|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sự trỗi dậy của Bernie Sanders và tương lai của nước Mỹ: Nền kinh tế lụn bại hay thị trường chứng khoán thăng hoa?

21:13 | 23/02/2020
Chia sẻ
Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders đang dẫn đầu các ứng viên Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Mỹ và nhiều khả năng sẽ so găng cùng ông Trump trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới. Câu hỏi được quan tâm lúc này là ông Sanders có quan điểm chính sách như thế nào và nếu ông đắc cử thì kinh tế Mỹ sẽ chịu tác động ra sao?
Sự trỗi dậy của Bernie Sanders và tương lai của nước Mỹ: Nền kinh tế lụn bại hay thị trường chứng khoán thăng hoa? - Ảnh 1.

Khẩu hiệu bằng tiếng Việt trên trang Facebook chính thức của Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders.

Hai chiến thắng vang dội ở New Hampshire và Nevada

Trong cuộc bầu cử sơ bộ Đảng Dân chủ tại bang Nevada kết thúc ít giờ trước, Thượng nghị sĩ 78 tuổi Bernie Sanders đã giành chiến thắng áp đảo trước các đối thủ nặng kí khác như cựu Phó Tổng thống Joe Biden, nữ Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, ...

Như vậy trong số ba bang mà Đảng Dân chủ đã tổ chức bầu cử sơ bộ thì ông Sanders giành được hai bang là New Hampshire và Nevada. (Do sự cố kĩ thuật nên hiện chưa rõ kết quả kiểm phiếu tại bang Iowa).

Đây đều là các bang tương đối nhỏ nhưng thực tế những cuộc bầu cử trước đây cho thấy ứng viên nào giành chiến thắng tại các bang tổ chức sơ bộ sớm thường có ưu thế rất lớn trong việc giành chiến thắng cuối cùng.

Theo khảo sát mới đây của Washington Post và ABC News sau cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại New Hampshire, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tiếp tục nới rộng khoảng cách với các ứng viên Đảng Dân chủ khác.

Cụ thể, ông Sanders nhận được sự ủng hộ của 32% số cử tri Đảng Dân chủ được khảo sát, tăng mạnh so với mức 23% hồi tháng 1.

Ba tay đua đang cạnh tranh nhau vị trí thứ hai là cựu Phó Tổng thống Joe Biden với 16% tỉ lệ ủng hộ, tỉ phú Michael Bloomberg với 14% và nữ Thượng Nghị sĩ Elizabeth Warren với 12%.

Khảo sát của Washington Post và ABC News được thực hiên từ ngày 14 đến 17/2 và có biên độ sai lệch 3,5 điểm phần trăm.

Theo hai khảo sát khác do NPR/PBS Newshour/Marist và Wall Street Journal/NBC News thực hiện mới công bố tuần này, ông Sanders cũng dẫn đầu với tỉ lệ ủng hộ lần lượt là 31% và 27%.

Sự trỗi dậy của Bernie Sanders và tương lai của nước Mỹ: Nền kinh tế lụn bại hay thị trường chứng khoán thăng hoa? - Ảnh 2.

Tỉ lệ ủng hộ Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders vượt lên cựu Phó Tổng thống Joe Biden trong khảo sát gần đây nhất của Washington Post & ABC News.

Khảo sát của Washington Post và ABC còn cho biết có khoảng 30% cử tri Đảng Dân chủ tin tưởng ông Sanders sẽ là ứng cử viên đáng gờm nhất khi đối đầu với Tổng thống Trump trong cuộc tổng tuyển cử. Ông Sanders cũng là lựa chọn số 1 của 50% số cử tri dưới 50 tuổi được khảo sát.

Tỉ lệ ủng hộ cựu Phó Tổng thống Joe Biden tụt dốc không phanh từ 32% hồi tháng 1 xuống còn 16% trong khảo sát mới nhất. Bà Elizabeth Warren - ứng viên có nhiều quan điểm tương đồng với ông Sanders - vẫn được lòng của 12% số cửa tri.

Tỉ phú, cựu Thị trường New York Michael Bloomberg sau khi chi hàng trăm triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình và mạng xã hội đã nâng tỉ lệ cử tri ủng hộ mình từ 8% lên 14%.

