|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Arab Saudi nâng giá bán dầu cho khách hàng châu Á, mức tăng cao bất ngờ

14:30 | 06/06/2022
Chia sẻ
Arab Saudi, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, vừa nâng giá dầu thô giao tháng 7 cho các khách hàng châu Á và mức tăng gây bất ngờ cho thị trường.

Arab Saudi nâng giá bán dầu với châu Á lên mức cao bất ngờ. (Ảnh minh họa: Reuters).

Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco của Arab Saudi vừa nâng giá bán dầu cho thị trường châu Á lên mức cao hơn dự kiến. Động thái của nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới xuất hiện trong bối cảnh thị trường đang lo ngại về tình trạng nguồn cung thu hẹp và nhu cầu tăng vọt trong mùa hè.

Cụ thể, giá bán chính thức đối với dầu Arab Light giao tháng 7 sang châu Á tăng 2,1 USD/thùng. So với báo giá của Oman/Dubai, mức giá của Arab Saudi cao hơn 6,5 USD/thùng - chỉ nằm ngay dưới mức cao nhất mọi thời đại ghi nhận vào tháng 5 năm nay.

Mức nâng giá bán của Arab Saudi cao hơn nhiều so với hầu hết dự báo của thị trường - vốn chỉ dự kiến tăng khoảng 1,5 USD/thùng. Chỉ một trong 6 chuyên gia mà Reuters phỏng vấn dự đoán mức tăng 2 USD/thùng.

Chia sẻ với Reuters, một thương nhân kinh doanh dầu mỏ tại châu Á cho hay: “Việc tăng giá của Arab Saudi là điều gây bất ngờ, đặc biệt là với mặt hàng dầu Arab Light. Sau quyết định của Saudi Aramco, chúng tôi đang phân vân có nên mua hàng tiếp hay không”.

Động thái của tập đoàn Saudi Aramco còn diễn ra bất chấp việc liên minh OPEC+ vừa thống nhất tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8 năm nay, nhằm bù đắp thiệt hại về nguồn cung từ Nga.

Trước đó, các nước thành viên OPEC+ dự tính chỉ bơm thêm khoảng 432.000 thùng dầu ra thị trường mỗi ngày trong ba tháng tính đến tháng 9. Như vậy, liên minh dầu mỏ lớn nhất hành tinh đã quyết định tăng sản xuất mạnh hơn dự báo.

Tuy nhiên, mức tăng của OPEC+ vẫn vấp phải ý kiến phản đối từ một số nước thành viên, bao gồm Nga hay Angola và Nigeria (tức các nhà sản xuất đang vật lộn để hoàn thành hạn ngạch được giao).

Mối bất đồng trong OPEC+ khiến thị trường e ngại rằng mức tăng nguồn cung thực tế có thể không đạt đến con số trong kế hoạch chính thức. Nói cách khác, cung có thể hụt đáng kể so với cầu.

Các quốc gia ở Bắc bán cầu như Mỹ thường bắt đầu mùa lái xe và du lịch vào tháng 7, khiến nhu cầu xăng dầu tăng cao. Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu số một thế giới, cũng đang nới lỏng phong tỏa tại các thành phố lớn như Thượng Hải.

Một doanh nhân buôn dầu khác tại châu Á bình luận: “Nhu cầu năng lượng đang rất lớn và Arab Saudi có đủ cơ sở để tăng giá bán chính thức”.

Tuy nhiên, một phần nhu cầu của châu Á đối với dầu thô của Arab Saudi có thể được “bù qua sớt lại” bằng nguồn cung của Nga. Để tránh né thiệt hại từ các cấm vận của phương Tây, xứ sở Bạch Dương đang đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc và Ấn Độ với mức chiết khấu hấp dẫn.

Ở diễn biến khác, vào cuối tuần qua, tập đoàn nhà nước Saudi Aramco cũng đã tăng giá bán dầu đối với các khách hàng ở châu Âu và Đại Trung Hải, nhưng giữ nguyên giá đối với các nhà nhập khẩu của Mỹ.

Khả Nhân