Vì sao giá dầu không giảm dù Arab Saudi đồng ý tăng sản lượng?
Giá “vàng đen” gần như không có chút suy suyển nào sau khi Arab Saudi và các nước thành viên OPEC+ khác đồng ý gia tăng nguồn cung. Giá dầu Brent giao tháng 8 được chốt ở mức 119,51 USD/thùng vào ngày 6/6 – cao hơn cả mức giá trước cuộc họp quan trọng của nhóm OPEC+ tuần trước.
Vì sao Arab Saudi, quốc gia được mệnh danh là ngân hàng trung ương của thị trường dầu mỏ, cũng không thể ngăn giá dầu ngừng tăng?
OPEC+ hứa gì – và vì sao lại chọn thời điểm này?
Sau khi bị Nhà Trắng gây sức ép suốt nhiều tháng, Riyadh đã mềm lòng và đồng ý cùng OPEC+ tăng tốc sản xuất. Liên minh dầu mỏ đã nhất trí đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 9 lên tháng 7 và tháng 8, với mức tăng hàng tháng sẽ vào khoảng 650.000 thùng/ngày.
Động thái của OPEC+ là nhằm kìm hãm đà tăng của giá dầu. Sự bùng nổ của thị trường năng lượng đang đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kéo giá xăng tại Mỹ lên mức cao kỷ lục, gây khó khăn chính trị cho Tổng thống Joe Biden trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Theo tờ Financial Times, các nhà phân tích và một quan chức tham gia quá trình đối ngoại cho biết thỏa thuận trên cho thấy mối quan hệ giữa Arab Saudi và Nhà Trắng đã “tan băng”.
Vì sao giá dầu vẫn tăng?
Khối lượng dầu mà OPEC+ cung cấp thêm trong thực tế có thể thấp hơn con số trong kế hoạch. Trong số 650.000 thùng dầu tăng thêm mỗi tháng, 432.000 thùng đã được lên kế hoạch từ trước, tức là đã được thị trường phản ánh vào giá từ lâu.
Nhiều nước nhỏ hơn trong liên minh OPEC+ đã không đáp ứng được hạn ngạch trong những tháng gần đây. S&P Global ước tính sản lượng thực tế của OPEC+ hiện nay thấp hơn 2,6 triệu thùng/ngày so với dự kiến – tương đương gần 3% nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Tổng cộng, hãng tư vấn Rapidan Energy Group tính rằng OPEC+ sẽ chỉ sản xuất được thêm 355.000 thùng/ngày trong hai tháng tới. Con số này quá nhỏ khi xét rằng thế giới sẽ mất 3 triệu thùng dầu/ngày từ Nga khi các lệnh trừng phạt được thắt chặt trong nửa cuối năm 2022, theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Ông Bob McNally, Chủ tịch Rapidan nhận xét: “Quyết định tăng sản lượng là sự thay đổi 180 độ đối với chính sách dầu mỏ của Arab Saudi, nhưng nó không tạo ra mấy thay đổi. Đây là bước đi có ý nghĩa biểu tượng, nhưng không thể giúp Arab Saudi đổi sự ổn định của thị trường năng lượng lấy sự đảm bảo về an ninh với Mỹ".
Liệu các nhà sản xuất khác có thể giúp kiềm chế giá dầu?
Mỹ muốn có thêm dầu từ OPEC+ vì tăng trưởng nguồn cung từ các nhà sản xuất khác rất mờ nhạt – đặc biệt là ở Texas. Các nhà cung cấp dầu đá phiến Mỹ vẫn không muốn đẩy mạnh khai thác. Thay vào đó, các công ty này đang dùng tiền để chi trả cổ tức và mua cổ phiếu quỹ. Nỗ lực của Mỹ nhằm có thêm dầu thô từ Venezuela cũng chưa thu được kết quả.
Viễn cảnh đạt được thỏa thuận hạt nhân mới với Iran để khai thông dòng chảy dầu của nước này vào thị trường thế giới vẫn còn xa vời. Nhờ cậy Canada để có thêm dầu sẽ là hành động chính trị nguy hiểm với ông Biden, vì ông đã rút giấy phép của đường ống Keystone XL gây tranh cãi. Và dù sao chăng nữa, nguồn cung từ các nước này cũng phải mất nhiều tháng để tới nơi.
Trong khi đó, quyết định đẩy nhanh việc gia tăng sản lượng của Arab Saudi sẽ càng làm suy giảm công suất dự phòng của OPEC – yếu tố nền tảng của các đợt tăng giá trong quá khứ. Morgan Stanley chỉ ra rằng ngay lúc này, bộ đệm nguồn cung khẩn cấp của Arab Saudi đã xẹp xuống mức “thấp lịch sử” là 2 triệu thùng/ngày. Cùng lúc đó, tiêu dùng năng lượng tiếp tục gia tăng – và có thể còn lên cao hơn nữa khi Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa hoàn toàn.
OPEC đoán thế giới sẽ tiêu thụ tổng cộng 100,3 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay, cao hơn mức 97 triệu thùng/ngày hồi năm 2021. Và trong mùa nghỉ hè, nhu cầu di chuyển của người dân Mỹ sẽ rất mạnh mẽ, dù giá xăng đã tăng 60% trong năm qua. Và các nhà máy lọc dầu cũng đang xuất khẩu xăng sang các nước thiếu hụt nguồn cung khác.
JPMorgan gọi tình trạng này là cú sốc “thâm hụt năng lượng khổng lồ”, có thể sẽ kéo dài đến cuối thập kỷ. Mức tăng nguồn cung khiêm tốn từ OPEC+ nhiều khả năng không thể dập tắt đà tăng của giá dầu.
Bao giờ giá dầu giảm?
Thay vì kêu gọi cắt giảm sử dụng xăng dầu, Nhà Trắng đã mở kho dự trữ khẩn cấp, đồng thời chỉ trích các công ty dầu đang “chặt chém” khách hàng và nới lỏng một số quy định về ô nhiễm không khí.
Các quan chức cũng đang thảo luận về việc hoãn thuế nhiên liệu liên bang. Các biện pháp này nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá cao, nhưng chúng có thể kích thích thay vì làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Và nhiều khả năng cơn sốt giá sẽ chỉ hạ nhiệt khi nhu cầu bắt đầu đổ vỡ.
Bất chấp đà tăng hơn 500% trong hai năm qua, giá dầu thô hiện nay vẫn thấp hơn đỉnh 2008, cả về giá trị thực lẫn danh nghĩa. Theo giới phân tích, điều này cho thấy giá dầu có thể tiếp tục leo cao hơn. Các nhà phân tích tại Morgan Stanley viết: “Chúng tôi ngờ rằng giá dầu sẽ tìm đến ngưỡng mà ở đó nhu cầu bắt đầu bị xói mòn”. Họ dự doán giá dầu có thể lên đến 150 USD/thùng vào quý III.
Vẫn còn con đường khác có khả năng khiến giá dầu đảo chiều, nhưng kịch bản này rất đáng sợ: Một cuộc suy thoái nhấn chìm nền kinh tế toàn cầu và làm sụp đổ nhu cầu dành cho dầu.