Những con số nghìn tỉ USD trong bản kế hoạch hành động của ứng cử viên cực tả

Nói một cách sơ lược nhất, chính trường Mỹ được chia làm hai phe tả - hữu (trái - phải).

Đảng Dân chủ thường được coi là cánh tả (hay tả khuynh, left wing). Tư tưởng chính của phía cánh tả là mở rộng qui mô chính quyền, nâng cao vai trò của nhà nước, thành lập thêm các cơ quan quản lí, ban hành thêm các đạo luật giám sát, …

Nói cách khác, cánh tả muốn chính phủ thu nhiều và chi nhiều, can thiệp sâu và giữ vị thế quan trọng trong nền kinh tế.

Ngược lại, những người theo Đảng Cộng hòa thường được coi là có tư tưởng hữu khuynh (right wing). Họ muốn giảm thiểu qui mô của chính phủ, gỡ bỏ bớt qui định giám sát kinh tế, giải tán hoặc làm suy yếu các cơ quan quản lí, cổ súy thị trường tự do, …

Vậy nên các chính trị gia cánh hữu thường hạ thuế suất và cắt giảm chi tiêu công, chính phủ hạn chế can thiệp vào sự vận hành của nền kinh tế.

Bernie Sanders muốn giành đề cử của Đảng Dân chủ khi ra tranh cử Tổng thống nhưng thực ra ông là một chính trị gia độc lập, không thuộc Đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Tuy nhiên "độc lập" không có nghĩa ông là người đứng giữa hai luồng tư tưởng tả-hữu.

Quan điểm của Bernie Sanders mang tính tả khuynh cực đoan (extreme left). Trên thang đo hệ tư tưởng, Đảng Cộng hòa ở bên phải, Đảng Dân chủ ở bên trái còn Bernie Sanders thậm chí còn ở bên trái của Đảng Dân chủ.

Nhiều người cho rằng ông Sanders không phù hợp để đại diện Đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống Mỹ (cũng giống như hồi năm 2015-2016 nhiều người cho rằng những phát ngôn bài ngoại, phân biệt chủng tộc của ông Donald Trump khiến tỉ phú này không phù hợp để đại diện Đảng Cộng hòa tranh cử).

Sự trỗi dậy của Bernie Sanders và tương lai của nước Mỹ: Nền kinh tế lụn bại hay thị trường chứng khoán thăng hoa? - Ảnh 2.

Ở đây từ "cấp tiến" không hẳn mang ý tích cực hay khen ngợi mà chỉ có nghĩa là thay đổi, cải cách. Tương tự, từ "bảo thủ" không mang ý chê bai hay chỉ trích mà có nghĩa là giữ nguyên, bảo vệ những giá trị vốn có.

Với nền tảng tư tưởng như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Sanders cam kết hàng loạt chính sách chi tiêu công vô cùng đắt đỏ, đồng thời đề xuất tăng thuế hoặc áp những loại thuế mới để trang trải cho những chi tiêu này.

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Chính sách Manhattan, các đề xuất của ông Sanders - nếu được thực hiện - sẽ tiêu tốn tổng cộng khoảng 97.500 tỉ USD trong vòng 10 năm. 

Bản thân ông Sanders cho rằng chương trình bao trả chi phí ý tế (Medicare For All) của ông sẽ làm tăng chi ngân sách liên bang "khoảng 30.000-40.000 tỉ USD trong vòng 10 năm". Ông còn cam kết chi 16.300 tỉ USD cho mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Đề xuất đảm bảo việc làm cho mọi người dân Mỹ với mức lương tối thiểu 15 USD/giờ kèm theo đầy đủ phúc lợi sẽ tiêu tốn khoảng 30.100 tỉ USD nữa.

Số 11.100 tỉ USD cuối cùng bao gồm khoảng 3.000 tỉ USD để xóa sạch các khoản nợ sinh viên và miễn học phí đại học công lập, 1.800 tỉ USD để mở rộng chương trình An Sinh Xã Hội (quĩ hưu trí, trợ cấp thất nghiệp, …), 2.500 tỉ USD cho nhà ở, 1.600 tỉ USD cho nghỉ phép hàng năm, 1.000 tỉ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng, 800 tỉ USD cho giáo dục và 400 tỉ USD để tăng lương cho giáo viên trung học phổ thông.

