|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc sắp mở cuộc họp quan trọng: Ngoài giải cứu bất động sản thì còn chủ đề nào đáng bàn?

08:25 | 28/07/2022
Chia sẻ
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ có cơ hội đánh giá lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng của năm nay tại cuộc họp quan trọng tuần này. Các vấn đề lớn như bất động sản và Zero COVID có thể sẽ được đem ra mổ xẻ.

Bộ Chính trị Trung Quốc thường tổ chức một cuộc họp chính sách quan trọng vào cuối tháng 7. Tại đây, 25 thành viên sẽ đánh giá lại hoạt động của nền kinh tế trong nửa đầu năm và đặt ra các ưu tiên cho phần còn lại của năm.

Cuộc họp sắp tới có ý nghĩa trọng đại hơn vì các nhà lãnh đạo sẽ có cơ hội điều chỉnh lại chiến lược và kỳ vọng sau khi COVID-19 bùng phát, khiến nhiều tỉnh thành lớn phải phong toả vào mùa xuân năm nay và đẩy nền kinh tế vào tình trạng điêu đứng.

Dưới đây là những nội dung có thể được đề cập tại cuộc họp:

Mục tiêu tăng trưởng

Giới phân tích sẽ quan sát kỹ lưỡng xem liệu Bắc Kinh có điều chỉnh hay giảm mục tiêu tăng trưởng cả năm “khoảng 5,5%” hay không. Mục tiêu này được công bố vào tháng 3, tức trước khi các đợt phong toả bắt đầu tàn phá nền kinh tế.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Trivium China đánh giá: “Diễn biến quan trọng nhất tại cuộc họp tới có thể là Bắc Kinh sẽ điều chỉnh mục tiêu chính thức. Đây sẽ là một cú sốc lớn, bởi trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc chưa bao giờ chính thức bị hụt hoặc phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng...”

Có một số dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách sẽ điều chỉnh bình luận về mục tiêu tăng trưởng hoặc hạ thấp tầm quan trọng của con số này. Các nhà kinh tế của Citigroup cho rằng Bắc Kinh có thể chuyển trọng tâm chú ý sang thị trường việc làm thay vì mục tiêu tăng trưởng.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. (Ảnh: Bloomberg).

Gần đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phát tín hiệu rằng chính phủ sẽ linh hoạt đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, miễn là việc làm và giá cả ổn định. Ông Lý không phải người duy nhất giảm nhẹ cách nói khi đề cập đến các mục tiêu của chính phủ, theo Bloomberg.

Tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ gắn bó với chính sách Zero COVID và cho biết các nhà chức trách “thà chịu ảnh hưởng tạm thời tới phát triển kinh tế” còn hơn là mạo hiểm mạng sống và sức khoẻ của người dân.

Theo Citigroup, một chiến thuật khác mà Bắc Kinh có thể triển khai là đặt mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5,5%” trong nửa cuối năm, thay vì cả năm 2022. Sau khi chỉ nhích thêm 2,5% trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP của Trung Quốc cần phải tăng tốc lên hơn 7% trong phần còn lại của năm để chạm gần đến mục tiêu hiện tại.

 

Hỗ trợ chính sách

Ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, Bắc Kinh chưa đả động gì đến các chính sách hỗ trợ bổ sung cho nền kinh tế. Chính quyền ông Tập đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chiến lược của họ không phải là bơm kích thích ồ ạt vào nền kinh tế và lập trường này khó có thể thay đổi.

Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để thực hiện tốt các chính sách hiện hành, chẳng hạn như gói biện pháp được công bố hồi tháng 5 để giúp đỡ doanh nghiệp và kích cầu.

Điều đó đồng nghĩa rằng các nhà hoạch định chính sách có lẽ muốn có thêm thời gian để đánh giá hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ cũ trước khi tung ra bất kỳ sáng kiến mới nào.

Tương tự, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng duy trì lập trường thận trọng đối với việc nới lỏng chính sách. PBoC khẳng định “thanh khoản hiện đang cao hơn một chút so với mức dồi dào hợp lý”.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị có thể gợi ý về việc tăng hỗ trợ tài khoá. Một lựa chọn mà Bộ Tài chính Trung Quốc đang cân nhắc là cho phép chính quyền các địa phương bán thêm 1.500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 222 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt trong nửa cuối năm, Bloomberg từng đưa tin.

