|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chủ tịch Tập cảnh báo Tổng thống Biden không nên ‘đùa với lửa’

08:48 | 29/07/2022
Chia sẻ
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phát đi những thông điệp mạnh mẽ, ám chỉ đến chuyến thăm đảo Đài Loan sắp tới của chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Lời cảnh báo

Theo Financial Times, Chủ tịch Trung Quốc cảnh báo Tổng thống Mỹ không nên “đùa với lửa” khi hai nhà lãnh đạo có cuộc thảo luận qua điện thoại vào hôm 28/7.

Trong tuyên bố trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập không trực tiếp nhắc đến chuyến thăm trong tương lai của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới đảo Đài Loan. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định sẽ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.

(Ảnh: Getty Images, Đồ họa: Minh Quang)

Bộ Ngoại giao Bắc Kinh cũng dẫn lời Tổng thống Biden cho biết chính sách một Trung Quốc của Washington vẫn không thay đổi, và chính quyền của ông không ủng hộ sự độc lập cho đảo Đài Loan.

Khi được hỏi liệu Washington có coi các bình luận của Chủ tịch Tập là một mối đe dọa hay không, một quan chức cấp cao cho biết Trung Quốc trước đây đã sử dụng câu chữ tương tự khi thảo luận về đảo Đài Loan.

Trong thông cáo của mình, Nhà Trắng cũng tránh nhắc đến chuyến thăm của bà Pelosi. Tuy nhiên, Tổng thống Biden “nhấn mạnh rằng chính sách của Mỹ không hề thay đổi và Washington cực lực phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan”.

Chính quyền Tổng thống Biden cho biết cuộc thảo luận nằm trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa hai cường quốc. Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, hai nhà lãnh đạo đã yêu cầu lên lịch cho một cuộc gặp trực tiếp. Quan chức này cho biết cuộc thảo luận về vấn đề đảo Đài Loan “thẳng thắn và trung thực”.

“Hai nhà lãnh đạo đã bàn về việc Mỹ và Trung Quốc có những khác biệt quan điểm liên quan tới đảo Đài Loan. Tuy nhiên, cả hai nước vẫn giải quyết ổn thỏa trong 40 năm”, quan chức trên cho biết. “Việc có kênh liên lạc về vấn đề [đảo Đài Loan] là vô cùng cần thiết”.

Một quan chức khác từ chối trả lời việc liệu Tổng thống Biden có nhắc đến chuyến thăm của bà Pelosi trong cuộc gọi hay không.

Nhà Trắng cho biết cuộc thảo luận kéo dài hai tiếng, và hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về đảo Đài Loan, cuộc xung đột Ukraine cũng như những lĩnh vực có thể hợp tác, bao gồm biến đổi khí hậu, an ninh y tế và chống ma túy.

Ông Biden cũng nêu ra các trường hợp người Mỹ bị giam giữ sai trái và bị cấm xuất cảnh cũng như các mối quan ngại về nhân quyền khác.

Quan hệ rạn nứt

Đây là cuộc gọi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ tháng 3, sau khi căng thẳng dâng lên vì cuộc xung đột Ukraine. Ông Tập đã gặp Tổng thống Vladimir Putin trước khi Nga đưa quân đội vào Ukraine. Phương Tây cũng cáo buộc Bắc Kinh ngầm ủng hộ Moscow trong suốt cuộc xung đột.

Bắc Kinh coi các chuyến thăm đảo Đài Loan của các nhà lập pháp Mỹ là trái với chính sách “một Trung Quốc” của Washington. Chính sách này chỉ công nhận Bắc Kinh là chính phủ duy nhất của Trung Quốc. Nếu chuyến đi được thực hiện thì bà Pelosi sẽ là nhà lập pháp Mỹ cao cấp nhất đến thăm đảo Đài Loan trong vòng 25 năm.

Đầu năm nay, kế hoạch thăm đảo Đài Loan của bà Pelosi đã bị hoãn lại sau khi bà nhiễm COVID. Hiện văn phòng của bà Pelosi vẫn chưa xác nhận thời điểm chuyến đi sẽ diễn ra vào tháng 8. Ông Biden cho biết một số chỉ huy quân đội Mỹ cảm thấy lo ngại về chuyến đi của bà Pelosi.

Ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết: “Quan hệ Trung - Mỹ khá tệ về mọi mặt”. 

Ông cho biết thêm rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể sẽ thực hiện "các biện pháp đối phó cần thiết" nếu bà Pelosi tiếp tục chuyến đi của mình, nhưng cho biết Trung Quốc vẫn sẽ tìm cách "tránh đối đầu quân sự toàn diện và trực tiếp với Mỹ".

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ hôm 13/7. (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Tàu sân bay USS Ronald Reagan đã đi qua Biển Đông vào đầu tháng này trước khi cập cảng Singapore vào ngày 22/7. 

Ông Biden và ông Tập không thảo luận sâu về Biển Đông nhưng Tổng thống Mỹ đã đề cập rộng rãi đến những lo ngại của Washington rằng “các hoạt động của Trung Quốc trái ngược với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm 27/7 đã nhắc lại "sự phản đối kiên quyết" của Bắc Kinh đối với chuyến thăm đảo Đài Loan tiềm năng của Chủ tịch Hạ viện Pelosi.

Ông Triệu nói: “Nếu phía Washington kiên quyết thực hiện chuyến thăm và thách thức ranh giới đỏ của Trung Quốc, Mỹ sẽ phải đối phó với những biện pháp đáp trả kiên quyết và chịu hoàn toàn trách nhiệm về bất kỳ hậu quả nghiêm trọng nào."

Ông Wen-Ti Sung, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết quan điểm của Bắc Kinh trong giai đoạn trước thềm cuộc thảo luận hôm 28/7 là "cứng rắn nhưng không phải là cứng rắn nhất".

Theo ông, dường như Bắc Kinh vẫn đang suy xét xem nên phản ứng như thế nào nếu bà Pelosi nhất định không hủy chuyến thăm.

Các quan chức đảo Đài Loan lo ngại rằng bất kỳ biện pháp đáp trả nào của Trung Quốc có thể sẽ nhằm vào hòn đảo này. Nhưng họ cũng lo sợ rằng ông Tập sẽ được đà nếu bà Pelosi hoãn hoặc hủy chuyến thăm.

“[Đảo Đài Loan và Mỹ] không muốn thể hiện sự yếu kém,” một nhà ngoại giao châu Á cho biết. "Không có bất kỳ ai muốn bị Bắc Kinh sai khiến".

Chuyến thăm dự kiến ​​cũng diễn ra vào thời điểm khó khăn đối với ông Tập, người đang chuẩn bị cho đại hội đảng thường kỳ trong những tháng tới. Nhiều người dự đoán ông sẽ giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ với tư cách là người đứng đầu đảng, nhà nước và quân đội.

Minh Quang

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.