Người Mỹ lũ lượt đổ tiền vào chứng khoán, bỏ ngoài tai cảnh báo bong bóng
Chuyện tình của người Mỹ với chứng khoán ngày càng trở nên sâu đậm trong bối cảnh nhà nhà, người người đua nhau ngụp lặn trong thị trường.
Các quỹ đầu tư cổ phiếu đang thu hút dòng tiền mới với tốc độ nhanh chưa từng có. Các quỹ đầu cơ đẩy tỷ trọng cổ phiếu lên mức cao kỷ lục. Doanh nghiệp một lần nữa nổi lên với tư cách người mua lớn, mạnh tay chi gấp đôi năm trước để gom cổ phiếu quỹ.
Theo Bloomberg, niềm yêu thích thị trường chứng khoán Mỹ nhấn mạnh lòng tin vào cuộc phục hồi kinh tế. Một số khía cạnh của cơn sốt chứng khoán là nguyên nhân dẫn đến những cảnh báo hàng ngày về bong bóng, ví dụ như nỗi ám ảnh đối với quyền chọn và cổ phiếu penny. Tuy nhiên, các nhận định tích cực cũng đang cung cấp nền tảng vững chắc cho đà tăng giá của thị trường.
Với bước tiến 75% từ tháng 3/2020, mức tăng của chỉ số S&P 500 lớn hơn bất kỳ thị trường giá lên nào trong cùng giai đoạn của chu kỳ kể từ thập niên 1930.
Ông Brian Culpepper, nhà quản lý của James Investment Research thốt lên: "Thật đáng kinh ngạc. Ai cũng nghĩ thị trường chứng khoán sẽ tăng nữa, tăng mãi. Dù đây là tâm lý bầy đàn hay hội chứng sợ bỏ lỡ đi chăng nữa, thị trường chứng khoán đang thực sự đi lên".
Tính từ đáy của thị trường gấu cuối cùng, chu kỳ bùng nổ của thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay mới kéo dài 11 tháng, vẫn còn non trẻ. Để so sánh, "tuổi thọ" trung bình của thị trường giá lên là 5 năm.
Tuy nhiên tốc độ của chu kỳ bùng nổ hiện nay lại rất đáng nể. Mức tăng từ đáy đến đỉnh hiện tại của S&P 500 đã làm lu mờ ba thị trường tăng giá khác. Nếu so sánh với dữ liệu lịch sử thì thị trường tăng giá hiện tại đã đi được hơn một nửa vòng đời vì tỷ suất lợi nhuận trung bình của 13 chu kỳ giá lên trước đó là 126%.
Trong cuộc khảo sát tháng này của Bank of America, phần lớn các nhà quản lý quỹ cho rằng thị trường giá lên hiện tại đang ở gần giai đoạn cuối.
Ông Michael Arone, Giám đốc đầu tư quỹ ETF SPDR Mỹ tại State Street Global Advisors cho biết: "Tôi không nghĩ thị trường đang ở trong bong bóng, nhưng chúng ta đang có một số dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang tất tay vào cổ phiếu và tài sản rủi ro. Phải có những khoảnh khắc hưng phấn này thì thị trường giá lên mới đạt đỉnh".
Nhà đầu tư vẫn chưa chú ý đến mối nguy trên. Theo dữ liệu từ EPFR, tuần trước, nhà đầu tư rót 36 tỷ USD vào các quỹ tập trung vào cổ phiếu Mỹ - dòng tiền vào lớn nhất trong hơn hai thập kỷ.
Nỗi sợ lỡ chuyến tàu tăng giá đang ám ảnh tấm trí nhà đầu tư với vốn hóa của thị trường chứng khoán tăng tới 12.000 tỷ USD kể từ tháng 3/2020. Định giá cao ngất như thời kỳ bong bóng công nghệ không khiến nhà đầu tư chùn bước. Bắt đáy là khẩu hiệu được hô vang khắp nơi.
Kết quả, các đợt giá thoái lui chỉ diễn ra một cách hời hợt. Tính từ tháng 10 năm ngoái, chỉ số S&P 500 có 7 lần đi xuống rõ rệt, nhưng không lần nào giảm quá 4%.
Ông Andrew Adams, chuyên gia của Saut Strategy cho biết: "Tháng vừa rồi có vài lần thị trường có vẻ như đã mất hết sự hỗ trợ và cú rơi tự do đã bắt đầu, nhưng lần nào người mua cũng nhảy vào. Đây không còn là thị trường "bình thường" nữa. Miễn là thị trường còn lên cao nữa và cao mãi, tôi nghĩ chúng ta gần như buộc phải sở hữu cổ phiếu".
Gần như không ai dự đoán thị trường sẽ đi xuống, khối lượng bán khống giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ cuộc hỗn chiến xoay quanh GameStop.
Doanh nghiệp Mỹ cũng gia nhập đội ngũ người mua chứng khoán đông đảo. Trong đại dịch 2020, doanh nghiệp buộc phải rút lui và bảo toàn tiền mặt nhưng đến nay đã quay trở lại và vung tiền mua cổ phiếu quỹ. Dữ liệu của EPFR cho thấy trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh hiện nay, giá trị các cuộc mua cổ phiếu quỹ được công bố trung bình đạt 6,9 tỷ USD mỗi ngày, lượng mua cao nhất kể từ năm 2006.
Nhà phân tích Winston Chua của EPFR nhận xét: "Hoạt động mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp thường có tương quan rất cao với hiệu suất của S&P 500. Do vậy, sự bùng nổ của hoạt động này là dấu hiệu rất tích cực".