|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hội chứng sợ bỏ lỡ - tâm lý khiến nhà đầu tư đâm đầu lao vào lỗ

14:01 | 13/01/2021
Chia sẻ
Những nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO - Fear Of Missing Out) dễ mắc phải sai lầm, dẫn đến những tổn thất lớn trong lúc mải mê kiếm tiền một cách nhanh chóng.
Hội chứng sợ bỏ lỡ - tâm lý khiến nhà đầu tư đâm đầu lao vào lỗ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

"Không gì có thể ru ngủ lý trí dễ hơn là những lượng tiền khổng lồ được kiếm một cách dễ dàng", Warren Buffett viết trong lá thư gửi cổ đông năm 2000, sau thảm họa bong bóng công nghệ (dotcom).

Từ năm 1996 đến 2000, chỉ số công nghệ Nasdaq bùng nổ từ 1.058 tới 4.131 điểm. Nhiều công ty công nghệ không tạo ra chút lợi nhuận nào nhưng vẫn có giá cổ phiếu cao chót vót.

Nguyên nhân là nhà đầu tư lo ngại rằng nếu họ không nhảy vào thị trường ngay lúc này, giá trong tương lai sẽ quá cao và họ sẽ bỏ lỡ cơ hội kiếm lời béo bở. Nhiều người trở thành triệu phú sau một đêm cho đến khi cuộc vui kết thúc. Bong bóng dotcom vỡ tung, hàng nghìn tỷ USD tài sản của nhà đầu tư bốc hơi. Tới cuối năm 2001, Nasdaq lao xuống dưới mốc 2.000 điểm, Forbes cho biết.

Nhiều nhà đầu tư cắm đầu vào mua cổ phiếu công nghệ mà không thèm để ý đến các yếu tố căn bản. Nhiều người mạo hiểm điên cuồng tìm kiếm cơ hội và xuống tiền cho bất kỳ công ty nào có cái tên đi kèm chữ ".com". Phải mất đến nhiều năm nhà đầu tư thông thường mới hồi phục, Nasdaq cần 15 năm để quay trở về đỉnh của bong bóng.  

Ngày nay, hàng triệu người chơi trên thị trường chứng khoán Mỹ đã kiếm được khoản tiền đáng kể một cách dễ dàng kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 3/2020. 

Sau khi Elon Musk nhắc đến ứng dụng nhắn tin Signal, giá một cổ phiếu không liên quan gì nhưng có tên tương tự là Signal Advance đã tăng tới 1.100% trong hai ngày. Nhà đầu tư đổ xô cho công ty phần mềm Microstrategy vay tiền để mua bitcoin. Giá trái phiếu chuyển đổi của Microstrategy tăng 50% trong vòng 4 tuần, Bloomberg cho biết.

Trong thị trường giá lên như hiện nay (Dow Jones và S&P 500 tăng 4 phiên liên tiếp trong tuần đầu của năm 2020), có vẻ như một số người nghĩ rằng chỉ cần nhắm mắt chọn bừa cũng mua được cổ phiếu sinh lời.

Được khuyến khích bởi kích thích từ Cục dự trữ liên bang (Fed), vắc xin và tâm lý chủ quan, tất cả mọi người từ thế hệ F0 cho đến các nhà đầu tư tổ chức đều chạy đua để kiếm lời từ đà tăng của thị trường. 

Hội chứng sợ bỏ lỡ cũng xuất hiện trên thị trường tiền điện tử. Những người ủng hộ bitcoin đã rất phấn khích khi đồng tiền này lần đầu chạm mốc 20.000 USD ngày 17/12. Chỉ hai tuần sau, họ tiếp tục ăn mừng khi bitcoin tăng đến mức cao mới là 30.000 USD. Chỉ trong vòng 6 ngày, giá bitcoin lại nhảy vọt lần nữa tới 40.000 USD, rồi dần chạm mức cao nhất mọi thời đại là gần 42.000 USD.

Đà tăng của bitcoin được thúc đẩy một phần nhờ các đại gia lớn của Phố Wall. Tiền điện tử cũng ngày càng nhận được sự chấp thuận rộng rãi, một số công ty lớn như Paypal đã cho phép khách hàng mua bitcoin thông qua nền tảng thanh toán, tờ ABC News cho biết.

Tuy nhiên, đầu cơ và nỗi sợ bị bỏ lại vẫn đóng vai trò lớn trong đà tăng của bitcoin, đặc biệt là khi gã khổng lồ JPMorgan dự đoán rằng giá đồng tiền này có thể tăng đến 146.000 USD trong dài hạn.

Tuy nhiên một số chuyên gia đã cảnh báo rằng thị trường chứng khoán Mỹ và bitcoin là bong bóng khổng lồ. Hẳn một số nhà đầu tư cũng dự định rút chân trước khi thị trường điều chỉnh. Nhưng vấn đề là không ai biết điều này sẽ diễn ra vào lúc nào. Ngày 11/1, giá bitcoin bất ngờ lao dốc, có lúc giảm 17% so với cùng giờ ngày hôm trước.

Cách để phòng tránh nỗi sợ bị bỏ lại

Có cái nhìn dài hạn

Một số nhà đầu tư muốn tận dụng đà tăng của thị trường bằng cách mua nhanh, bán gọn cổ phiếu. Tuy nhiên, việc phán đoán biến động của thị trường một cách chính xác là bất khả thi. Do vậy nhà đầu tư ngắn hạn có thể phải chịu lỗ lớn.

Cách làm tốt hơn là có cái nhìn dài hạn về bất kỳ cổ phiếu nào bạn muốn mua. Theo GuruFocus, lịch sử cho thấy bất kỳ cổ phiếu nào cũng có thể trải qua biến động mạnh đột ngột. Bằng cách nhìn vào triển vọng dài hạn của công ty, nhà đầu tư có thể dễ dàng vượt qua thất vọng ngắn hạn.

Tập trung vào yếu tố cơ bản

Trong rất nhiều trường hợp, những sự kiện bất ngờ có thể khiến triển vọng doanh thu và lợi nhuận của công ty thay đổi rất nhiều so với ước tính trước đó, ví dụ như đại dịch COVID-19. 

Do đó, các nhà đầu tư không nên quá chú ý đến tỷ lệ tăng trưởng hào phóng được dự đoán được cho bất kỳ công ty nào. Tự phân tích yếu tố cơ bản của công ty có thể là cách sử dụng thời gian tốt hơn. Việc này có thể cho phép nhà đầu tư tìm thấy các cổ phiếu bị định giá sai và phân bổ vốn hiệu quả.

Kiên nhẫn

Trong đợt tăng nóng, nhà đầu tư rất dễ bị hấp dẫn trước định giá cao ngất ngưởng của tài sản tài chính. Nhiều người dễ nghĩ rằng định giá cao có thể được biện minh bằng triển vọng tăng trưởng.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy các cổ phiếu được định giá quá cao có thể nằm trong số các mã giảm giá lớn nhất trong thị trường gấu. Do vậy, nhà đầu tư có thể nên thận trọng và đòi hỏi biên an toàn cho bất kỳ cổ phiếu nào định mua.

Nhà đầu tư có thể bỏ lỡ đà tăng của chứng khoán trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cách tiếp cận kiên nhẫn và chờ đợi giá cả hấp dẫn có thể xây dựng được danh mục đầu tư với nền tảng vững chắc, đủ sức vượt qua triển vọng kinh tế bi quan.

Giang