|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm tại Hà Nội

14:00 | 26/01/2025
Chia sẻ
Một số công trình trọng điểm của Hà Nội hiện vẫn chỉ đạt tỷ lệ giải ngân thấp và còn nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Trong năm vừa qua, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện một số dự án, công trình trọng điểm, như: Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô; Đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1); Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai,… 

Theo số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội, tính đến hết năm 2024, tỷ lệ giải ngân của các dự án vẫn đạt thấp và một số dự án vẫn còn vướng mắc về mặt bằng. Vậy cụ thể tiến độ thực hiện của những dự án này ra sao?

Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô

Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, đi qua ba tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long.

Theo thiết kế, tuyến đường có tổng chiều dài 112,8 km, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.800 tỷ đồng, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng 1.386 ha, trên tuyến xây dựng ba cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 8 nút giao khác.Đến hết tháng 12/2024, dự án đã giải ngân 12,1% kế hoạch vốn. 

Đường song hành Vành đai 4 đoạn qua huyện Mê Linh, TP Hà Nội. (Ảnh: Báo Giao thông).

Sau khoảng thời gian hơn 17 tháng kể từ ngày khởi công, 4 gói thầu xây lắp tại Hà Nội đã được đồng loạt triển khai trên chiều dài tuyến 48,35km với 32 mũi thi công, gồm 23 mũi đường và 9 mũi cầu, theo Báo Giao thông.

Đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1)

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần hai cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu, quận Đống Đa và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục, quận Ba Đình. 

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục còn nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Báo Xây dựng).

Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội trong chương trình Kỳ họp thứ 20 diễn ra sáng ngày 11/12/2024, ông Đồng Phúc An, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng TP Hà Nội cho biết, dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục hiện đã không còn khó khăn, vướng mắc về thủ tục nhưng vẫn còn nhiều vấn đề trong công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến dự án chậm tiến độ.

Theo ông An, dự án sẽ phấn đấu hoàn thành việc giải phóng mặt bằng tại quận Ba Đình trong quý I và tại quận Đống Đa trong quý II năm nay.

Được biết, dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 7.200 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố. Trong đó, chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.800 tỷ đồng. Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, đến hết năm 2024, dự án đã giải ngân đạt 47,4% kế hoạch vốn.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai

Đây là dự án cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La, quận Hà Đông đến thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ nhằm nâng cấp Quốc lộ 6 lên 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50 - 60 m, góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. 

Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 8.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Trong đó, trên 5.100 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng; 2.900 tỷ đồng là chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến hết năm 2024, dự án đã giải ngân 10,8% kế hoạch vốn.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai. (Ảnh: Báo Giao thông).

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã tiến hành mở thầu gói thầu 01/QL6, thuộc dự án thành phần 2 dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La -Xuân Mai.

Biên bản mở thầu cho thấy đã có 4 nhà thầu tham gia dự thầu, gồm: liên danh của Công ty TNHH Hòa Hiệp dự thầu với giá khoảng 509,6 tỷ đồng; liên danh của CTCP Tập đoàn CIENCO4 dự thầu với giá khoảng 464,84 tỷ đồng; liên danh CTCP Đầu tư xây dựng và kĩ thuật VNVC E&C dự thầu với giá khoảng 513,82 tỷ đồng và liên danh của CTCP Tập đoàn Thành Huy dự thầu với giá khoảng 487,47 tỷ đồng.

Cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình

Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình có chiều dài 6,7 km, mặt cắt ngang từ 120 - 180 m. Tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 5.200 tỷ đồng. Cục Thống kê Hà Nội cho biết, đến hết năm 2024, dự án đã giải ngân 12,5% kế hoạch vốn.

Tuyến đường có điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội và điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc, tỉnh Hoà Bình.

Dự án hiện vẫn thi công cầm chừng do vướng mắc về mặt bằng. (Ảnh: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội).

Chia sẻ với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội hồi cuối tháng 11/2024, chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội cho biết, sau hơn một năm khởi công, các nhà thầu mới chỉ được bàn giao 7,6/106 ha của dự án. 

Theo chủ đầu tư, công trình vẫn phải thi công rất cầm chừng, tính đến tháng 11/2024 mới làm được một mố, một trụ cầu và chỉ có thể đúc dầm và mố trụ trong khi chờ mặt bằng tiếp theo được bàn giao.

Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá TP Hà Nội

Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá TP Hà Nội bao gồm một nhà máy xử lý nước thải với công suất 270 nghìn m3/ngày đêm và tuyến cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, một phần sông Nhuệ.

Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá TP Hà Nội có diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 16.300 tỷ đồng, với 84,1% vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản. 

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được xây dựng trên địa bàn huyện Thanh Trì. (Ảnh: TTXVN).

Ngày 2/12/2024, tại buổi kiểm tra tiến độ dự án và việc thực hiện các giải pháp làm sạch sông Tô Lịch của lãnh đạo TP Hà Nội, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội (Ban QLDA) cho biết, năm 2019, dự án được triển khai thực hiện với 4 gói thầu xây lắp chính.

Đến tháng 12/2024, gói thầu số 1 là xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm đã đi vào vận hành thử nghiệm trong thời gian 6 tháng từ ngày 1/12/2024.

Gói thầu số 2 là xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính đạt khoảng 98% so với hợp đồng, tính đến tháng 12/2024.

Về gói thầu số 3 là xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ, do năng lực nhà thầu không đáp ứng, Ban QLDA đã báo cáo và được thành phố chấp thuận chấm dứt hợp đồng từ tháng 11/2023 và đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng xin chấp thuận chủ trương điều chỉnh nguồn vốn từ ODA sang ngân sách thành phố để đảm bảo tiến độ.

Gói thầu số 4 là xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới đến đầu tháng 12/2024 đã thi công hoàn thành khoảng 22% khối lượng công việc. Ban QLDA cho biết sẽ phấn đấu hoàn thành trong năm nay.

Anh My