|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Muốn chẻ nhỏ các ngân hàng, cải tổ nhân sự Fed, tăng thuế với giới siêu giàu: Ứng viên tổng thống hàng đầu của Mỹ có làm Wall Street phải lo lắng?

11:48 | 03/03/2020
Chia sẻ
Nếu Bernie Sanders đắc cử tổng thống Mỹ 2020, các kế hoạch của ông sẽ tạo ra nhiều thay đổi lớn trong thế giới tài chính. Đối với Wall Street, các chính sách của ông Sanders không khác gì một lời tuyên chiến.
Đánh giá của Wall Street đối với kế hoạch tài chính của ứng cử viên tổng thống Bernie Sanders - Ảnh 1.

Các kế hoạch của ông Bernie Sanders sẽ buộc Wall Street phải tuân thủ thêm nhiều qui định quản lí và tăng thuế đối với các giao dịch chứng khoán. Ảnh: Reuters.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đang dẫn đầu cuộc đua thành ứng cử viên chính thức của Đảng Dân chủ. Nhưng đến bây giờ Wall Street cũng mới chỉ bắt đầu cân nhắc khả năng rằng một chính trị gia tự nhận theo tư tưởng dân chủ xã hội (democratic socialist) như ông có thể trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo.

Theo tờ Financial Times, nền tảng chính sách của ông Sanders tập trung vào các chương trình phúc lợi rộng rãi: từ bao trả chi phí y tế (Medicare For All) cho người dân cho đến xóa bỏ các khoản nợ sinh viên. Nhưng đối với Wall Street, các đề xuất này giống như một lời tuyên chiến.

Từ trước đến nay, bà Elizabeth Warren – một đối thủ của ông Sanders trong Đảng Dân chủ thường được coi là người đối đầu với giới ngân hàng trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020. Một phần nguyên nhân là do quan điểm lập pháp mà bà thể hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tuy nhiên, cho đến nay, bà Warren đã thất bại trong việc gây dựng được vị thế đáng kể trong cuộc tranh cử. Điều này khiến Wall Street đổ dồn sự chú ý vào các chính sách của ông Sanders. Nếu được áp dụng, chúng sẽ hoàn toàn biến đổi thế giới tài chính.

Dưới đây là một số lĩnh vực mà ông Sanders muốn tạo ra những thay đổi lớn:

Chia nhỏ các ngân hàng

Ông Sanders muốn khôi phục lại Đạo luật Glass-Steagall chia tách ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại. Điều này sẽ khiến ngân hàng ngân hàng lớn, ví dụ như JPMorgan Chase phải tự xé lẻ các hoạt động của mình.

Ông cũng tuyên bố sẽ chấm dứt các ngân hàng "quá lớn để sụp đổ".  Năm 2018, ông Sanders đề xuất một dự luật lên Thượng viện để chia nhỏ bất kì ngân hàng nào có "tổng giá trị chịu rủi ro" bằng hoặc lớn hơn 3% GDP của Mỹ. Điều này sẽ buộc các đại gia Wells Fargo, JPMorgan, Bank of America và Citigroup phải bị chia nhỏ.

Dự luật này chỉ dài 7 trang, và còn thiếu nhiều chi tiết cụ thể. Ông Bartlett Naylor, một người tán thành các chính sách tài chính thuộc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Public Citizen nhận xét: "Dự luật chia tách ngân hàng của ông Sanders chỉ nhằm mục đích gây ấn tượng".

Thuế giao dịch tài chính

Giống như các ứng viên Đảng Dân chủ khác, ông Sanders cũng đề xuất tính thuế đối với mọi giao dịch tài chính để có tiền tài trợ cho các chương trình phúc lợi xã hội. Mức thuế ông đề xuất đối với mỗi giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và công cụ phái sinh lần lượt là 0,5%; 0,1% và 0,005%.

Theo trang web chính thức của chiến dịch tranh cử của ông Sanders, khoản thuế này có thể thay đổi tính kinh tế của các giao dịch tốc độ cao, khiến việc liên tục mở và đóng vị thế trên thị trường chứng khoán trở nên tốn kém hơn, và cuối cùng sẽ giúp "hạn chế các hoạt động đầu cơ tài chính liên tục".

