|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ mạnh tay bơm tiền thúc đẩy kinh tế, Trung Quốc yên ắng lạ thường

12:28 | 09/03/2021
Chia sẻ
Để thoát khỏi hậu quả của cuộc khủng hoảng COVID-19, Mỹ và Trung Quốc đang theo theo đuổi các chính sách kinh tế khác nhau nhưng đảo ngược vai trò so với Đại Suy thoái năm 2008.

Mỹ thế chân Trung Quốc

Theo Bloomberg, một trong các điểm đáng chú ý tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn Trung Quốc (NPC) hồi tuần trước là Bắc Kinh đã thiết lập mục tiêu tăng trưởng thận trọng hơn, siết chặt hạn mức thâm hụt tài khóa và đặt ra các giới hạn tiền tệ.

Trái lại, ở Washington, Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị ký ban hành gói tài khóa lớn thứ hai lịch sử Mỹ sau khi Thượng viện thông qua đề xuất kích thích 1.900 tỷ USD.

Sự phân hóa chính sách ngày càng lớn giữa hai siêu cường kinh tế đang gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và có khả năng định hình lại dòng vốn toàn cầu. Một phần nguyên nhân bắt nguồn từ các bài học chính sách khác nhau của hai nước trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2009.

Bloomberg: Thế chân Trung Quốc, Mỹ làm đầu tàu kéo kinh tế toàn cầu khỏi hố sâu - Ảnh 1.

Đà phục hồi chậm chạp và khó khăn của Mỹ khiến các nhà lập pháp Đảng Dân chủ muốn tung ra gói giải cứu lớn. Trên mặt trận chính sách tiền tệ, tinh thần chung là "Hãy mạnh tay" và "Cứ tiếp tục cho đến khi xong việc", Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết vào tuần trước.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc lại có quan điểm khác. Một đợt tăng trưởng tín dụng lớn đã dẫn đến nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị bỏ hoang, những thị trấn ma, công suất công nghiệp dư thừa và nợ nồng chồng chất.

Mặc dù thành tích chống dịch COVID-19 cho phép nền kinh tế Trung Quốc phục hồi trong năm 2020 mà không cần nhiều hỗ trợ, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn đang tìm cách tập trung trở lại các sáng kiến dài hạn nhằm củng cố lĩnh vực công nghệ và giảm rủi ro nợ.

"Mỹ và Trung Quốc đều rút ra bài học riêng từ cuộc khủng hoảng trước và dường như hai nước đang hoán đổi vị trí cho nhau", ông Nathan Sheets - trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại PGIM Fixed Income đồng thời là cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, cho hay. Tập hợp chính sách của hai nước đang tạo môi trường thuận lợi cho đồng nhân dân tệ tăng giá, ông Sheets lưu ý.

Theo Bloomberg, khá nhiều nhà kinh tế có cùng quan điểm với vị cựu thứ trưởng Mỹ. Ước tính trung vị cho thấy, đồng nhân dân tệ có thể tăng lên 6,38 CNY/USD vào cuối năm 2021. Trong phiên giao dịch chiều ngày 8/3 tại Hong Kong, đồng nội tệ của Trung Quốc đạt 6,5238 CNY/USD.

Trong cuộc họp báo trước phiên họp của NPC, ông Quách Thụ Thanh - Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, nhấn mạnh rằng vấn đề đòn bẩy cao trong hệ thống tài chính cần phải được tiếp tục chú ý.

Ông Quách đề cập đến những lo lắng khi giá bất động sản tăng cao và nguy cơ tiền từ nước ngoài đổ vào Trung Quốc để tận dụng giá tài sản tại nước này. Ông cũng dự đoán lãi suất cho vay của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tăng trong năm nay.

Bloomberg: Thế chân Trung Quốc, Mỹ làm đầu tàu kéo kinh tế toàn cầu khỏi hố sâu - Ảnh 3.

Dù lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh những tuần gần đây nhưng vẫn chưa bằng một nửa so với ở Trung Quốc. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã từ bỏ chính sách lãi suất bằng không hay nới lỏng định lượng của phương Tây.

"Không giống nhiều ngân hàng trung ương khác (kể cả Fed), PBoC vẫn tiếp tục điều chỉnh chính sách với một phần mục tiêu là ngăn chặn bong bóng tài sản", ông Frederic Neumann của HSBC (Hong Kong) bình luận.

