu/100 người).

Theo ông Jason R. Silva, phó giáo sư xã hội học và tư pháp hình sự tại Đại học William Paterson, Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất xảy ra các vụ xả súng hàng loạt liên tiếp trong 20 năm qua.

Tổ chức phi lợi nhuận Gun Violence Archive định nghĩa một vụ xả súng hàng loạt là một sự cố khiến ít nhất 4 người chết hoặc bị thương, không bao gồm người bắn.

Cơ quan này thống kê có tới 417 vụ xả súng hàng loạt trong năm 2019, 611 vụ vào năm 2020 và đến 2021 là 692 vụ. Tính từ đầu năm 2022 tới ngày 30/5, đã có 228 vụ xả súng hàng loạt được ghi nhận tại Mỹ, bao gồm vụ thảm sát tại một trường tiểu học ở Uvalde, Texas ngày 24/5 khiến cho 19 học sinh và hai giáo viên thiệt mạng.

Các vụ xả súng hàng loạt ngày càng gia tăng.

Mặc dù ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và an toàn của người dân, súng đạn vừa là ngành công nghiệp lớn, vừa ăn sâu vào văn hóa và luật pháp của Mỹ. Việc cấm súng đạn không chỉ khiến hàng trăm nghìn lao động mất việc, Mỹ mất đi nguồn thu thuế hàng tỷ USD mà còn yêu cầu phải sửa đổi hiến pháp và thay đổi nét văn hóa hàng trăm năm qua.

Ngành công nghiệp quan trọng

Theo Visual Captitalist, từ 2010 đến 2019, trung bình có 13 triệu khẩu súng được bán hợp pháp tại Mỹ mỗi năm. Vào 2020 và 2021, doanh số súng tăng mạnh lên 20 triệu khẩu/năm. Bên cạnh việc nhập khẩu hàng triệu vũ khí mỗi năm, một lượng lớn súng bán ra cũng được sản xuất tại Mỹ. 

Người Mỹ đang ngày càng mua nhiều súng hơn.

Báo cáo năm 2022 của National Shooting Sports Foundation (NSSF), một hiệp hội thương mại về súng ở Mỹ, cho biết ngành công nghiệp súng đạn tạo ra hơn 70,5 tỷ USD trong năm 2021, so với 19,1 tỷ USD năm 2008.

“Bất kể điều kiện kinh tế trên toàn quốc như thế nào, ngành công nghiệp súng đạn đã phát triển và tạo ra hơn 375.000 việc làm mới, được trả lương cao kể từ giữa cuộc Đại suy thoái 2008”, NSSF viết trong báo cáo.

Ngành công nghiệp này không chỉ tạo ra việc làm mà còn là nguồn thu thuế đáng kể. Tại Mỹ, ngành công nghiệp súng đạn và lao động đã đóng góp hơn 7,86 tỷ USD tiền thuế trong năm 2021.

Theo một báo cáo gần đây của Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ (ATF), Mỹ đã sản xuất gần 170 triệu khẩu súng trong ba thập kỷ qua, với sản lượng tăng mạnh trong những năm gần đây.

Forbes cho rằng những con số này thực sự không quá lớn. Chỉ một công ty như Amazon, vào năm 2021 đã có doanh thu gấp hơn 6 lần toàn bộ ngành công nghiệp súng đạn của Mỹ. Tuy nhiên, những mảng kinh doanh có liên quan như bảo hiểm, y tế, tự vệ và an ninh lại đang gặt hái thành công lớn từ bạo lực súng đạn.

Ví dụ, chỉ riêng mảng kinh doanh hệ thống báo động an ninh đã mang lại 25 tỷ USD mỗi năm. Theo Bộ Lao động, có 1,1 triệu người đang làm việc trong lĩnh vực bảo vệ tại Mỹ.

Theo Everytown for Gun Safety, người Mỹ chi 280 tỷ USD hàng năm để điều trị vết thương, chôn cất người chết và điều tra các vụ xả súng. Washington Post ước tính vào năm 2018, các trường học chi 2,7 tỷ USD cho biện pháp an ninh. Chi tiêu của chính phủ cho an ninh nội địa trung bình là 65 tỷ USD mỗi năm từ 2002 đến 2017.

