Loạt dự án hạ tầng khủng của Mỹ chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn hàng chục tỷ USD
Khi thành phố Honolulu mở rộng ra những vùng ngoại ô mới ở phía tây Trân Châu Cảng trong hai thập kỷ qua, các nhà quy hoạch đã đề xuất một tuyến đường sắt trung chuyển vào trung tâm thành phố dài 32 km. Cái giá ước tính không hề rẻ: 4 tỷ USD, tương đương 125 triệu USD mỗi km.
Sự leo thang của chi phí kể từ thời điểm đó là cả một kỳ tích. Ban đầu lo ngại về những khu chôn cất người Hawaii bản địa khiến quá trình xây dựng bị đình trệ. Sau đó vấn đề về hàn và các vết nứt trên đường ray xuất hiện. Tới đầu năm nay, các kỹ sư phát hiện rằng ở một số đoạn đường, bánh xe hẹp hơn 1 cm so với đường ray. Họ phải làm gì? Đặt hàng bánh xe mới hay tháo gỡ đường ray?
Ngày lăn bánh lùi dần còn dự tính chi phí thì cứ phình lên. Con số mới nhất hiện là 11,4 tỷ USD với mục tiêu hoàn thành là năm 2031.
Nỗi khổ của Honolulu không phải một trường hợp cá biệt. Ngược lại, chúng báo hiệu các rắc rối về vốn, thách thức kỹ thuật và lực cản chính trị biến việc hoàn thành dự án cơ sở hạ tầng nhiều tỷ USD ở nước Mỹ theo đúng ngân sách và tiến độ trong thập kỷ qua thành bất khả thi.
Mỹ sắp bạo chi cho cơ sở hạ tầng dựa trên dự luật 1.200 tỷ USD mà Tổng thống Biden ban hành. Nguy cơ lớn là những dự án này sẽ đối mặt với các vấn đề đã cản trở những nỗ lực tham vọng của một loạt thành phố, từ New York đến Seattle.
Từ lâu, Mỹ đã nổi tiếng với những cây cầu, hệ thống nước và đường cao tốc lớn nhất trên thế giới, nhưng những thách thức ngày càng nghiêm trọng hơn. Các cơ quan có ít nhân tài hơn trước. Thách thức pháp lý đã trở nên mạnh mẽ hơn dưới luật môi trường của tiểu bang và liên bang. Và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đã bị thu hẹp, khiến các cơ quan địa phương có ít kinh nghiệm hơn đối với các dự án hiện đại, theo New York Times.
Tại Baltimore đầu tháng này, ông Biden than thở rằng cơ sở hạ tầng của Mỹ từng được đánh giá là số một toàn cầu. Còn bây giờ thì: "Bạn biết chúng ta xếp hạng bao nhiêu về cơ sở hạ tầng không? 13 trên toàn thế giới".
Trong một số trường hợp, chi phí xây dựng ở Mỹ cao hơn Tây Âu và các nước dân chủ ở châu Á, Giáo sư Ethan Elkind của Đại học California cho biết. "Việc xây dựng dự án ở Mỹ khó khăn hơn nhiều, và chúng ta cũng không có kỹ năng bằng những nước này", ông giải thích.
Khi cử tri California thông qua đợt phát hành trái phiếu vào năm 2008 để tài trợ hệ thống đường sắt cao tốc từ Los Angeles đến San Francisco, dự án được cho là có chi phí 33 tỷ USD và hoàn thành vào năm 2020. Hiện công trình này được dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2033 với giá 100 tỷ USD.
Dự án Los Angeles - San Francisco là nỗ lực nghiêm túc nhất của Mỹ nhằm xây dựng tàu cao tốc thực sự. Kế hoạch phải trải qua những chậm trễ nghiêm trọng do vấn đề thu hồi đất, kiện tụng môi trường, thất bại trong việc xin giấy phép, thay đổi nhân viên và những điều chỉnh đáng kể trong thiết kế. Loạt rắc rối đã châm ngòi cho tranh cãi nội bộ chính trị dù cho Đảng Dân chủ chiếm ưu thế tuyệt đối ở California.
Sự chậm trễ kéo dài cũng đã ảnh hưởng đến việc mở rộng Lối vào phía Đông New York của Đường sắt Long Island, được cho là sẽ cắt giảm tới 40 phút thời gian đi lại của hành khách.
Được thai nghén từ hơn nửa thế kỷ trước, với hợp đồng xây dựng được ký kết vào năm 2006, dự án đó được cho là sẽ hoàn thành vào năm 2011. Ước tính ban đầu về chi phí là 2,2 tỷ USD, sau đó là 4,3 tỷ USD vào 2006 và 6,4 tỷ USD năm 2008.
Cơ quan Giao thông Đô thị Mỹ giờ đây hình dung dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12/2022 với chi phí 11,1 tỷ USD. Thay đổi thiết kế, các vấn đề về đường hầm dưới lòng đất và phối hợp với các cơ quan khác là một số nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ và gia tăng chi phí.
Ông Joseph Schofer, kỹ sư dân dụng của Đại học Northwestern nhận xét về những dự án cơ sở hạ tầng đội vốn "khủng" của Mỹ, ví dụ như đường sắt ở Honolulu: "Chúng ta không thể đổ lỗi cho các sự cố ngẫu nhiên. Chúng ta có thể làm tốt hơn. Trong nhiều trường hợp, các ước tính chi phí đã không trung thực".
Ông Schofer giải thích: "Trong thế giới của các dự án dân sự, ngân sách đầu tiên thực chất chỉ là khoản trả trước một phần. Nếu mọi người biết về chi phí thực ngay từ đầu thì sẽ không một dự án nào được phê chuẩn cả. Ý nghĩa của con số này là để cho phép công việc được thông qua. Về cơ bản là chúng ta bắt đầu đào một cái hố, đào thật to để cho không có lựa chọn nào khác ngoài việc kiếm tiền để lấp đầy nó".
Ông Bent Flyvbjerg, Giáo sư tại Đại học Oxford đã nghiên cứu hàng loạt dự án trên khắp thế giới và phát hiện rằng 92% trong số đó vượt quá chi phí và lịch trình ban đầu, thường là với cách biệt lớn. Theo ông nguyên nhân một phần là ước tính chi phí về bản chất là "dối trá một cách có hệ thống và đáng kể".
Ông nói thêm: "Các dự án cơ sở hạ tầng lớn ngày càng quá đắt đỏ để thực hiện", trong khi đó nhiều sản phẩm như tivi hay tủ lạnh thì rẻ đi hay tốt hơn mỗi năm.
Ông đổ lỗi cho các sai lầm của chính phủ, bao gồm thiếu minh bạch đối với công chúng, các hợp đồng sai sót khiến các cơ quan chính phủ lệ thuộc vào nhà thầu và không thu hút được đầu tư tư nhân để gánh vác một phần rủi ro của dự án.
Ông Biden đã chỉ định một tổ công tác để thực hiện chương trình cơ sở hạ tầng với mục đích "đầu tư tiền công một cách hiệu quả, tránh lãng phí và tập trung vào các kết quả có thể đo lường được cho người dân Mỹ".