|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những thay đổi quan trọng trong gói cứu trợ 1.900 tỷ USD

06:38 | 09/03/2021
Chia sẻ
Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cứu trợ trị giá khoảng 1.900 tỷ USD nhưng có nhiều điểm chỉnh sửa so với bản mà Hạ viện gửi lên một tuần trước đó, cụ thể là liên quan tới trợ cấp thất nghiệp, lương tối thiểu, nợ sinh viên, ...
Những thay đổi quan trọng trong gói cứu trợ 1.900 tỷ USD - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. (Ảnh: AP).

Hạ viện Mỹ thông qua kế hoạch cứu trợ 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden vào sáng sớm 27/2 rồi chuyển dự luật này tới Thượng viện. Sau một tuần bàn thảo, Thượng viện đã thông qua dự luật vào tối muộn 6/3 với kết quả biểu quyết sít sao 50-49.

Theo CNBC, phiên bản dự luật mà Thượng viện phê chuẩn có một số điểm khác biệt so với bản mà Hạ viện gửi tới. Vì vậy, dự luật này sẽ phải quay lại Hạ viện để các hạ nghị sĩ quyết định xem có chấp nhận những thay đổi của Thượng viện hay không.

Những thay đổi đáng chú ý nhất trong hai phiên bản bao gồm việc bỏ đề xuất nâng dần lương tối thiểu lên 15 USD/giờ và giảm số người được nhận trợ cấp tiền mặt 1.400 USD.

Giá trị hỗ trợ thất nghiệp liên bang cũng được thay đổi để chiều lòng Thượng nghị sĩ trung dung Joe Manchin của Đảng Dân chủ. Ông Manchin từng đe dọa sẽ bỏ phiếu chống để khai tử dự luật nếu đề xuất của ông không được đáp ứng. 

Tương tự như lần biểu quyết ở Hạ viện, không nhà lập pháp Đảng Cộng hòa nào bỏ phiếu ủng hộ dự luật ở Thượng viện vì cho rằng quy mô hỗ trợ lớn một cách không cần thiết.

Dù vậy, dự luật mà Thượng viện thông qua vẫn giữ được nhiều điều khoản tiến bộ từ Hạ viện gửi tới, đồng thời thêm vào một nội dung cho phép không đánh thuế khoản nợ sinh viên được xóa trong giai đoạn 31/12/2020 - 1/1/2026.

Những thay đổi quan trọng trong gói cứu trợ 1.900 tỷ USD - Ảnh 2.

Lãnh đạo Phe đa số Thượng viện Chuck Schumer. (Ảnh: Getty Images).

Lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer nói: "COVID-19 đã gây tổn hại tới mọi mặt cuộc sống nhân dân. Dự luật giải cứu này sẽ giúp đỡ người dân nhiều hơn bất kỳ hành động nào của chính phủ liên bang trong hàng chục năm qua".

Bỏ kế hoạch nâng lương tối thiểu

Đúng như giới quan sát đã dự báo, quy định nâng dần mức lương tối thiểu liên bang lên 15 USD/giờ đã bị Thượng viện loại bỏ vì không đủ tiêu chuẩn để đưa ra biểu quyết.

Cho dù đủ tiêu chuẩn biểu quyết thì điều khoản này cũng chưa chắc đã tồn tại được trong dự luật cuối cùng vì tất cả thượng nghị sĩ Cộng hòa cùng với 7 nghị sĩ Dân chủ và một thành viên độc lập đều phản đối.

Phát tiền mặt cho dân

Những người có thu nhập không quá 75.000 USD/năm (hoặc 150.000 USD với cặp vợ chồng) sẽ được nhận khoản hỗ trợ tiền mặt 1.400 USD/người. Mỗi người phụ thuộc cũng sẽ được nhận 1.400 USD.

Theo dự luật của Thượng viện, khi thu nhập tăng lên, số tiền hỗ trợ sẽ giảm xuống nhanh hơn so với đề xuất của Hạ viện. Những cá nhân có thu nhập trên 80.000 USD (hoặc 160.000 USD với cặp vợ chồng) sẽ không được nhận trợ cấp. 

Trong dự luật mà Hạ viện thông qua, khoản hỗ trợ chỉ dừng hẳn với những người có thu nhập trên 100.000 USD (hoặc 200.000 USD với cặp vợ chồng). Theo ước tính của Viện Chính sách Thuế và Kinh tế, số người trưởng thành được nhận trợ cấp theo quy định mới sẽ thấp hơn 12 triệu so với theo dự luật cũ.

Nhiều người Mỹ đã tỏ ra bực tức khi Thượng viện hạ ngưỡng thu nhập được nhận hỗ trợ và gọi quyết định này là "cái tát vào mặt" tầng lớp trung lưu Mỹ. 

Những thay đổi quan trọng trong gói cứu trợ 1.900 tỷ USD - Ảnh 3.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 1/8/2020. (Ảnh: Getty Images).

Thu nhập được dùng để tính toán tiền hỗ trợ có thể là của năm 2019 hoặc 2020, tùy thuộc vào thời điểm mà người dân nộp hồ sơ thuế năm 2020. Nhiều chính trị gia cấp tiến của Đảng Dân chủ cho rằng việc dùng thu nhập trước đại dịch để quyết định ngưỡng hỗ trợ là không thỏa đáng vì COVID-19 khiến rất nhiều người thất nghiệp, mất nguồn sống.

Vay nợ thời sinh viên

Tổng giá trị các khoản nợ sinh viên tại Mỹ vào cuối năm 2020 lên tới 1.550 tỷ USD. Nhiều người tốt nghiệp đi làm hàng chục năm mà vẫn không thể trả hết tiền từng vay thời đại học.

Dự luật mà Thượng viện vừa thông qua cho phép không đánh thuế khoản nợ sinh viên được xóa trong giai đoạn từ 31/12/2020 đến 1/1/2026. Thông thường trước đây, giá trị xóa nợ sẽ được coi là một dạng thu nhập và phải đóng thuế tương ứng.

Dự luật này không trực tiếp đồng ý xóa nợ sinh viên nhưng tạo điều kiện thuận lợi hơn để Tổng thống Joe Biden miễn 10.000 USD nợ/người. Ông Biden từng tuyên bố nếu Quốc hội không cho phép, ông sẽ dùng mệnh lệnh hành pháp để xóa nợ.

Trợ cấp thất nghiệp liên bang

Dự luật của Thượng viện cho phép chính quyền liên bang cấp hỗ trợ thất nghiệp 300 USD/tuần cho tới ngày 6/9/2021. Ngoài ra, 10.200 USD hỗ trợ đầu tiên trong năm 2020 của các gia đình có thu nhập dưới 150.000 USD sẽ được miễn thuế.

Theo dự luật của Hạ viện, trợ cấp thất nghiệp liên bang là 400 USD/tuần cho tới ngày 29/8/2020 và không có điều khoản miễn thuế đối với số tiền hỗ trợ này.

Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ thông qua dự luật cuối cùng vào ngày thứ Ba tuần này, 9/3. Sau đó, Tổng thống Joe Biden sẽ ký ban hành chính thức và người dân có thể bắt đầu nhận được tiền trong tài khoản.

Song Ngọc