Tiến độ thực hiện một số công trình giao thông trọng điểm tại TP HCM
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức được đưa vào vận hành thương mại trong tháng 12/2024 đã đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong hệ thống giao thông của TP HCM.
Bên cạnh đó, trong năm 2024 vừa qua, thành phố cũng tăng tốc thực hiện nhiều công trình trọng điểm khác như: tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương; các dự án thành phần 1, 2 đường Vành đai 3 TP HCM; hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; nút giao An Phú; đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà. Vậy những công trình này đang có tiến độ thực hiện ra sao?
Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên
Ngày 22/12/2024, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã chính thức được vận hành thương mại. Trong tháng đầu tiên vận hành, hành khách được miễn phí vé đi metro số 1 và 17 tuyến xe buýt điện kết nối.
Metro Bến Thành - Suối Tiên có 17 đoàn tàu, mỗi tàu ba toa, sức chứa 930 khách, gồm 147 khách ngồi và 783 khách đứng. Ngay trong ngày đầu tiên vận hành, tuyến metro này đã đón khoảng 150.000 lượt hành khách, gấp gần 6 lần số lượng hành khách dự kiến ban đầu.
Ngày 21/1 vừa qua, metro Bến Thành - Suối Tiên bắt đầu vận hành thu phí, với giá vé lượt thanh toán bằng tiền mặt từ 7.000 - 20.000 đồng, giá vé lượt thanh toán không dùng tiền mặt từ 6.000 - 19.000 đồng.
Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương
UBND TP HCM cho biết, tính đến hết năm 2024, dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đã hoàn tất thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng đạt 100% nhưng tiến độ công tác di dời hạ tầng kỹ thuật tại 12 vị trí nhà ga mới chỉ đạt khoảng 30% kế hoạch.
Theo dự kiến, toàn bộ hạ tầng kỹ thuật sẽ hoàn thành vào quý II năm nay để phục vụ giai đoạn xây dựng nhà ga ngầm, đường hầm và đoạn trên cao vào cuối năm. TP HCM đã thống nhất chủ trương dùng vốn ngân sách thành phố để triển khai giai đoạn tiếp theo của dự án.
ZNews đưa tin, trong chia sẻ với báo chí mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết TP HCM và Hà Nội đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để chuẩn bị hồ sơ về đề án đường sắt đô thị, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào giữa năm nay để ban hành một Nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển đường sắt đô thị.
Theo đó, sau khi Nghị quyết được Quốc hội ban hành, TP HCM dự kiến khởi công trước tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương và áp dụng thí điểm các cơ chế, chính sách mới.
Đường Vành đai 3 TP HCM
Dự án thành phần 1 đường Vành đai 3 TP HCM được chia làm 14 gói thầu xây lắp, với 10 gói thầu xây lắp chính và 4 gói thầu phục vụ vận hành.
Về nguồn vật liệu xây dựng, mặc dù đã tìm được nguồn cát nhưng tiến độ khai thác của các mỏ cát chưa đáp ứng được yêu cầu của dự án, với tổng nhu cầu khoảng 7,1 triệu m3 cát. Cục Thống kê TP HCM cho biết, tính đến cuối năm 2024, lượng cát được đưa về công trường mới đạt khoảng 1,3 triệu m3. Thành phố đang yêu cầu các nhà thầu tích cực hỗ trợ để đẩy nhanh các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ.
Theo báo cáo của Cục Thống kê, tỷ lệ giải phóng mặt bằng của dự án thành phần 2 tính đến cuối năm 2024 đạt 99,8%, còn ba trường hợp chưa đồng ý bàn giao gồm một trường hợp ở TP Thủ Đức và hai trường hợp tại huyện Bình Chánh.
Báo cáo tại buổi làm việc về tiến độ thi công các gói thầu thuộc dự án đường Vành đai 3 TP HCM qua địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi vào sáng 18/1, ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM cho biết, hiện 10 gói thầu xây lắp đường Vành đai 3 qua TP HCM đạt gần 40% tiến độ.
Trong đó, ngoài đoạn trên cao qua TP Thủ Đức, các đoạn còn lại tại huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh sẽ thông xe kỹ thuật vào tháng 4/2026 và hoàn thành toàn tuyến vào ngày 30/6/2026.
Giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ
Dự án giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ được khởi công từ tháng 4/2020, với tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng. Theo thiết kế, dự án sẽ xây đảo tròn trung tâm có đường kính 60 m và hai hầm chui cùng các nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh.
Theo dự kiến, toàn bộ nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ sẽ được thông xe ngày 21/1. Tuy nhiên, mới đây, chủ đầu tư dự án đã ra thông báo tiến độ dự án không kịp tiến độ này và có thể phải lùi tới 27/1 do còn một số hạng mục cần hoàn thiện như thảm nhựa, sơn đường, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, tín hiệu,...
Trước đó, nhánh hầm chui HC2 đã thông xe vào đầu tháng 10/2024. Đến ngày 30/12/2024, nhánh hầm HC1 cũng chính thức được thông xe.
Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà được khởi công từ tháng 12/2022, với tổng mức đầu tư 4.848 tỷ đồng. Tuyến đường này được kỳ vọng sẽ giúp giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào ngày 30/4/2025.
Tuyến đường có điểm đầu tuyến giao với đường Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn, điểm cuối tuyến giao với đường C12 - Cộng Hoà - Trường Chinh. Tổng chiều dài tuyến là 4,031 km.
Hai ngày trước, giai đoạn 1 của dự án gồm đoạn đường dài 1,25 km từ hầm chui đường Phan Thúc Duyện đến đường Hoàng Hoa Thám đã chính thức thông xe. Phần còn lại của tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, từ đường Hoàng Hoa Thám đến cuối tuyến, vẫn đang chờ mặt bằng để thi công.
Trước đó, tháng 8/2024, dự án đã thông xe hầm chui Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn. Được biết, hầm chui có hai làn xe, rộng 9 m, chiều dài hầm 400 m, với đoạn hầm kín dài 42 m, đoạn đường dẫn vào hầm phía công viên Hoàng Văn Thụ dài khoảng 140 m, đoạn đường dẫn ra hầm phía Trung tâm quản lý bay có chiều dài hơn 180 m.
Nút giao An Phú
Dự án nút giao An Phú dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Theo báo cáo của Cục Thống kê TP HCM, đến cuối năm 2024, tiến độ thi công dự án nút giao An Phú đã đạt gần 60% tổng khối lượng xây dựng.
Trong đó, hầm chui phía đường Lương Định Của chuẩn bị đổ bê tông thêm một đoạn nắp hầm và sàn hầm chui, trên cầu vượt phía đường Mai Chí Thọ.
Đáng chú ý, hai hạng mục cầu Bà Dạt và cầu Giồng Ông Tố nằm trong dự án dự kiến sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2025 nhưng chưa đưa vào sử dụng mà sẽ chờ thông xe đồng bộ với nút giao An Phú vào ngày 31/12
Trong đó, Cầu Bà Dạt nằm trên đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, có giá trị xây lắp gần 185 tỷ đồng, có tổng chiều dài khoảng 474 m. Cầu Giồng Ông Tố 2 nối đường Mai Chí Thọ với đường Đồng Văn Cống, có giá trị xây lắp gần 380 tỷ đồng.