|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Interfax: Nga rút một phần quân đội khỏi biên giới Ukraine

16:33 | 15/02/2022
Chia sẻ
Theo hãng thông tấn Interfax của Nga, Moscow đã thu một số binh sĩ ở biên giới với Ukraine trở lại căn cứ của họ. Động thái này có thể giúp phương Tây thở phào nhẹ nhõm phần nào.
Interfax: Nga rút một phần quân đội khỏi biên giới Ukraine - Ảnh 1.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 của quân đội Nga tham gia một cuộc diễn tập quân sự ở St. Petersburg, ngày 14/2. (Ảnh: Getty Images).

Nga bất ngờ rút quân

Hôm 15/2, hãng thông tấn Interfax dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga đưa tin, một số đơn vị ở các quân khu phía nam và phía tây của Nga đang trên đường trở về căn cứ cũ. Song, bộ này khẳng định các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho hay: "Các đơn vị ở quân khu phía nam và phía tây đã hoàn thành nhiệm vụ. Họ đã lên xe lửa cũng như các phương tiện đường bộ khác và sẽ bắt đầu di chuyển trở về các khu vực đóng quân trong hôm nay".

Tuần trước, hàng nghìn binh sĩ Nga đã tham gia các cuộc tập trận lớn mà phương Tây coi là động thái phô trương sức mạnh của Moscow.

Các cuộc tập trận diễn ra khi hơn 100.000 binh sĩ, xe tăng, tên lửa và thậm chí là nguồn cung máu tươi đã Nga vận chuyển đến biên giới với Ukraine.

Đến giờ, Moscow vẫn khẳng định họ không có ý định tấn công Ukraine, bất chấp cảnh báo từ các nước phương Tây trong những gần đây rằng chính quyền Tổng thống Putin có thể động binh bất cứ lúc nào.

Cửa sổ ngoại giao chưa khép lại

Trong một cuộc trao đổi trên truyền hình hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Sergey Lavrov nói với Tổng thống Putin rằng các biện pháp mà Điện Kremlin có thể sử dụng để đạt được các yêu cầu an ninh của Nga "vẫn chưa khép lại".

Dù khuyến nghị Moscow nên tiếp tục con đường ngoại giao với Ukraine và phương Tây, ông Lavrov nói thêm: "Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo rằng Nga sẽ không tham gia vào những cuộc đàm phán không hồi kết cho các vấn đề chỉ cần một giải pháp duy nhất".

Hiện tại, chính quyền ông Putin đang yêu cầu NATO không bao giờ được chấp thuận Ukraine làm thành viên, đồng thời liên minh quân sự này phải rút quân khỏi khu vực Đông Âu càng sớm càng tốt.

Phát biểu trước người dân Ukraine trong cùng ngày, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định Ukraine "mong mỏi hòa bình và muốn giải quyết mọi vấn đề thông qua đàm phán ngoại giao".

Song, ông Zelensky nhấn mạnh Ukraine có thể đáp trả bất kỳ hành động gây hấn nào bằng một "quân đội lớn mạnh", có "kinh nghiệm chiến đấu độc đáo và vũ khí hiện đại", theo CNBC.

Ngoài ra, Tổng thống Ukraine còn động viên người dân cả nước cùng treo cờ và hát vang quốc ca trong ngày 16/2, thời điểm mà truyền thông phương Tây cho là ngày quân đội Nga động binh với Ukraine.

Trong một cuộc điện đàm cùng ngày 14/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhất trí rằng "cửa sổ ngoại giao" giữa các bên vẫn còn. Dù vậy, hai nhà lãnh đạo khẳng định nếu Nga tấn công Ukraine, nước này sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng kéo dài, gây thiệt hại không chỉ cho Nga mà còn cả thế giới.

Ở diễn biến khác, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ đến thủ đô Moscow để gặp ông Putin trong hôm nay (ngày 15/2). Trước đó một ngày, ông Scholz đã có cuộc trao đổi cùng người đồng cấp Zelensky ở Kiev.

Theo Reuters, Berlin không mong đợi "kết quả cụ thể" từ các cuộc đàm phán tại Nga, nhưng ông Scholz dự kiến sẽ nhấn mạnh rằng Điện Kremlin "không nên đánh giá thấp sự thống nhất giữa Liên minh châu Âu, Mỹ và Anh".

Chiến tranh có thể nổ ra "bất cứ lúc nào"

Bất chấp tín hiệu tiếp tục đàm phán ngoại giao từ các bên, chính phủ Mỹ vẫn cảnh báo rằng Nga có thể tiến quân sang Ukraine. Chia sẻ với CNN, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói Nga có thể động binh "bất cứ lúc nào". Ông nhấn mạnh: "…không loại trừ ngay tuần tới".

Trao đổi với Politico, giới chức ở Washington, London và Ukraine cho biết vào tuần trước, các quan chức tình báo Mỹ đã thông báo đến các đồng minh rằng cuộc tấn công có thể diễn ra vào ngày 16/2. Tuy nhiên, ông Sullivan nói các quan chức Mỹ "không thể dự đoán ngày động binh cụ thể".

Trước loạt diễn biến mới, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ra lệnh dời Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine từ thủ đô Kiev sang thành phố Lviv, đồng thời phá hủy toàn bộ máy tính, hệ thống điện thoại cùng một số cơ sở vật chất khác để tránh lọt tài liệu vào tay đối thủ. Ông lưu ý "Nga đang đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng ở biên giới".

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khuyến nghị công dân Mỹ đang nán lại Ukraine và Belarus - quốc gia có chung biên giới với Ukraine và là đồng minh quan trọng của Nga ở Đông Âu, nên nhanh chóng rời đi.

Khả Nhân