Nga sắp tập trận hạt nhân quy mô khủng để dằn mặt NATO?
Phô trương sức mạnh hạt nhân
Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, và bà Avril Haines - Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ, đã tham gia cuộc điều trần tại Hạ viện hồi cuối tuần này.
Hai vị quan chức cấp cao cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận vũ khí hạt nhân vào giữa tháng 2 để cảnh cáo NATO không nên can thiệp vào vấn đề Ukraine.
Theo Financial Times (FT), Nga thường tổ chức tập trận hạt nhân hàng năm vào mùa thu để thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ đất liền, trên biển và trên không. Song, Washington tin ông Putin đã quyết định xúc tiến kế hoạch sớm hơn để phô trương sức mạnh trong trường hợp ông ra lệnh cho quân đội tấn công Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng thời điểm thích hợp mà Moscow dự tính xâm lược Ukraine là từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3, FT dẫn lời một cố vấn Quốc hội Mỹ đưa tin.
Việc Nga tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân trùng thời điểm với cuộc tấn công Ukraine sẽ gửi một lời nhắc nhở mạnh mẽ tới NATO về sức mạnh hạt nhân của Moscow. Hiện tại, Nga là nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, với gần 4.500 đầu đạn hạt nhân trong kho dự trữ, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.
Chía sẻ với FT, bà Rebeccah Heinrichs - một chuyên gia về chính sách vũ khí hạt nhân tại Viện Hudson ở thủ đo Washington, nhận định: "Đó sẽ là một thông điệp cực kỳ khiêu khích từ Nga…"
Phương Tây vẫn rối trí
Dù vậy, Mỹ vẫn chưa xác định liệu Tổng thống Putin có quyết định xâm lược Ukraine hay không. Tuy nhiên, cùng với các đồng minh phương Tây, Washington đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một cuộc tấn công tiềm tàng trong bối cảnh Điện Kremlin bố trí hơn 100.000 binh lính quanh biên giới với Ukraine.
Đầu tuần này, Tổng thống Biden đã ra lệnh triển khai 2.000 lính Mỹ tới Ba Lan và Đức. Giới phân tích cho rằng ông chủ Nhà Trắng đang cố gửi tín hiệu tới ông Putin về sức mạnh của liên minh quân sự NATO.
Trước đó, Mỹ cáo buộc Nga đang dàn dựng lý do cho một cuộc tấn công vào Ukraine. Còn ông Putin lại khẳng định Mỹ đang cố tình "lôi kéo" Nga vào xung đột vũ trang, chứ thực sự Moscow không hề có ý định xâm lược Ukraine.
Cho đến nay, các cuộc đàm phán nhằm giải quyết căng thẳng Nga - Ukraine bằng ngoại giao vẫn bế tắc. Điện Kremlin muốn có đảm bảo pháp lý rằng NATO không cho Ukraine gia nhập, đồng thời NATO phải rút quân khỏi khu vực Đông Âu cũng như khỏi các nước thuộc Liên Xô cũ như Estonia, Latvia và Litva.
Tuy nhiên, chính quyền ông Biden và các đồng minh NATO không chấp thuận các yêu cầu trên. Ở diễn biến khác, phương Tây vẫn đang bất đồng về các biện pháp trừng phạt Nga nếu Tổng thống Putin thực sự ra lệnh cho quân tiến vào Ukraine.
Bà Helima Croft - trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại công ty dịch vụ tài chính RBC Capital Markets, nhận định: "Trong khi Nga vẫn tiếp tục gửi quân và vũ khí đến biên giới Ukraine, dường như phương Tây đang bị chia rẽ về cách ứng phó với Điện Kremlin".
"Mặc dù các nước phương Tây đều hứa hẹn sẽ có phản ứng cứng rắn, Anh và Mỹ là hai nước đi xa nhất trong việc cam kết làm tê liệt nền kinh tế Nga cũng như nhấn mạnh rằng Nga thực sự có kế hoạch tấn công Ukraine và cài cắm một nhà lãnh đạo thân Nga ở Kiev", bà Croft nói tiếp.
Cụ thể, trong khi Mỹ và Anh ủng hộ trừng phạt kinh tế Nga nếu Điện Kremlin tấn công Ukraine, thì một số nước châu Âu vẫn do dự vì lý do kinh tế hoặc ngoại giao. Chẳng hạn, Đức - lãnh đạo thực tế của EU, hiện không muốn phương Tây nhắm đến đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 của Nga.
Các lệnh trừng phạt tiềm tàng của phương Tây đối với Nga có thể kéo giá năng lượng lên cao hơn. Theo thông tin từ Ủy ban châu Âu (EC), khoảng 90% nguồn cung khí đốt của EU là hàng nhập khẩu và Nga là một trong các đối tác chính, bên cạnh Na Uy.