Kế hoạch trên sẽ giúp tăng doanh số bán trái phiếu địa phương vốn đã ở mức kỷ lục trong nửa đầu năm nay, và có thể thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng hơn nữa trong 6 tháng cuối năm.

Giải cứu bất động sản

Sự sa sút kéo dài hơn một năm qua của thị trường bất động sản có thể sẽ là trọng tâm của cuộc họp. Gần đây, tình hình đã nghiêm trọng hơn khi người mua nhà đồng loạt từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp, đe doạ kéo tụt doanh số bán nhà hơn nữa và gây thiệt hại cho các ngân hàng lẫn các công ty xây dựng.

Bộ Chính trị nhiều khả năng sẽ nhắc lại lời cũ, rằng “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”. Đây là một nguyên tắc lâu năm của chính phủ nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ mua nhà.

Một dự án chưa hoàn thiện của Evergrande tại Bắc Kinh. (Ảnh: Bloomberg).

Bà Liu Peiqian - kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc tại ngân hàng NatWest, cho biết các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát cuộc họp để xem liệu những cụm từ như vậy có được đề cập trong tuyên bố của Bộ Chính trị hay không.

Bà nói, “bất kỳ thay đổi nhỏ nào trong cách diễn đạt đều có thể cung cấp manh mối về những đột phá chính sách tiềm năng” trong nửa cuối năm.

Trong bối cảnh doanh số bán nhà và giá nhà đã giảm trong năm qua, đồng thời một số công ty không thể trả được nợ, chậm hoặc ngừng phát triển dự án, thì giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng có thể ban hành hướng dẫn về việc hỗ trợ nhu cầu trên thị trường và giúp đỡ một số công ty địa ốc nhất định.

Nhóm nhà kinh tế của Standard Chartered nhận định, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương có thể sẽ được yêu cầu hỗ trợ tài chính cho các dự án chưa hoàn thiện hoặc các nhà phát triển bất động sản nhà nước tiếp quản những dự án dang dở.

Các biện pháp như vậy có thể “củng cố niềm tin của người dân vào thị trường nhà ở và ngăn ngừa rủi ro hệ thống” trước thềm đại hội đảng vào cuối năm nay, nơi ông Tập dự kiến sẽ được xác nhận là nhà lãnh đạo Trung Quốc trong 5 năm nữa.

Zero COVID

Trung Quốc nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì chiến lược Zero COVID. Tuy nhiên, Bộ Chính trị có thể sẽ gợi ý về định hướng của Bắc Kinh trong việc tối ưu hoá chính sách này nhằm giảm thiểu nguy cơ gián đoạn kinh tế.

Bất kỳ điều chỉnh về ngôn ngữ nào cũng đều đóng vai trò quan trọng, vì hoạt động kinh tế của Trung Quốc giờ đây gắn chặt với các đợt bùng phát dịch và phản ứng của chính phủ.

Một điểm xét nghiệm COVID tại Thượng Hải, ngày 23/7. (Ảnh: Bloomberg).

Cuộc họp sắp tới sẽ “bộc lộ những quan điểm mới nhất của các nhà hoạch định chính sách về việc cân bằng giữa Zero COVID và phục hồi kinh tế”, ông Larry Hu - trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng Macquarie, nhận định.

“Tại thời điểm này, nhiệm vụ của Bắc Kinh là nới lỏng hơn nữa Zero COVID để nó ngày càng ít gây ảnh hưởng đến nền kinh tế”, ông Hu nhấn mạnh.

Gần đây, Trung Quốc đã thực hiện một số thay đổi với chính sách Zero COVID như rút ngắn thời gian cách ly đối với khách du lịch quốc tế xuống dưới hai tuần và giảm số lần xét nghiệm của người dân.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào chứng tỏ chính phủ sẽ từ bỏ chiến lược dập dịch bằng cách cách ly toàn bộ ca nhiễm và phong toả toàn bộ các thành phố lớn.

Các biến chủng mới có khả năng lây nhiễm mạnh hơn, đồng nghĩa rằng trong các tháng cuối năm, Trung Quốc sẽ liên tục nới lỏng các hạn chế để thúc đẩy hoạt động kinh tế, sau đó đối mặt với nguy cơ bùng dịch và lại siết các biện pháp kiểm soát.

Yên Khê

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.