|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giá dầu trên 100 USD/thùng là phước lành cho các nền kinh tế vùng Vịnh

19:57 | 05/06/2022
Chia sẻ
Chỉ hai năm trước, các nền kinh tế vùng Vịnh còn phải phát hành nợ kỷ lục để đối phó với cú lao dốc nghiêm trọng của thị trường dầu mỏ. Giờ đây, khu vực này đang bứt phá mạnh mẽ nhờ giá dầu trên 100 USD/thùng.

Đảo chiều ngoạn mục

Tuần này, Bloomberg đưa tin, các đợt IPO trong nửa đầu năm nay tại khu vực Trung Đông (tức khu vực GCC) đã ghi nhận kết quả tốt nhất từ trước đến nay, với tổng số tiền huy động được là 11,4 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.

Công ty hóa dầu Borouge, niêm yết trên sàn chứng khoán Abu Dhabi, huy động được 2 tỷ USD. Tập đoàn điện lực lớn nhất tại Dubai - Dubai Electricity and Water Authority, huy động được 6,1 tỷ USD khi niếm yết cổ phiếu vào đầu năm nay, trở thành doanh nghiệp lớn nhất trên sàn giao dịch chứng khoán Dubai.

Trái với khu vực Tây Âu hoặc Bắc Mỹ, ngành công nghiệp dầu khí dường như vẫn khá hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư tại khu vực sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh giá dầu thô đang đứng vững trên mốc 100 USD/thùng.

Giá dầu trên 100 USD/thùng là phước lành cho các nền kinh tế vùng Vịnh. (Ảnh minh họa: Reuters).

Sự bứt phá của các nền kinh tế vùng Vịnh hiện giờ trái ngược hoàn toàn so với hai năm trước, khi họ phải phát hành nợ kỷ lục để chống lại cú sốc trên thị trường năng lượng, vốn bắt nguồn từ đại dịch COVID-19.

Liên minh OPEC đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ năm nay khoảng 200.000 thùng/ngày xuống còn 3,4 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, ngay cả khi nhu cầu yếu đi, nguồn cung nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ thu hẹp và nhiều khả năng sẽ giữ giá dầu trên ngưỡng 100 USD/thùng trong thời gian dài.

Ông Rudi Saadi, người đứng đầu thị trường vốn khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Citi, cho hay: “Các thương vụ IPO gần đây ở các nền kinh tế GCC đạt được thành quả tốt nhờ sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài khu vực”.

“Chúng tôi thấy dòng vốn nước ngoài ròng liên tục chảy vào các sàn giao dịch chứng khoán ở khu vực GCC, ngay cả trong đợt báo tháo gần đây. Đó là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang mua cổ phiếu của các công ty trong khu vực, bất chấp sự biến động trên thị trường toàn cầu”, ông Saadi cho hay.

Ngược lại, ở châu Âu và Bắc Mỹ, công chúng vẫn rất lo ngại về áp lực lạm phát, giá năng lượng vẫn cao hơn mức mong muốn của chính phủ các nước và thị trường chứng khoán hoạt động không ổn định.

Nhu cầu cấp thiết

World Bank ước tính, các nền kinh tế vùng Vịnh có thể tăng trưởng 5,2% trong năm nay, phần lớn nhờ vào giá dầu tăng cao. Cuộc chiến ở Ukraine cũng giúp thúc đẩy GDP của các nước GCC.

Trong một báo cáo gần đây, World Bank cho hay: “Là những nhà xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn, các nước GCC càng được hưởng lợi từ những thay đổi trên thị trường năng lượng mà chiến sự tại Ukraine khơi mào”.

“Các nền kinh tế vùng Vịnh có thể ghi nhận thặng dư tài khóa và tài khoản vãng lai lớn trong năm nay. Điều này có thể giúp củng cố niềm tin người tiêu dùng và hút thêm vốn đầu tư ngoại”, World Bank nhấn mạnh.

Dù vậy, giám đốc khu vực của World Bank cho rằng bất chấp những phát triển tích cực gần đây, các nền kinh tế vùng Vịnh vẫn cần phải cam kết giảm phát thải và bắt đầu định hướng lại nền kinh tế theo mô hình ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Có vẻ các đại gia dầu mỏ Trung Đông đang đa dạng hóa nền kinh tế. Theo một báo cáo của hãng tư vấn Strategy & Middle East, các nước vùng Vịnh đang mở rộng lĩnh vực kinh tế số.

Nếu thực hiện các chính sách phù hợp, GDP chung của khu vực có thể tăng 255 tỷ USD vào năm 2030, riêng Arab Saudi đóng góp 19 tỷ USD, tờ Arab News dẫn báo cáo của Strategy & Middle East cho hay.

Khả Nhân