Tin xấu cho nền kinh tế tư bản Mỹ?

Năm 1981 sau khi mới được bầu làm Thị trưởng thành phố Burlington, bang Vermont, Bernie Sanders được hỏi "Ông có phải là người theo chủ nghĩa tư bản không?", ông đã rõng rạc trả lời "Không" và giữ nguyên quan điểm này trong mấy chục năm qua. Thay vào đó, ông tự gọi mình là người theo tư tưởng "dân chủ xã hội" (democratic socialist).

Trong bối cảnh tiếng tăm và sự ủng hộ của Bernie Sanders ngày càng lên cao, nhiều người đã bày tỏ lo ngại về những hệ lụy của chính sách của ông đối với nền kinh tế.

Một trong những nhà tư bản nổi tiếng nước Mỹ là cựu Chủ tịch ngân hàng đầu tư Goldman Sachs – tỉ phú Lloyd Blankfein công khai thể hiện thái độ thù địch đối với ông Sanders: "Ông ta sẽ hủy hoại nền kinh tế Mỹ".

Đương nhiệm Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin - người từng làm việc tại Goldman Sachs - cũng hoàn toàn đồng ý: "Tôi nghĩ ông Blankfein nói quá đúng, không thể đúng hơn được nữa".

Ít ngày trước, khi trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, ông Blankfein cho biết ông không ưa gì Tổng thống Donald Trump nhưng nếu phải chọn giữa Trump và Sanders trong cuộc bầu cử 2020, ông vẫn sẽ chọn Trump.

Về phần mình, ông Sanders đáp trả bình thản: "Tôi vui mừng khi những kẻ gian ác từng phá hoại nền kinh tế Mỹ căm ghét tôi", ý nói ông không muốn sự ủng hộ của các lãnh đạo ngân hàng Wall Street như ông Blankfein. Vợ của một tỉ phú từng đóng góp cho chiến dịch tranh cử của ông Sanders, sau khi biết chuyện này ông đã lập tức trả lại tiền.

Trước đây, hai ông Blankfein và Sanders đã từng bất đồng với nhau về việc doanh nghiệp phân phối lợi nhuận cho cổ đông bằng cách chi hàng chục tỉ USD để mua cổ phiếu quĩ.

Ông Blankfein cho rằng mua cổ phiếu quĩ không có gì là sai và tiền không tự nhiên mất đi. Còn ông Sanders thì cho rằng các doanh nghiệp trước tiên phải chăm lo cho nhân viên của mình cũng như cộng đồng và xã hội bằng cách trả lương tối thiểu 15 USD/giờ, cho phép 7 ngày nghỉ ốm, cung cấp lương hưu và bảo hiểm y tế ổn định … rồi mới được phép mua lại cổ phiếu.

Như đã nói, nếu trở thành tổng thống, ông Sanders sẵn sàng chi tới 97.500 tỉ USD để thực hiện những chính sách phúc lợi kiểu này trong 10 năm tới. 

Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Manhattan, chi tiêu công dưới thời Tổng thống Sanders (ở cả cấp liên bang, bang và thành phố) sẽ tương đương tới 70% tổng sản phẩm quốc nội, cao hơn nhiều các nước dân chủ xã hội Bắc Âu như Thụy Điển (50%), Na Uy (49%) hay Phần Lan (57%).

Ông đề xuất áp các loại thuế mới đối với tài sản của giới siêu giàu và đánh thuế cả giao dịch tài chính (thuế Tobin), nâng thuế suất thu nhập doanh nghiệp và cá nhân hiện nay. Ngay cả với nguồn thu tăng thêm từ những sắc thuế này, thâm hụt ngân sách hàng năm của Mỹ vẫn sẽ vượt 30% GDP.

Căn cứ vào tình hình hiện nay, khả năng đắc cử Tổng thống của ông Sanders vẫn chưa có gì chắc chắn. Và dù là Tổng thống thì ông cũng cần được sự ủng hộ của lưỡng viện quốc hội để thông qua các đạo luật với nội dung cấp tiến như ông đề xuất.

