|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc lên kế hoạch đầu tư 2.300 tỷ USD cho hạ tầng, ‘ăn đứt’ Mỹ về độ chịu chi

21:57 | 08/04/2022
Chia sẻ
Do Trung Quốc đã có cơ sở hạ tầng hiện đại cơ bản, hơn một nửa trong số "hàng nghìn dự án quan trọng" sẽ trực tiếp hỗ trợ sản xuất và dịch vụ. Kế hoạch của Bắc Kinh là tạo ra việc làm và đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden đều có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng táo bạo, nhưng quy mô kế hoạch Mỹ phê chuẩn lại nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc. (Ảnh: Reuters, Getty Images). 

Hỗ trợ cho sản xuất

Kinh tế Trung Quốc đang bị trói buộc bởi các lệnh phong tỏa COVID-19, sự suy yếu của thị trường nhà đất và giá dầu phi mã vì chiến sự Nga-Ukraine. Trước tình thế này, Chủ tịch Tập Cận Bình đang viện đến các đồng minh đáng tin cậy để đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng: Hơn 50 triệu nhân công xây dựng của Trung Quốc.

Dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh, chính quyền địa phương đã vạch ra danh sách hàng nghìn “dự án quan trọng”. Theo phân tích của Bloomberg, các khoản đầu tư đã được lên kế hoạch cho năm nay có tổng quy mô lên đến 14.800 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 2.300 tỷ USD.

Gói đầu tư cơ sở hạ tầng mà Quốc hội Mỹ phê chuẩn năm ngoái chỉ có giá trị gần một nửa – tức 1.100 tỷ USD – và dàn trải trong thời gian 5 năm.

 

Giống kế hoạch của Washington, phần lớn chi tiêu của Trung Quốc sẽ dành cho vận tải, nước và hạ tầng kỹ thuật số. Nhưng Trung Quốc đã có hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, cũng như mạng lưới đường cao tốc dài nhất, do đó nước này đang chuyển dịch cơ cấu của gói kích thích xây dựng.

Chỉ có khoảng 30% dự án của Trung Quốc thuộc về cơ sở hạ tầng truyền thống, ví dụ như đường bộ và đường tàu. Hơn một nửa sẽ hỗ trợ ngành sản xuất và dịch vụ: Nhà máy, khu công nghiệp, vườn ươm công nghệ và thậm chí cả công viên giải trí.

Bà Nancy Qiang, Giáo sư tại Trường Quản trị Kellogg thuộc Đại học Northwestern đánh giá: “Do Trung Quốc đã có cơ sở hạ tầng hiện đại cơ bản, tập trung đầu tư cho sản xuất là việc hợp lý”.

Sự thay đổi phản ánh quyết tâm của của Bắc Kinh trong việc đảm bảo Trung Quốc giữ thế thống trị trong sản xuất toàn cầu. Nước này cũng đang chuyển dịch sang lĩnh vực tiên tiến hơn như xe điện, pin, năng lượng tái tạo và microchip.

Một dự án phù hợp với tiêu chuẩn của chính phủ Trung Quốc là kế hoạch 2,2 tỷ nhân dân tệ nhằm mở rộng Công viên Khoa học công nghệ Zhongguancun Dongsheng ở Bắc Kinh để nuôi dưỡng thế hệ startup công nghệ tiếp theo.

Tại công trường, những chiếc cần cẩu bao quanh một cái hố khổng lồ. Các công nhân đeo khẩu trang và đội mũ cứng đặt móng cho tòa nhà mới. Để tránh nhiễm virus, công nhân sống trong một bong bóng — di chuyển giữa ký túc xá và địa điểm làm việc — và xét nghiệm COVID-19 hàng tuần.

Ông Zhang Hongqiang, thành viên 49 tuổi trong đội xây dựng cho biết: “Thời nay không dễ kiếm việc. Tôi đến bất cứ nơi nào có việc để làm”. Nhà của ông ở tỉnh Sơn Đông, cách Bắc Kinh 400 km. Ông kiếm được 6.000 nhân dân tệ mỗi tháng, bằng 1/3 mức lương trung bình của người lao động toàn Bắc Kinh.

