|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kế hoạch đánh thuế giới siêu giàu: Rất tham vọng nhưng cũng rất khả thi

15:53 | 25/01/2020
Chia sẻ
Ngay từ khi được đề xuất, các kế hoạch đánh thuế người giàu của hai ứng cử viên Đảng Dân chủ Mỹ là bà Elizabeth Warren và ông Bernie Sanders đã phải hứng chịu nhiều công kích. Giờ đây các nhà kinh tế học đưa ra ý tưởng trên đã bắt đầu đẩy lùi những lập luận phản đối.
Lí do kế hoạch đánh thuế người giàu của một số ứng cử viên Đảng Dân chủ Mỹ có thể thành công - Ảnh 1.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Bernie Sanders (trái) và Elizabeth Warren (phải). Ảnh: Getty Images.

Theo tờ Politico, những người chỉ trích kế hoạch đánh thuế của bà Warren - Thượng nghị sĩ bang Massachusetts và ông Sanders - Thượng nghị sĩ bang Vermont cho rằng sẽ rất khó để xác định số tài sản trên toàn nước Mỹ, và kế hoạch này đã thất bại tại châu Âu. Họ cũng cho rằng thuế tài sản là vi phạm hiến pháp.

Nhưng những người ủng hộ kế hoạch của bà Warren và ông Sanders đã chỉ ra lí do vì sao việc thu thuế người giàu để chi trả cho các chính sách công, ví dụ như các chương trình giáo dục hay "Medicare for All" (bảo hiểm sức khỏe cho toàn bộ người dân Mỹ) sẽ giúp giải quyết các vấn đề của nước này.

Thất bại tại châu Âu, liệu có thành công ở Mỹ?

Kể cả những thành viên của đảng Dân chủ cũng chỉ ra rằng một số nước châu Âu, trong đó có Pháp và Đức, cũng đã phải bãi bỏ thuế tài sản.

Trong một cuộc tranh luận vào tháng 10 năm ngoái, ông Yang, một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ đồng thời là một ứng cử viên tổng thống khác của đảng Dân chủ, phát biểu rằng: "Tất cả các quốc gia đó đã phải bãi bỏ thuế tài sản, vì việc thực hiện nó có nhiều vấn đề và không tạo ra được doanh thu như dự kiến."

Nhưng hai nhà kinh tế học Emmanuel Saez và Gabriel Zucman - người đã giúp bà Warren và ông Sanders soạn kế hoạch thuế đã đưa ra luận điểm chứng minh thuế tài sản sẽ thành công tại Mỹ. Lí do là vì châu Âu và Mỹ khác nhau.

Thuế tài sản tại châu Âu có đối tượng chịu thuế rộng hơn, tập trung vào người giàu nhiều hơn là giới siêu giàu, và có khá nhiều miễn trừ đối với tác phẩm nghệ thuật, và các công ty mà chủ sở hữu cũng tham gia vào ngành kinh doanh mặt hàng này.

Ngược lại, phiên bản thuế tài sản của ông Sanders và bà Warren sẽ chỉ có tác động đối với những người sở hữu khối tài sản trị giá hàng chục triệu USD, và hiện tại kế hoạch của họ không có khoản miễn trừ nào.

Nước Mỹ đánh thuế đối với phần thu nhập tạo ra từ nước ngoài, nghĩa là một người muốn thoát khỏi thuế tài sản sẽ phải từ bỏ quyền công dân của mình. Thậm chí khi làm vậy họ cũng sẽ phải chịu thuế di cư.

Các nước châu Âu không có loại thuế này, nên người muốn trốn tránh thuế tài sản đơn giản chỉ cần chuyển sang nước láng giềng. Việc này ít rắc rối hơn nhiều, vì các nước châu Âu tương đối chào đón công dân của nhau.

Trên hết, Mỹ có các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ chống lại việc trốn thuế, chủ yếu nhờ Đạo luật tuân thủ thuế đối với tài khoản nước ngoài được ban hành dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, buộc các ngân hàng nước ngoài tiết lộ thông tin về các chủ tài khoản là người Mỹ.

Bà Lily Batchelder, giáo sư luật của Đại học New York, người từng làm việc tại Nhà Trắng dưới thời ông Obama, cho rằng: "Bất cứ khi nào chính phủ thu được nhiều tiền từ những người rất giàu có, họ sẽ rất cố gắng để tránh thuế. Nhưng thuế tài sản dường như cũng không tệ hơn các lựa chọn khác".

Vị luật sư này cũng lưu ý rằng số vụ trốn thuế sẽ phụ thuộc vào việc kế hoạch đánh thuế người giàu có bao nhiêu khoản miễn trừ.

Làm sao biết có bao nhiêu tài sản để đánh thuế?

Hồi tháng 1/2019, hai nhà kinh tế học Saez và Zucman ước tính rằng thuế tài sản của bà Warren sẽ giúp chính phủ thu được 2,75 nghìn tỉ USD trong 10 năm.

Gần như ngay lập tức, dự đoán này bị chỉ trích là quá lạc quan và gần như vô vọng, đặc biệt khi cho rằng những người giàu có thể giảm 15% giá trị ròng của họ cho mục đích thuế. (Bà Warren gần đây đã mở rộng phiên bản thuế tài sản của mình để giúp tài trợ cho chương trình Medicare for All).

Ông Larry Summers, người từng là quan chức cấp cao về kinh tế trong hai đời tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ gần đây và bà Natasha Sarin, giáo sư luật và tài chính tại Đại học Pennsylvania, đã xem xét dữ liệu thuế tài sản thừa kế và cho rằng số tiền thu được từ thuế tài sản cao nhất chỉ bằng 40% con số mà hai ông Saez và Zucman đưa ra.

