|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nguy cơ một cuộc chiến tranh mới tại châu Âu

16:56 | 01/08/2022
Chia sẻ
Vùng Balkan được mệnh danh là thùng thuốc súng của châu Âu lại một lần nữa trên bờ vực chiến tranh sau khi tình hình địa chính trị trong khu vực đã thay đổi.

Theo Britannica, Bán đảo Balkan (người Việt hay đọc là Ban Căng) là một trong ba bán đảo lớn của châu Âu. Không có một định nghĩa rõ ràng về các quốc gia và vùng lãnh thổ của khu vực này.

Thông thường Balkan được cho là bao gồm Albania, Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Croatia, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania, Serbia và Slovenia. Đồng thời, một phần của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cũng nằm trong giới hạn địa lý của vùng Balkan.

Khu vực này là sự giao thoa của nhiều cường quốc lớn, bao gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ (Đế chế Ottoman) và các nền văn minh phương Tây. Nhiều sắc tộc cũng như tôn giáo cùng chung sống tại Balkan, kết quả là xung đột sắc tộc cũng thường xuyên diễn ra.

Thế Chiến I nổ ra sau vụ ám sát Thái tử Áo bởi một người Serbia. Sau khi Liên Xô tan rã, Balkan luôn trong tình trạng bất ổn khi nhà nước Nam Tư sụp đổ, phân chia thành nhiều quốc gia nhỏ lẻ. Bởi vậy, khu vực này thường được mệnh danh là là "thùng thuốc súng của châu Âu".

Các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Bán đảo Balkan. (Ảnh: Shutterstock).

Theo RT, tiếng chuông nhà thờ và còi báo động đã vang lên khắp vùng đất người Serb sinh sống tại Kosovo vào hôm 31/7. Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm của Kosovo xuất hiện tại cửa khẩu hành chính với Serbia. 

Trong khi đó tại Belgrade (thủ đô Serbia), Tổng thống Aleksandar Vucic cho biết Serbia muốn hòa bình, nhưng sẽ không cho phép người dân của mình bị áp bức.

Căng thẳng hiện tại diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti trích dẫn một thỏa thuận với Belgrade vào năm 2011 nhằm tuyên bố tất cả những giấy tờ tùy thân và biển số của Serbia là không hợp lệ kể từ ngày 1/8. 

Đồng thời, ông tuyên bố một chiến dịch để áp đặt “luật lệ và công lý” tới tất cả những vùng lãnh thổ được phía Kosovo tuyên bố chủ quyền.

Cảnh sát đặc nhiệm Kosovo đã phong tỏa cửa khẩu hành chính tại Jarinje. Người Serb địa phương phản ứng bằng cách dựng lên các rào chắn. Cho đến nay, đã có những báo cáo, nhưng chưa được xác nhận, rằng ít nhất một người Serbia đã bị thương do đạn bắn.

Quân đội Serbia đã được đặt vào mức cảnh báo cao, nhưng Bộ Quốc phòng cho biết chưa có bất cứ binh lính nào vượt qua cửa khẩu hành chính. Bộ này phủ nhận những tin đồn rằng quân đội Serbia đã giao tranh với lực lượng cảnh sát Kosovo.

Tổng thống Vucic tuyên bố người Serb "sẽ không phải chịu thêm bất cứ thảm kịch nào", và yêu cầu người dân địa phương "không để bị kích động". Ông yêu cầu chính phủ Kosovo và phương Tây "chú ý đến luật pháp quốc tế và hiện thực".

Ông tuyên bố: "Chúng tôi không mong xung đột hay chiến tranh. Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho hòa bình và tìm kiếm hòa bình. Nhưng hãy nhớ rằng: Sẽ không có sự đầu hàng, và Serbia sẽ chiến thắng. Nếu Kosovo bắt đầu phân biệt đối xử, làm phiền và giết người Serb, Serbia sẽ chiến thắng".

Vào tối muộn hôm 31/7, phía Kosovo thông báo sẽ tạm ngừng việc cấm các giấy tờ tùy thân và biển số xe của Serbia cho đến 1/9.

Nguyên nhân xung đột

Sau cuộc chiến tranh Nam Tư, tỉnh Kosovo đã được NATO kiểm soát từ năm 1999. Vào năm 2008, khu vực này tuyên bố độc lập với sự giúp đỡ của Mỹ, nhưng không hề được Serbia công nhận.

Kosovo có dân số chủ yếu là người Albania, tuy nhiên cũng có một bộ phận người Serb sinh sống, chủ yếu tại phía bắc, giáp với biên giới Serbia. Ngược lại, Serbia cũng có một bộ phận dân số người Albania tại phía nam. 

Người Serbia sống trong lãnh thổ của Kosovo là nguyên nhân cho nhiều căng thẳng trong những năm gần đây.

Căng thẳng giữa Serbia và Kosovo diễn ra thường xuyên, bởi cuộc khủng hoảng tại Kosovo vẫn chưa được giải quyết kể từ năm 1999. 

Tuy nhiên, những căng thẳng hiện nay có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột nguy hiểm, bởi bối cảnh đã thay đổi đáng kể. Vấn đề của Kosovo được giải quyết vào cuối thế kỷ 20, theo cách xử lý phổ biến lúc bấy giờ. 

Theo RT, các xung đột tại châu Âu thường được xử lý theo quan điểm về sự công bằng của EU. Trong trường hợp không giải quyết bằng biện pháp hòa bình, giải pháp quân sự có thể được sử dụng.

Khu vực bất ổn nhất tại châu Âu vào cuối thế kỷ 20 là vùng Balkan. Vào nửa đầu những năm 1990, chiến tranh Bosnia nổ ra, và nửa sau là cuộc xung đột Kosovo.

Khu vực Balkan phát triển với lộ trình tương lai duy nhất cho các quốc gia là trở thành thành viên của EU. Triển vọng với mỗi nước thay đổi từ tương đối gần hoặc rất xa, nhưng gia nhập EU là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, hiện tại, hai điều kiện quan trọng đã thay đổi. Thứ nhất, EU đang trong trạng thái dễ tổn thương tới mức không sẵn sàng chịu trách nhiệm cho tình hình chính trị phức tạp tại Balkan. 

Thứ hai, Nga và phương Tây đang trong trạng thái đối đầu gay gắt. Bởi vậy, khó có thể mong đợi Moscow sẽ trực tiếp ra tay tương trợ. Kể từ năm 1999, lực lượng NATO đã có mặt tại Kosovo.

Minh Quang