Một điểm xây dựng tại Công viên Khoa học và Công nghệ Zhongguancun. (Ảnh: Nicolas Bock/Bloomberg). 

Ngoài mục tiêu tạo việc làm cho những nhân công như ông Zhang, cú thúc xây dựng còn nhằm đảm bảo chính phủ Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho năm 2022. Thị trường chứng khoán cũng có thể nhận được cú hích. Chỉ số chính của thị trường Trung Quốc đã mất 13,4% từ đầu năm đến nay, nhưng chỉ số phụ theo dõi các công ty liên quan tới cơ sở hạ tầng chỉ giảm 4,7%.

Giống như những vòng kích thích trong quá khứ, kế hoạch lần này có khả năng nâng đỡ cho kinh tế toàn cầu thông qua việc thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc. Mặt khác, ý định của Trung Quốc có thể gia tăng áp lực giá hàng hóa đúng lúc nhiều nước phải vât lộn với cú sốc năng lượng bởi chiến sự Nga-Ukraine.

Nhưng trong thời gian dài – các dự án lớn trong năm nay cần từ 3 đến 5 năm để hoàn thiện – tác động tổng thể lên toàn phát có thể là giảm phát. Khi các nhà máy Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng như microchip, nguồn cung sẽ tăng lên và giá cả được hạ nhiệt.

Ván bài mới

Cú thúc xây dựng thể hiện bước ngoặt trong hướng đi của kinh tế Trung Quốc. Tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã giảm dần trong thập kỷ qua dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh nhằm làm giảm tỷ lệ nợ/GDP. Năm ngoái, đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ tăng trưởng 0,4%, thấp hơn hẳn so với tốc độ hàng năm gần 20% một thập kỷ trước.

Ông Justin Lin, cựu chuyên gia kinh tế của World Bank từng cố vấn cho Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Bloomberg: “Xu hướng trên sẽ được đảo ngược”. Goldman Sachs dự đoán đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ tăng 8% trong 2022.

Trung Quốc đang cược rằng hàng nghìn dự án mới sẽ không biến thành những con “voi trắng” làm nặng gánh hệ thống tài chính với những khoản vay không hoàn trả nổi. Ông Lin nói: “Nếu tận dụng cơ hội để đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu các điểm nghẽn, thì năng suất sẽ được gia tăng và nguồn thu của chính phủ cũng vậy”.

Đây là canh bạc tận dụng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Các nhà máy Trung Quốc có thể sản xuất thêm hơn 1 tỷ tấn thép và 1,5 tỷ tấn xi măng mỗi năm. Trong khi đó, chi phí lương cho công nhân xây dựng vẫn ở mức thấp. Các công ty xây dựng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã giám sát hàng nghìn dự án trên thế giới, từ Bắc Kinh đến Budapest.

Môi trường chính trị hiện nay cũng thuận lợi cho kế hoạch của ông Tập. Các nhà chức trách địa phương đang nuôi hy vọng được thăng chức tại kỳ họp lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu năm nay. Để tận dụng cơ hội chỉ xuất hiện 5 năm một lần, họ sẽ dốc sức đảm báo các dự án đi đúng hướng.

Các nhà kinh tế phương Tây từ lâu đã chê bai rằng kinh tế Trung Quốc quá phụ thuộc vào các dự án công quy mô lớn. Nhưng họ đã nhỏ giọng hơn sau khi các cảng và đường xá của nước này không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu chưa từng có trong đại dịch, tạo ra tắc nghẽn chuỗi cung ứng và khiến lạm phát toàn cầu đi lên.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nói rằng nước này vẫn còn nhu cầu cơ sở hạ tầng khổng lồ. Trung Quốc còn 60 thành phố với hơn 3 triệu dân nhưng không có hệ thống tàu điện ngầm. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang