|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kho khí đốt khổng lồ mà châu Âu có thể trông cậy

15:19 | 05/06/2022
Chia sẻ
Argentina - nơi có mỏ khí đá phiến lớn thứ hai thế giới, có thể là chìa khóa để châu Âu giải quyết bài toán nguồn cung khí đốt hiện nay.

Kho khí đốt bị lãng quên

Giữa lúc châu Âu chật vật tìm kiếm nguồn cung để thay thế cho khí đốt của Nga, thì Argentina - nơi có mỏ khí đá phiến lớn thứ hai thế giới, bỗng được các chuyên gia và công chúng nhớ tới.

Song, quốc gia Nam Mỹ hiện không thể giúp châu Âu. Trên thực tế, Argentina thậm chí còn không thể tự giúp mình giảm bớt tình trạng phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, dù nước này đang có nguồn tài nguyên khổng lồ ở mỏ Vaca Muerte.

Theo oilprice.com, việc phát triển mỏ Vaca Muerta đã đình trệ khá nhiều trong nửa thập kỷ qua, do khủng hoảng kinh tế lâu năm, khủng hoảng dầu khí toàn cầu và các hạn chế về ngoại hối của Argentina.

Hơn nữa, Argentina còn gặp trục trặc trong việc xúc tiến các dự án đường ống để đưa khí đốt từ Vaca Muerta đến các nước láng giềng cũng như ra thị trường khí hóa lỏng (LNG) toàn cầu.

Do đó, dù đang nắm giữ một trong những mỏ khí đá phiến lớn nhất hành tinh, Argentina vẫn không thể làm gì để xoa dịu cơn khát khí đốt toàn cầu. Mặc dù có tiềm năng là một nhà sản xuất khí đốt lớn, Argentina lại chi hàng tỷ USD để nhập khẩu LNG vào năm ngoái.

Nỗ lực hồi sinh

Trong vài năm trở lại đây, Argentina đã đặt cược lớn vào việc tăng sản lượng dầu thô và khí đốt tại mỏ Vaca Muerta ở tỉnh Neuquen.

Mỏ này được ước tính là chứa tới 16 tỷ thùng dầu và 308.000 tỷ feet khối khí tự nhiên. Những con số đó khiến Vaca Muerta trở thành mỏ khí đá phiến lớn thứ hai thế giới hiện nay, theo oilprice.com.

Tuy nhiên, Argentina lại bỏ lỡ cơ hội tận dụng nguồn tài nguyên khí đốt khổng lồ của Vaca Muerta vì không thể cải tiến cơ sở hạ tầng để đưa lượng khí đốt đó đến các nơi có nhu cầu lớn hay thị trường toàn cầu.

Ngọn lửa bốc lên từ một cơ sở khai thác khí đốt ở mỏ Vaca Muerta. (Ảnh: Bloomberg).

Nếu Argentina có thể đạt được những bước tiến đó, nước này có thể sẽ giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay cũng như giúp chính phủ gặt hái được doanh thu đáng kể từ xuất khẩu khí đốt, đặc biệt là khi châu Âu đang sẵn sàng chi tiền để mua thêm hàng.

Trong những tuần gần đây, giới chức Argentina đã thực hiện một số động thái nhằm tăng tốc độ phát triển mỏ Vaca Muerta, đồng thời xây dựng các đường ống để giúp quốc gia Nam Mỹ tự chủ khí đốt và xuất khẩu LNG ra nước ngoài.

Tín hiệu tích cực đã xuất hiện, khi các nhà chức trách mở thầu một đường ống dẫn khí lớn, được đặt theo tên cựu Tổng thống Néstor Kirchner, để kết nối mỏ Vaca Muerta với một thị trấn cảng nằm ở phía bắc Buenos Aires.

Tuần trước, Argentina còn tuyên bố sẽ cho phép các công ty năng lượng tiếp cận nguồn ngoại tệ dễ dàng hơn nhằm đẩy nhanh tiến độ khai thác mỏ Vaca Muerta.

Khi công bố quyết định trên, Tổng thống Alberto Fernandez cho hay: “Argentina có nguồn năng lượng mà thế giới cần. Để tận dụng lợi thế này, chúng tôi đã xác định các quy định cụ thể để hỗ trợ đầu tư và việc làm trong lĩnh vực năng lượng”.

Argentina đã siết chặt các biện pháp kiểm soát vốn kể từ năm 2019 để bảo vệ nguồn dự trữ ngoại tệ của mình. Giờ đây, khi có thể dễ dàng tiếp cận với đồng USD, các công ty năng lượng có thể nhập khẩu thiết bị chuyên dụng để khai thác khí đốt.

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Martin Guzman đã thảo luận với Thống đốc tỉnh Rio Negro - bà Arabela Carreras, về tiềm năng của một nhà máy hóa lỏng khí đốt và một cơ sở xuất khẩu LNG trong địa bàn tỉnh này.

Công ty năng lượng nhà nước YPF cũng đang xem xét 4 địa điểm tại các tỉnh Buenos Aires và Rio Negro để phát triển dự án LNG lớn với vốn đầu tư khoảng 11,5 tỷ USD và có thể giúp công ty trở thành một nhà xuất khẩu năng lượng ròng, Chủ tịch Pablo Gonzalez chia sẻ với hãng tin nhà nước Telam.

Khả Nhân

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.