Trung Quốc đang phải xử lý dòng vốn chảy vào trong nước. Ở bên kia địa cầu, khi tăng trưởng trên đà phục hồi, Mỹ nhiều khả năng sẽ bơm lượng lớn đồng bạc xanh vào nền kinh tế toàn cầu thông qua thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng lớn. Hai động lực quan trọng của Mỹ là gói giải cứu 1.900 tỷ USD của ông Biden và lập trường chính sách nới lỏng của Fed.

Tại sao Trung Quốc chùn bước?

Mỹ đang có một thay đổi bước ngoặt với gói giải cứu nghìn tỷ USD của ông Biden và một kế hoạch kích thích lâu dài hơn về sau, kinh tế trưởng Robin Brooks của Viện Tài chính Quốc tế cho hay. Khi tăng trưởng vượt quá 6% trong năm nay, thâm hụt tài khoản vãng lai nới rộng sẽ là "chiếc van xả áp" của nền kinh tế, vì hoạt động sản xuất tại Mỹ có những giới hạn riêng.

Ông Brooks dự đoán thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ tương đương 4% GDP trong năm nay. Đó sẽ là mức cao nhất kể từ giai đoạn 2002 - 2008, khi chỉ số USD Index giảm tới 27%.

"Khi hỗ trợ tài khóa của Mỹ đạt đến quy mô lớn chưa từng thấy, nó gây ra áp lực lớn lên thâm hụt ngân sách, và suy rộng ra là tạo áp lực cho tỷ lệ tiết kiệm trong nước, thâm hụt tài khoản vãng lai và thương mại. Hậu quả chủ yếu lại rơi vào đồng USD", ông Stephen Roach - giáo sư tại Đại học Yale kiêm cựu Chủ tịch Morgan Stanley châu Á, nhấn mạnh.

Bloomberg: Thế chân Trung Quốc, Mỹ làm đầu tàu kéo kinh tế toàn cầu khỏi hố sâu - Ảnh 4.

Từ nhiều năm trước, Trung Quốc đã ngần ngại không muốn tung ra kích thích lớn như Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen ủng hộ. Sau khi triển khai gói tài khóa trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ và nới rộng tín dụng chưa từng có sau cuộc khủng hoảng năm 2008, thì đến năm 2012, Bắc Kinh tuyên bố sẽ không hành động như vậy nữa.

Tâm lý thận trọng đối với kích thích tài khóa toàn diện đã thúc đẩy giới lãnh đạo Trung Quốc phối hợp kiềm chế đòn bẩy.

Tháng 5/2016, chuyên luận trên trang nhất của tờ People's Daily (Nhân dân Nhật Báo) cho rằng nợ vượt mức là nguồn cơn gieo rắc rủi ro trên các thị trường tài chính và bất động sản. Bài viết ẩn danh, được cho là do Phó Thủ tướng Lưu Hạc chắp bút, gọi việc kích thích nền kinh tế thông qua chính sách tiền tệ lỏng lẻo là "mơ tưởng hão huyền".

Do đó, với thành công trên mặt trận kiểm soát đại dịch, dễ hiểu tại sao Bắc Kinh lại tập trung vào các mục tiêu trước đại dịch là xây dựng năng lực công nghệ trong nước và kiềm chế rủi ro nợ.

"Trung Quốc đang chuyển trọng tâm từ phục hồi sau đại dịch sang quản lý nền kinh tế trong điều kiện bình thường hơn", nhà kinh tế Chang Shu của Bloomberg Economics nhận xét.

Sau khi không thiết lập mục tiêu tăng trưởng năm 2020 do bất ổn mà đại dịch gây ra, ban lãnh đạo Trung Quốc dự trù GDP năm nay tăng hơn 6%. Mục tiêu này khá thận trọng và thấp hơn dự đoán của các nhà kinh tế.

Trong khi đó, GDP của Mỹ tăng cũng sẽ tạo bàn đạp cho kinh tế Trung Quốc. Trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ tăng hơn 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu chung của Trung Quốc tăng chưa đến 61% trong cùng giai đoạn.

"Đoàn tàu kinh tế Mỹ đã quay lại đúng đường ray", kinh tế trưởng Catherine Mann của Citigroup nhấn mạnh.

Yên Khê

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.