Ngân hàng bán lẻ

Theo Financial Times, ông Sanders đã đề xuất cắt giảm ít nhất 15% lãi suất của mọi khoản vay tín dụng nhằm giảm chi phí nợ cho người dân Mỹ. Động thái này sẽ khiến cho qui mô mảng thẻ tín dụng của các ngân hàng giảm đáng kể, từ Citibank cho tới PNC Financial.

Chính sách này cũng có thể sẽ định hình lại ngành cho vay dưới chuẩn để mua xe hơi và các hoạt động cho vay rủi ro khác. Nói cách khác, ông Sanders muốn cấm các khoản vay có lãi suất cao mà các công ty tài chính thường áp dụng đối với những khách hàng rủi ro.

Ông cũng muốn cải tổ hệ thống ngân hàng bán lẻ bằng cách cung cấp tài khoản tiền gửi và tài khoản tiết kiệm, thẻ ghi nợ, ngân hàng trực tuyến và "các khoản vay qui mô nhỏ, lãi suất thấp" thông qua mạng lưới bưu điện US Postal Service hiện tại.

Ông Sanders cam kết xóa sạch 1,6 nghìn tỉ USD nợ sinh viên bằng số tiền thu được từ thuế giao dịch tài chính. Chưa chắc kế hoạch này sẽ có được sự ủng hộ của chính phủ Mỹ, nhưng nó có thể loại bỏ một gánh nặng tài chính của hàng triệu người dân Mỹ.

Theo ông Todd Baker, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Kinh doanh, Luật và Chính sách công của Đại học Columbia, việc xóa nợ có thể cải thiện giá trị và hiệu suất của các khoản nợ tiêu dùng khác.

Ông nói: "Việc xóa bỏ 1,6 nghìn tỉ USD nợ sinh viên cũng giống như việc người tiêu dùng bất ngờ được một cục tiền rơi vào đầu, tình hình tài chính và dòng tiền của họ sẽ được cải thiện".

Tham vọng cải tổ nhân sự Fed

Ông Sanders ủng hộ kế hoạch "kiểm toán Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ và biến nó thành một tổ chức dân chủ hơn". Đây là một đề xuất rộng rãi nhằm trao Quốc hội nước này nhiều quyền lực kiểm soát ngân hàng trung ương hơn. Trong thực tế, đề xuất này có thể mang rất nhiều hàm ý.

Ông Sanders chưa tiết lộ người ông muốn bổ nhiệm vào Fed nếu được bầu làm tổng thống. Tuy nhiên, năm 2016 ông đã cùng bà Warren kí một bức thư thúc giục Fed tìm cách tập hợp các nhà hoạch định chính sách đa dạng hơn, bao gồm phụ nữ và những người thuộc các chủng tộc và dân tộc thiểu số, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của những nhóm phải chịu bất công trong xã hội.

Trong quá khứ, ông Sanders đã kêu gọi cấm các quan chức cấp cao của giới ngân hàng tham gia vào hội đồng quản trị khu vực của Fed, đồng thời chấm dứt trả lãi cho số tiền dự trữ vượt mức các ngân hàng gửi ở Fed. Điều này sẽ tạo ra thay đổi lớn đối với cách Fed thực hiện chính sách tiền tệ.

Tăng thuế đối với giới siêu giàu và giàu "vừa phải"

Ông Sanders từ lâu đã ủng hộ việc tăng thuế đối với những người giàu có nhất ở Mỹ, bao gồm thuế tài sản đặc biệt đối với những hộ gia đình thuộc nhóm 0,1% giàu nhất - tức là những hộ có giá trị tài sản ròng lớn hơn 32 triệu USD.

Loại thuế lũy tiến này bắt đầu ở mức 1% và tăng đến 8% đối với phần tài sản vượt quá 10 tỉ USD.

Ông cũng đề xuất loại bỏ giới hạn thu nhập đối với thuế an sinh xã hội thu từ tiền lương hàng kì của người lao động Mỹ: thuế suất 12% mà chủ lao động và nhân viên chia nhau trả.

Hiện tại phần thu nhập hàng năm trên 137.700 USD không phải chịu loại thuế này. Vì vậy, việc xóa bỏ giới hạn sẽ mang lại doanh thu thuế đáng kể từ những người kiếm được nhiều hơn ngưỡng 137.700 USD nói trên.