Nhìn chung ông Sanders sẽ không thể làm được mọi điều theo ý mình. Một kịch bản thực tế hơn là Đảng Dân chủ ở quốc hội với sự thúc đẩy của ông Sanders sẽ tăng cường chi tiêu cho y tế, trợ cấp thêm cho giáo dục đại học, thuế suất với top 2-3% người giàu nhất và các doanh nghiệp lớn có thể tăng thêm đôi chút. Chính quyền của Tổng thống Sanders cũng có thể siết chặt các biện pháp quản lí để chống biến đổi khí hậu.

Theo một bài viết của tờ Bloomberg, ngay cả trong kịch bản hạn chế này thì chi tiêu theo cách của ông Sanders vẫn sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ.

Nợ công cần được giảm xuống nhưng thực tế sẽ tăng lên, đầu tư công sẽ lấn át chi tiêu tư nhân và tinh thần khởi nghiệp của người dân, tính cạnh tranh của Mỹ trên trường quốc tế có thể sẽ sa sút và tăng trưởng kinh tế sẽ giảm tốc.

Quan trọng hơn, một nhiệm kì Tổng thống của ông Sanders - cho dù không đạt được thành tựu về mặt lập pháp - cũng có thể khiến cho nước Mỹ quen hơn với tư tưởng dân chủ xã hội, những quan điểm trước đây được cho là tả khuynh cực đoan thì dần dần sẽ được coi là bình thường.

Một trong những thông điệp được ông Sanders nhắc đi nhắc lại nhiều lần là "Nước Mỹ không nên có các tỉ phú", hàm ý chỉ trích tình trạng bất bình đẳng của nước Mỹ.

Không chỉ hướng đến giới tỉ phú nói chung, ông Sanders còn công kích trực diện vào hai ứng cử viên của Đảng Dân chủ là tỉ phú Michael Bloomberg và Tom Steyer với các thông điệp đanh thép như:

"Michael Bloomberg có quyền tranh cử như mọi công dân Mỹ khác, nhưng ông ta không được dùng tiền để mua ghế Tổng thống" hay "Michael Bloomberg, ông giấu tiền ở thiên đường thuế nào?"

Cả tỉ phú Bloomberg và tỉ phú, Tổng thống Trump đều không công bố tờ khai thuế của mình dù chịu nhiều sức ép về chính trị.

Sự trỗi dậy của Bernie Sanders và tương lai của nước Mỹ: Nền kinh tế lụn bại hay thị trường chứng khoán thăng hoa? - Ảnh 3.

Theo bài viết trên tờ Bloomberg, ông Sanders quá nhiệt tình trong việc phân phối lại thu nhập và hạn chế bất bình đẳng tới mức ông sẽ dập tắt đi động cơ tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ trong tương lai. 

Và khi nền kinh tế không tăng trưởng thì ông cũng khó có nguồn tiền để trang trải cho những chương trình phúc lợi tốn kém của mình.

Người bạn tốt của thị trường chứng khoán Mỹ?

Là người công khai phản đối nền kinh tế tư bản, Bernie Sanders dễ bị cho là khắc tinh của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên có lí do để tin rằng thị trường sẽ thăng hoa khi ông Sanders làm chủ Nhà trắng.

Để lí giải điều này, nhà đầu tư cần hiểu động lực nào đã thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ liên tục đi lên trong những năm gần đây.

Ba nhân tố thường được nhắc đến là chính sách tiền tệ dễ dãi của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đạo luật cắt giảm thuế cuối năm 2017 và việc gỡ bỏ nhiều qui định quản lí của Tổng thống Trump. Tuy nhiên theo một bài viết trên tờ Bloomberg, tác động của những chính sách này không lớn như nhiều người vẫn tưởng.

Trong một thập kỉ qua, chỉ số S&P 500 tăng trung bình 13,6% mỗi năm, trong đó 10,2% đến từ tăng trưởng lợi nhuận cao đột biến và chỉ 1% đến từ tăng trưởng trong định giá. Nói cách khác, dòng tiền rẻ từ Fed đã không thực sự khuyến khích nhà đầu tư Mỹ trả giá cao hơn nhiều cho cổ phiếu.