Tuy nhiên việc thuế tài sản thừa kế liệu có là công cụ hữu ích để biết được có bao nhiêu tài sản trên nước Mỹ cũng là một vấn đề đang được tranh luận. Ví dụ bà Batchelder cũng từng thừa nhận "số liệu của chúng ta về tài sản trên nước Mỹ nghèo nàn một cách đáng ngạc nhiên", và đặt nghi vấn về việc "liệu có nên coi thuế tài sản thừa kế là một cơ sở tốt để ước tính tổng giá trị tài sản".

Hai ông Saez và Zucman đưa ra ước tính của họ dựa trên một số nguồn, bao gồm: một cuộc khảo sát được thực hiện ba năm một lần bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, tập trung vào tình trạng tài chính của các gia đình ở Mỹ; và từ một bộ dữ liệu được họ tạo ra cùng với Thomas Piketty, một nhà kinh tế học nổi tiếng khác cũng tập trung nghiên cứu sự bất bình đẳng.

Rốt cuộc tất cả đáng giá bao nhiêu?

Một rắc rối lớn khác với thuế tài sản là tìm ra cách định giá tất cả các tài sản mà những người giàu nắm giữ.

Đây không phải là vấn đề đối với những cổ phiếu được giao dịch công khai. Nhưng các công ty thuộc sở hữu của một gia đình hoặc một số ít các cổ động, vật phẩm nghệ thuật hay tài sản trí tuệ thì lại là một câu chuyện khác.

Nhìn chung, thẩm định viên là những người đã thực hiện công việc định giá các tài sản đó trong thuế tài sản châu Âu và thuế tài sản thừa kế của Mỹ. Nhưng ông David Gamage, giáo sư luật của Đại học Indiana, lập luận rằng tiến bộ công nghệ thông tin trong những năm gần đây có thể giúp loại bỏ yếu tố con người trong việc thẩm định. 

Ông cho rằng các thẩm định viên được lựa chọn bởi những người đóng thuế giàu có sẽ dễ đưa ra ý kiến có lợi cho khách hàng của họ.

Ông Gamage nói rằng: "Một thẩm định tốt có thể chính xác hơn một công thức, vì anh ta hoặc cô ta có thể xem xét đến nhiều yếu tố hơn.Vấn đề là Sở Thuế vụ Mỹ không có đủ nguồn lực để thuê nhiều thẩm định viên".

Ông lập luận các lựa chọn thay thế khác bao gồm các cách tiếp cận dựa trên công thức, ví dụ như điều chỉnh giá trị của một tài sản tăng hoặc giảm mỗi năm bằng các công thức do Sở Thuế vụ đề ra. Điều này khá giống với việc công chức sở thuế thực hiện các điều chỉnh chi phí sinh hoạt và trong các lĩnh vực khác.

Tính hợp hiến

Theo tờ Politico, những người ủng hộ thuế tài sản đã dẫn ra nhiều ý kiến từ một loạt các học giả, cho rằng những đề xuất này phù hợp với các kiểm nghiệm của hiến pháp. Nhưng ngay cả các chuyên gia pháp lí đồng tình với quan điểm trên cũng thừa nhận rằng phần đông thành viên Tòa án Tối cao Mỹ có thể sẽ không nghĩ như vậy.

Vấn đề là hiến pháp Mỹ yêu cầu số thuế trực thu mà mỗi bang gánh chịu phải công bằng với nhau, nghĩa là phần thuế mà một bang đóng góp phải tương ứng với tỉ lệ dân số của bang đó so với tổng dân số Mỹ.

Nhưng những người giàu lại sống tập trung ở một vài bang, như New York và California, vì vậy với thuế tài sản, phần thuế tài sản mà người dân ở những bang đó phải trả chắc chắn sẽ cao hơn tỉ lệ dân số của bang đó so với toàn nước Mỹ.

Các học giả tin rằng thuế tài sản là hợp hiến lập luận rằng chỉ một phần nhỏ của thuế tài sản nên được phân loại là thuế trực thu, và thuế tài sản dễ dàng được xếp loại là thuộc phạm vi quyền lực của quốc hội để thu thuế phục vụ quốc phòng và phúc lợi chung.

Để vượt qua rào cản tiềm năng của Tòa án Tối cao, một số người ủng hộ thuế tài sản hiện đang cân nhắc ý tưởng về các điều khoản dự phòng để tăng những loại thuế khác đối với người giàu, nếu thuế tài sản bị tòa án từ chối.

Ông Michael Dorf, một giáo sư thuộc Đại học Luật Cornell nói, "Thường có những trở ngại chính trị, nhưng việc thuế tài sản có hợp hiến hay không không phải là một vấn đề căn bản".

Ngay cả một số người ủng hộ nhiệt tình nhất ý tưởng thu nhiều thuế hơn từ người giàu cũng cho rằng việc tạo ra một biện pháp để đánh thuế cũng đã đủ khó khăn, chứ đừng nói đến hai biện pháp..

Cũng đã có tiền lệ về mặt luật pháp cho loại thuế này, ví dụ như biện pháp cân đối ngân sách từ thời Tổng thống Mỹ Reagan được gọi là Gramm-Rudman-Hollings. Nhưng ông George Callas thuộc công ty luật quốc tế Steptoe & Johnson nói rằng các nhà lập pháp đã nhiều lần quyết định chống lại việc kích hoạt loại thuế này trong thời gian  ông làm trợ lí thuế đảng Dân chủ tại quốc hội.

Ông nói: "Chúng tôi liên tục nhận ra rằng việc soạn thảo một khoản tăng thuế mà thời điểm bắt đầu có hiệu lực phụ thuộc vào một sự kiện không chắc chắn trong tương lai là rất khó khăn".

Giang