|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khu công nghiệp xanh - Chìa khoá thu hút FDI thế hệ mới

11:00 | 26/01/2025
Chia sẻ
Làn sóng FDI thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, xu hướng thu hút FDI trên thế giới đang thay đổi theo hướng xanh, bền vững, công nghệ cao, công nghệ mới.

Sự dịch chuyển của dòng vốn quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong thu hút vốn FDI chất lượng. Trên bản đồ đầu tư và thương mại thế giới, Việt Nam đang là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực dệt may, da giày, chip điện tử, ô tô... Đặc biệt, cạnh tranh kinh tế giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gay gắt dẫn đến xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ hơn. Xu hướng đa dạng hóa nguồn sản xuất và dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc của dòng vốn FDI đã khiến Việt Nam trở thành địa điểm thay thế tiềm năng. Các nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN... tiếp tục đổ vốn đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường, các chính sách phát triển các khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam cũng đã đặt ra những yêu cầu mới về chất lượng theo hướng phát triển xanh, bền vững. Các KCN không chỉ cần phát triển theo chiều rộng, mà phải đi vào chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu sang ứng dụng công nghệ cao, đổi mới mô hình, thân thiện môi trường và gắn kết chặt chẽ với phát triển vùng, liên kết các khu vực lân cận.

Phát triển KCN bền vững là xu thế tất yếu, dựa trên nền tảng quản lý, vận hành tiên tiến, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, khoa học công nghệ. Đặc biệt, hướng tới mô hình hợp tác cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp để sử dụng hiệu quả các nguồn nguyên vật liệu, năng lượng đang trở thành tiêu chí quan trọng trong lựa chọn của các nhà đầu tư FDI khi quyết định địa điểm đầu tư. Các KCN phát triển theo hướng bền vững, đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Vì vậy, để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao đòi hỏi phải xây dựng hệ thống các KCN xanh, khu công nghiệp sinh thái. Trong đó, bao gồm các KCN đầu tư mới theo hướng xanh hoá hoặc chuyển đổi từ KCN từ dạng truyền thống sang KCN xanh - KCN sinh thái.

Theo TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam, Nguyên Cục Trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, sự xuất hiện của làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang kéo theo nhu cầu lớn về thuê mặt bằng trong các KCN. Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương rà soát các KCN để chuẩn bị quỹ đất sạch sẵn đàng đón sóng đầu tư nước ngoài mới. Đây là cơ hội lớn của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế phức tạp.

TS.Phan Hữu Thắng Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam, Nguyên Cục Trưởng Cục Đầu tư nước ngoài. (Ảnh: DĐDN).

"Các địa phương Việt Nam cần chuẩn bị quỹ đất sạch, đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, tinh giảm biên chế giảm thiểu các thủ tục hành chính trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ hệ thống luật pháp của Việt Nam về đầu tư, kinh doanh... nhằm tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trong dài hạn", Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khuyến nghị.

Theo ông, Chính phủ cũng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 40 - 50% địa phương chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8 - 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới để từng bước lập kế hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Song để làm được điều này thì tiềm lực tài chính và năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam là rất quan trọng. Bên cạnh đó, các địa phương cần có sự hỗ trợ doanh nghiệp, công tác xúc tiến đầu tư phải thực chất, hiệu quả hơn.

Ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Khu Kinh tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: MPI).

Còn theo ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Khu Kinh tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình khu công nghiệp xanh hiện phải hướng tới việc các doanh nghiệp cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả các nguồn nguyên vật liệu, năng lượng. Đây là tiêu chí quan trọng trong việc quyết định địa điểm đầu tư của các FDI. Theo đó, các KCN không chỉ cần phát triển theo chiều rộng, mà phải đi vào chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu sang ứng dụng công nghệ cao, đổi mới mô hình, thân thiện môi trường và gắn kết chặt chẽ với phát triển vùng, liên kết các khu vực lân cận.

“Phát triển KCN bền vững là xu thế tất yếu, dựa trên nền tảng quản lý, vận hành tiên tiến, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, khoa học công nghệ. Đặc biệt, hướng tới mô hình hợp tác cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp để sử dụng hiệu quả các nguồn nguyên vật liệu, năng lượng đang trở thành tiêu chí quan trọng trong lựa chọn của các nhà đầu tư FDI khi quyết định địa điểm đầu tư", ông Trung nói.

"Loại hình KCN xanh không chỉ dùng chung hạ tầng giao thông, hay hệ thống xử lý nước thải, mà còn dùng chung hạ tầng năng lượng sạch thay vì mỗi doanh nghiệp phải tự đầu tư những hạng mục này...", ông Trung lấy ví dụ. Do đó, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, ông cho rằng, các bộ ngành và địa phương cần vào cuộc. Các bộ, ngành cần có chính sách khuyến khích phát triển khu công nghiệp xanh, các địa phương cần có sự hỗ trợ doanh nghiệp, công tác xúc tiến đầu tư phải thực chất, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc lựa chọn, ưu tiên và tạo điều kiện tối đa cho các dự án đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn về môi trường, về sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng hay tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo cũng là yếu tố cần ưu tiên trong thu hút các dự án FDI.

Các địa phương cần tăng cường thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành có liên quan, tạo thành các cụm ngành, chuỗi giá trị để hình thành các chuỗi cộng sinh công nghiệp, gắn kết chặt chẽ với nhau. Đây là mô hình giúp các doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ, tái sử dụng các phụ phẩm, chất thải trong quy trình sản xuất một cách hiệu quả, từ đó tiết kiệm đáng kể chi phí đầu vào, giảm thiểu tác động tới môi trường, ông Trung cho hay.

Ngoài ra, thu hút đầu tư cũng đòi hỏi địa phương phải đồng bộ đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, cơ sở vật chất như nhà ở, trường học, bệnh viện, các tiện ích dịch vụ phục vụ đời sống người lao động. Đặc biệt, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng môi trường như hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn tập trung, cánh đồng điện gió, pin năng lượng mặt trời... nhằm xây dựng hệ sinh thái xanh cho các KCN.

*Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số Xuân Ất Tỵ

Hạ An