Một trong những ý tưởng mới nhất của ông Sanders là loại bỏ việc giảm thuế đối với các kế hoạch nghỉ hưu đặc biệt của giám đốc các doanh nghiệp. Nhờ vào các kế hoạch này, các giám đốc có thể chưa cần trả thuế cho những khoản thu nhập mà họ chỉ nhận sau khi nghỉ hưu.

Theo ước tính của ông Sanders, chính sách thuế này sẽ giúp chính phủ thu lại được 15 tỉ USD cho doanh thu thuế liên bang. Ông sẽ sử dụng khoản tiền này để hỗ trợ kế hoạch nghỉ hưu dành cho nhiều nhân viên.

Những chính sách kinh tế lớn của ông Sanders

Chính sách kinh tế xanh mới (Green New Deal): Chi 16,3 nghìn tỉ USD để chuyển đổi các hệ thống năng lượng của Mỹ, ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Số tiền này sẽ được tài trợ nhờ vào một số biện pháp: đánh thuế đối với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, xóa bỏ các trợ cấp cho ngành này, giảm chi tiêu quốc phòng, thu thuế thu nhập từ 20 triệu việc làm ước tính sẽ được tạo ra từ Chính sách kinh tế xanh mới, tăng thuế đối với doanh nghiệp.

Medicare for all: mở rộng bảo hiểm sức khỏe do chính phủ vận hành tới toàn bộ người dân Mỹ, loại bỏ các chương trình bảo hiểm tư nhân đang tồn tại. Hệ thống này sẽ được tài trợ nhờ vào việc đánh thuế nhiều hơn đối với các cá nhân và doanh nghiệp; khác với hệ thống hiện nay của Mỹ được tài trợ bởi tiền đóng góp của liên bang, tiểu bang và các cá nhân.

Chi 2,2 nghìn tỉ USD để xóa nợ sinh viên và miễn học phí cho các trường đại học công lập. Số tiền này sẽ được chi trả bởi tiền thuế thu được từ các giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và công cụ phái sinh. Mở rộng quĩ an sinh xã hội bằng cách xóa bỏ giới hạn của thuế quĩ lương dành đối với người có thu nhập trên 137.700 USD.

Chấm dứt tình trạng vô gia cư bằng tiền thu được từ thuế tài sản đánh vào người có tài sản ròng hơn 32 triệu USD.

Chi 1,5 nghìn tỉ USD để chăm sóc trẻ em toàn quốc và miễn học phí trường mầm non. Số tiền này sẽ được chi trả từ thuế tài sản.

Xóa bỏ 81 tỉ USD nợ y tế quá hạn, được chi trả từ tiền thuế bất bình đẳng thu nhập đánh vào các doanh nghiệp lớn trả lương quá cao cho các giám đốc.

Phản ứng của Wall Street

Ngay cả nếu ông Sanders chiến thắng và trở thành tổng thống Mỹ, các cải cách của ông thể sẽ vấp phải nhiều thách thức từ Quốc hội. Một số thành viên Đảng Dân chủ lo rằng sự hiện diện của ông trên chiếc ghế tổng thống Mỹ sẽ làm tổn thương cơ hội đảng này giành được ghế trong Hạ viện và Thượng viện.

Đó là lí do vì sao một số nhà đầu tư và nhà phân tích ở Wall Street nói rằng họ vẫn chưa lo lắng về những gì ông Sanders sẽ làm nếu trở thành tổng thống, kể cả khi ông hiện đang giành được nhiều phiếu bầu.

Giám đốc một quĩ đầu tư lớn vào các ngân hàng nói rằng một nhiệm kì tổng thống của ông Sanders "khiến chúng tôi chú ý, nhưng nó không nằm trong 5 mối quan tâm hàng đầu của tôi hiện tại".

Những người khác đã nhìn thấy những sự thay đổi nếu ông Sanders đắc cử. Theo ông Stephen Scouten của ngân hàng đầu tư Sandler O'Neill, dù các nhà đầu tư ngân hàng vẫn đang tập trung vào lãi suất và đường cong lợi suất đảo ngược, ông Sanders đang ngày càng có nhiều sự chú ý hơn.

Ông Stephen nói: "Sau Siêu Thứ ba (diễn ra vào 3/3, là ngày14 tiểu bang và 1 lãnh thổ của Mỹ tổ chức bầu cử sơ bộ) mà ông Bernie Sanders vẫn dẫn đầu, thị trường chứng khoán của Mỹ sẽ phải định giá lại tầm ảnh hưởng của ông Sanders".

Giang