Chính sách giảm thuế của ông Trump cũng tác động không quá lớn tới thị trường vì đa phần tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp đã được hạch toán từ trước khi thuế suất mới có hiệu lực năm 2018. Các qui định quản lí bị gỡ bỏ cũng chỉ đa phần tập trung vào ngành năng lượng, vốn đã chật vật tăng trưởng lợi nhuận từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Vì vậy, việc ông Sanders có tư tưởng trái ngược về thuế và qui định quản lí so với ông Trump có thể không gây tổn hại nhiều cho thị trường chứng khoán.

Một nhân tố cần được chú ý hơn là thâm hụt ngân sách. Từ lâu các chính phủ đã sử dụng chi tiêu công để thúc đẩy nền kinh tế. Từ năm 2009 đến nay, thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ liên tục duy trì ở mức cao.

Trong giai đoạn 1970-2008, trung bình mỗi năm ngân sách thâm hụt khoảng 129 tỉ USD. Từ năm 2009 đến nay, con số vọt lên thành 882 tỉ USD. Chi tiêu công và cùng với đó là thâm hụt ngân sách do vậy có lẽ là nhân tố thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ mạnh mẽ nhất trong những năm qua.

Sự trỗi dậy của Bernie Sanders và tương lai của nước Mỹ: Nền kinh tế lụn bại hay thị trường chứng khoán thăng hoa? - Ảnh 7.

Như đã nói, những kế hoạch chi tiêu tốn kém hàng chục nghìn tỉ USD của ông Sanders, nếu ông đắc cử, sẽ còn khiến cho thâm hụt ngân sách của Mỹ cao gấp nhiều lần hiện nay.

Khi trả lời phỏng vấn Bloomberg TV, Giáo sư Stephanie Kelton, cố vấn kinh tế của ông Sanders cho rằng Mỹ có thể "nâng thâm hụt ngân sách mỗi năm thêm 500 tỉ USD nữa mà vẫn ở trong giới hạn an toàn".

Bà Kelton là một trong những thành viên chủ chốt ủng hộ Lí thuyết Tiền tệ Hiện đại (MMT). Lí thuyết này cho rằng một nước có đồng tiền riêng như Mỹ có thể tích tụ nợ bao nhiêu tùy ý, miễn là lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát. Vì vậy, lí thuyết này ngày càng nhận được sự ủng hộ của những ứng viên muốn mở rộng chi tiêu công như ông Sanders.

Liệu những khoản chi tiêu khổng lồ của ông Sanders có làm lạm phát tăng phi mã hay không? Không ai biết chắc vì Lí thuyết Tiền tệ Hiện đại (MMT) vẫn chưa được kiểm nghiệm trong thực tế.

Tuy nhiên trong một nền kinh tế lấy tiêu dùng làm chủ đạo, khi chi phí mà người dân trả cho y tế, giáo dục và nhà ở sụt giảm thì chi tiêu cho những nhu cầu khác chắc chắn sẽ vọt lên, dù đã tính cả tác động việc thuế suất thu nhập sẽ tăng nhẹ. Các doanh nghiệp Mỹ sẽ tận dụng cơ hội này để mở rộng hoạt động kinh doanh và hốt bạc từ người tiêu dùng.

Vì vậy, những kế hoạch thúc đẩy chi tiêu và đánh thuế tham vọng của Bernie Sanders, nếu ông trở thành Tổng thống, có thể là liều thuốc bổ cho thị trường chứng khoán, ít nhất là trong ngắn hạn.

Những khẩu hiệu chính sách bằng tiếng Việt đăng tải trên Facebook của Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders.

Trong khi nhà đầu tư và giới phân tích ngồi vò đầu dự đoán tương lai thì ông Sanders vẫn miệt mài tranh cử bằng những khẩu hiệu ngắn gọn, đơn giản và cuốn hút không ít người: "Chăm sóc y tế là quyền cơ bản của con người", "Một người không nên chết chỉ vì không có tiền khám chữa bệnh", "Nếu nước Mỹ có tiền để giải cứu các ngân hàng Wall Street thì nước Mỹ cũng có thể xóa hết nợ sinh viên", "Chính phủ nên giúp những gia đình lao động thay vì giúp các tỉ phú", …

Song Ngọc - Đức Quyền

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.