Hiến pháp và văn hóa

Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ viết: "Một lực lượng dân quân được quản lý tốt, cần thiết cho an ninh của một Quốc gia tự do, quyền của người dân được giữ và mang vũ khí, sẽ không bị xâm phạm". Tu chính án thứ hai của Mỹ khẳng định quyền sở hữu và tự vũ trang của người dân.

Tu chính án thứ hai được phê chuẩn vào ngày 15/12/1791, là một trong 10 tu chính án đầu tiên của Hiến pháp, gọi là Tuyên ngôn Nhân quyền. Tuyên ngôn Nhân quyền được mở rộng dựa trên Hiến pháp bằng cách thiết lập các quyền cá nhân rõ ràng, hạn chế quyền lực của chính phủ và đặt nền móng cho sự tự do của Mỹ. 

Tu chính án thứ hai là chủ đề được đưa ra bàn cãi rất nhiều do sự mơ hồ trong định nghĩa "dân quân" có phải là công dân Mỹ bình thường hay không. Vào ngày 26/6/2008, Tòa án Tối cao khẳng định rằng Tu chính án thứ hai bảo đảm quyền cá nhân được giữ và mang vũ khí cho các mục đích sử dụng hợp pháp.

Một cửa hàng tại Mỹ bày bán nhiều loại súng trường tấn công. (Ảnh: BBC).

Văn hóa súng của Mỹ là độc nhất trong số các nước phát triển về số lượng lớn súng do dân thường sở hữu cũng như các quy định chung và mức độ bạo lực liên quan đến súng.

Trong bài báo năm 1970 mang tựa đề "Nước Mỹ là một nền văn hóa súng", sử gia Richard Hofstadter đã sử dụng cụm từ "văn hóa súng" để mô tả việc người Mỹ có tình cảm lâu đời với súng đạn. Ông cũng lưu ý rằng Mỹ "là quốc gia công nghiệp duy nhất mà việc sở hữu súng được phổ biến một cách hợp pháp".

Vận động hành lang

Tổng thống Joe Biden đã phát biểu vài giờ sau khi một tay súng 18 tuổi xông vào trường tiểu học Robb ở Uvalde, Texas, bắn chết 19 trẻ em và hai giáo viên ngày 24/5: “Khi nào chúng ta mới đứng lên để chống lại đội vận động hành lang của ngành công nghiệp súng đạn? ”.

Theo Al Jazeera, vận động hành lang súng ở Mỹ là một thuật ngữ rộng bao gồm những nỗ lực nhằm tác động đến chính sách ở cả bang và liên bang, thông qua việc ủng hộ các ứng cử viên cam kết phản đối các biện pháp kiểm soát súng.

Một số cuộc điều tra đã chỉ ra rằng các nhóm vận động hành lang chống kiểm soát súng, nổi bật nhất là Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) có quan hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp súng trị giá hàng tỷ USD ở Mỹ.

Theo OpenSecrets, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi chi tiêu trong chính trị Mỹ, từ năm 1998 đến năm 2020, các nhóm ủng hộ súng đã trả 171,9 triệu USD vận động hành lang nhằm gây ảnh hưởng trực tiếp đến luật pháp.

Số tiền vận động hành lang của NRA ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Kể từ 1998, chỉ riêng NRA đã trả 63 triệu USD cho mục đích vận động hành lang. Trong khi đó, các nhóm ủng hộ súng đã trả 155 triệu USD trong khoảng thời gian 10 năm từ 2010 đến 2020 cho các khoản "chi tiêu bên ngoài", theo OpenSecrets.

Kể từ năm 2000, NRA đã tốn hơn 140 triệu USD cho khoản chi này. Đáng chú ý, vào năm 2016, NRA được báo cáo đã chi 50 triệu USD để hỗ trợ cho ông Donald Trump vào ghế Tổng thống Mỹ và 6 ứng cử viên Đảng Cộng hòa vào Thượng viện. 

Minh Quang

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.