Quyền lực chính trị của Trung Quốc đi lên cùng thị trường tài chính
BBC cho biết năm 2020, Trung Quốc vượt Mỹ để thành địa điểm đầu tư nước ngoài mới thu hút nhất thế giới. Báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy năm ngoái nhà đầu tư ngoại rót 163 tỷ USD vào Trung Quốc, nhiều hơn 29 tỷ USD so với con số Mỹ nhận được. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục là địa điểm số một về đầu tư nước ngoài mới trong tương lai.
Vì sao xu hướng trên lại quan trọng? Khi có thêm nhiều tiền chảy vào thị trường tài chính, các lãnh đạo Trung Quốc sẽ có cơ chế rõ ràng để tăng cường quyền lực chính trị của quốc gia. Tiền từ nhà đầu tư ngoại sẽ trở thành vũ khí mạnh mẽ của Trung Quốc để thách thức vị trí siêu cường thế giới của Mỹ.
Ông Nicholas Borst, Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại Seafarer Capital Partners cho biết mục tiêu của Trung Quốc là "quốc tế hóa đồng nhân dân tệ".
Khi người nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp nội địa, trái phiếu chính phủ Trung Quốc và các loại chứng khoán được giao dịch bằng nhân dân tệ, họ buộc phải mua và nắm giữ nội tệ của Trung Quốc.
Càng nhiều nhà đầu tư toàn cầu nắm giữ các tài sản tài chính Trung Quốc thì nhân dân tệ càng trở nên phổ biến và quan trọng hơn. Ông Borst giải thích: "Bạn không thể có một đồng tiền có quyền lực lớn trên toàn cầu trừ khi cung cấp cho các nhà đầu tư nơi an toàn để trữ nó".
Theo tờ Axios, Trung Quốc từ lâu đã vũ khí hóa quyền tiếp cận thị trường tiêu dùng nội địa để đạt được lợi ích địa chính trị, buộc các hãng hàng không, khách sạn, xưởng phim và nhiều công ty khác tránh vượt qua "lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh.
Khi thị trường vốn của Trung Quốc trở nên sinh lợi và hấp dẫn hơn, nhiều người dự đoán Trung Quốc sẽ tận dụng khả năng tiếp cận thị trường vốn theo cách tương tự.
Tính đến 2020, tổng vốn hóa các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên thị trường đại lục, Hong Kong và các chỉ số ngoại quốc như sàn giao dịch New York, London và Singapore đạt gần 17.000 tỷ USD, phần lớn trong số đó (11.700 tỷ USD) nằm trong các sàn giao dịch đại lục.
Con số 17.000 tỷ USD ngang ngửa với tổng vốn hóa của Sàn giao dịch chứng khoán London và sàn Euronext.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài trước khi nhân dân tệ trở thành đồng tiền quốc tế. Một phần nguyên nhân là giới lãnh đạo Trung Quốc ngần ngại biến nhân dân tệ thành đồng tiền được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới, do việc này sẽ khiến nhà nước mất đi một số quyền kiểm soát đối với dòng vốn ra và chính sách tài khóa nội địa.
Trung Quốc đang phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số và gã khổng lồ thanh toán toàn cầu SWIFT đã hợp tác với ngân hàng trung ương Trung Quốc để phát triển nó. Tiền kỹ thuật số có thể đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa nhân dân tệ và mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của Bắc Kinh trên toàn thế giới.
Ngay cả khi chính quyền Trump cấm nhà đầu tư Mỹ sở hữu cổ phần trong một số công ty Trung Quốc có liên quan đến quân đội, Trung Quốc vẫn trở thành một trong những quốc gia thu hút nhiều tiền từ nhà đầu tư Mỹ nhất, theo dữ liệu của Seafarer.
CEO Linda Zhang của Purview Investments chia sẻ với Axios: "Trung Quốc hiện vừa là nền kinh tế lớn thứ hai vừa là thị trường vốn lớn thứ hai thế giới. Hầu hết nhà đầu tư Mỹ đều có tiền trong doanh nghiệp Trung Quốc một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua tài khoản chứng khoán hoặc kế hoạch hưu trí 401k".
Năm ngoái, ông Trump đã ban hành đạo luật có thể hủy niêm yết hàng trăm cổ phiếu Trung Quốc tại Mỹ. Tuy nhiên, việc cấm cửa doanh nghiệp Trung Quốc khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ có thể thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang thị trường Thượng Hải và Hong Kong.
Giám đốc Bob Bartel của công ty tư vấn tài chính Duff & Phelps chỉ ra rằng về lâu dài, làn sóng tháo chạy của doanh nghiệp Trung Quốc khỏi thị trường Mỹ sẽ làm tăng sức mạnh tương đối của các sàn giao dịch Trung Quốc so với các sàn giao dịch ở Mỹ.