Tổng thống Putin vui mừng vì công ty nước ngoài rời Nga
Phấn khởi vì công ty nước ngoài rời đi
Theo Reuters, ông Putin đã coi chiến dịch quân sự tại Ukraine là một bước ngoặt trong lịch sử Nga, một cuộc nổi dậy của Moscow chống lại Mỹ. Theo ông, Washington đã làm bẽ mặt Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Bất ổn từ xung đột và nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và gây ra làn sóng lạm phát khi giá ngũ cốc, dầu ăn, phân bón và năng lượng tăng cao.
Sau khi Moscow tấn công Ukraine, nền kinh tế Nga đối mặt với sự suy giảm tồi tệ nhất kể từ những năm hỗn loạn sau sự sụp đổ của Liên Xô, một loạt các nhà đầu tư nước ngoài lớn từ BP, Shell đến McDonald's, Starbucks đã rút lui.
"Đôi khi bạn nhìn vào những doanh nghiệp đã rời đi, có lẽ chúng tôi phải nói cảm ơn Chúa chăng? Chúng tôi sẽ chiếm lĩnh những ngóc ngách thị trường mà phương Tây đã để lại. Doanh nghiệp, sản phẩm của Nga đã phát triển và sẽ lợi dụng những gì đã được chuẩn bị sẵn bởi các đối tác trước đây", ông Putin nói.
Phát biểu với các nhà lãnh đạo của những quốc gia thuộc Liên Xô cũ, ông Putin châm biếm rằng xa xỉ phẩm như chiếc Mercedes mà bọn cướp ưa chuộng trong thời kỳ hỗn loạn hậu Xô Viết vẫn sẽ có sẵn, mặc dù chúng có thể đắt hơn một chút.
"Những chiếc xe sẽ đắt hơn một chút, nhưng những người lái Mercedes rồi thì vẫn sẽ tiếp tục mua chúng thôi. Tôi có thể đảm bảo rằng người bán sẽ đưa những chiếc xe sang đến từ bất cứ đâu, từ bất kỳ quốc gia nào", ông khẳng định.
Ông Putin nói rằng Nga vẫn cần tiếp cận với các công nghệ tiên tiến của các nền kinh tế phát triển: "Chúng tôi sẽ không cắt đứt mình khỏi thế giới. Phương Tây muốn chèn ép Nga, nhưng trong thế giới hiện đại, hành động này đơn giản là phi thực tế". Tuy nhiên, ông không nói rõ về cách Nga sẽ tiếp cận các sản phẩm và phần mềm của phương Tây.
Tổng thống Putin hứa rằng những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga sẽ thất bại. Ông cảnh báo các nền kinh tế phát triển đang vật lộn với vòng xoáy lạm phát, chuỗi cung ứng bị phá vỡ và khủng hoảng lương thực trong khi trung tâm quyền lực kinh tế toàn cầu chuyển sang châu Á.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã gây ra lạm phát ở Nga và làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, nhưng Tổng thống Nga khẳng định Moscow đang đối phó tốt.
Ông cũng cho biết Nga đang quay lưng lại với phương Tây để hợp tác Trung Quốc, Ấn Độ và các cường quốc khác.
"Tất nhiên, doanh nghiệp Nga đang phải đối mặt với các vấn đề, đặc biệt là trong lĩnh vực chuỗi cung ứng và vận tải. Tuy nhiên, mọi thứ đều có thể được điều chỉnh, mọi thứ đều có thể được xây dựng theo một cách mới", ông Putin nói.
"Không phải không có thua lỗ, nhưng tình hình hiện tại đang giúp Nga trở nên mạnh mẽ hơn”, ông khẳng định.
Giải quyết an ninh lương thực
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Italy Mario Draghi hôm 26/5 cũng đã thảo luận về các cách giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực quốc tế. Điện Kremlin cho biết vấn đề này chỉ có thể được thực hiện nếu phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
“Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng Liên bang Nga sẵn sàng đóng góp đáng kể vào việc khắc phục cuộc khủng hoảng lương thực thông qua xuất khẩu ngũ cốc và phân bón, miễn là các hạn chế có động cơ chính trị từ phương Tây được dỡ bỏ”, Moscow cho biết trong một tuyên bố.
Ukraine đã mô tả lập trường của Nga là "sự tống tiền", và Ngoại trưởng Anh Liz Truss ngày 26/5 cho biết rằng ông Putin đang "đòi tiền chuộc" bằng cách vũ khí hóa cuộc khủng hoảng lương thực do xung đột Ukraine gây ra.
Nhà Trắng cho biết không có cuộc đàm phán nào được tổ chức về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Nga để đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc.
Trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Draghi tiết lộ việc đã chủ động gọi điện cho nhà lãnh đạo Nga. “Tôi thấy mình cần giải quyết vấn đề này vì mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể ảnh hưởng đến những người nghèo nhất thế giới,” ông nói với các phóng viên.
Thủ tướng Draghi cho biết Tổng thống Putin nói rằng cuộc khủng hoảng lương thực là lỗi của các lệnh trừng phạt.
Ông Draghi nói: “Tôi quan tâm đến một vấn đề nhỏ hơn, đó là dỡ bỏ phong tỏa để xuất khẩu lượng ngũ cốc khổng lồ tại các cảng của Ukraine ở Biển Đen”. Ông sẽ tổ chức một cuộc gọi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy về vấn đề này.
Việc Nga phong tỏa cảng của Ukraine đã ngăn cản những chuyến hàng ngũ cốc. Cả hai nước đều là những nhà xuất khẩu lớn của thế giới. Nga cáo buộc Ukraine đặt thủy lôi xung quanh các cảng.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các tàu dân sự hiện có thể sử dụng cảng Mariupol trên Biển Azov, nơi đã được phía Moscow kiểm soát hoàn toàn.
Bộ Quốc phòng tuyên bố những mối nguy hiểm từ thủy lôi xung quanh cảng Mariupol hiện đã được loại bỏ. Bộ này cũng cho biết sáu 6 tàu chở hàng khô của nước ngoài tại cảng hiện đã được tự do xuất bến. Những tàu này đến từ Bulgaria, Dominica, Liberia, Panama, Thổ Nhĩ Kỳ và Jamaica.