Nợ nần 'quàng chân' các hộ gia đình Trung Quốc, giấc mộng tự do tài chính vỡ tan tành
Câu chuyện của một giám đốc bán hàng
Trên khắp Trung Quốc, những người như anh Eli Mai - một giám đốc bán hàng 40 tuổi tại một công ty tư vấn ở Quảng Châu, từ lâu đã được coi là niềm ghen tị của tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, đó là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khiến thế giới phải thèm thuồng.
Giờ đây, dù sở hữu hai bất động sản và vẫn có việc làm tử tế, anh Mai lại ngập trong nợ nần và thường xuyên lo lắng về nguy cơ thất nghiệp khi triển vọng kinh tế đi xuống và áp lực gia tăng từ trong lẫn ngoài nước.
Lương của Mai đã bị giảm một nửa do mất mất tiền hoa hồng, và anh hiện chỉ kiếm được khoảng 10.000 nhân dân tệ (tương đương 1.570 USD) mỗi tháng. Trong khi đó, tổng số nợ của gia đình anh đã tăng lên con số khổng lồ 3,5 triệu nhân dân tệ.
“Tóc tôi đã ngả bạc trong 6 tháng qua. Cả ngày lẫn đêm, tôi đều lo sợ rằng mình sẽ không thể thanh toán được khoản vay hàng tháng”, anh cho biết. Số tiền này đã vượt quá 25.000 nhân dân tệ, nhiều hơn tổng thu nhập hiện tại của Mai và vợ, một giáo viên.
Mọi chuyện bắt đầu với kế hoạch mua căn hộ thứ hai của gia đình Mai vào năm 2016, khi thị trường bất động sản sôi động của Trung Quốc liên tục tăng giá. Mai đã quyết định “all-in”.
Trong 7 năm qua, anh đã nhiều lần vay vốn, thời hạn trả nợ từ 1,5 đến 30 năm. Chúng bao gồm các khoản thế chấp, khoản vay quỹ dự phòng nhà ở cá nhân, khoản vay tiêu dùng và khoản vay tín dụng cá nhân. Anh cũng ôm một đống nợ thẻ tín dụng và vay tiền từ người thân và bạn bè.
Thậm chí, Mai đã sử dụng căn hộ đầu tiên của mình, mua vào năm 2011, làm tài sản thế chấp cho căn nhà thứ hai, theo South China Morning Post (SCMP).
Tuy nhiên, thị trường bất động sản lại không “trả cục vàng” cho khoản đầu tư của Mai. Giá trị của căn nhà đã giảm gần 20% từ 8,5 xuống còn 7 triệu nhân dân tệ khi thị trường chững lại.
“Bẫy nợ” quàng chân người Trung Quốc
Trái với lầm tưởng của nhiều người, câu chuyện của anh Mai ngày càng phổ biến. Đây là những dấu hiệu cảnh báo về rủi ro nợ gia tăng trong các hộ gia đình có thu nhập trung bình lẫn tầng lớp lao động ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các rủi ro nêu trên bắt đầu xuất hiện vào năm ngoái, khi Bắc Kinh ra sức chấn chỉnh lĩnh vực bất động sản, internet và dạy thêm; sau đó, ngày càng gia tăng khi đất nước tỷ dân phải vật lộn với làn sóng COVID tồi tệ nhất kể từ năm 2020.
Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của Trung Quốc, chẳng hạn như phong tỏa các trung tâm tài chính và sản xuất quan trọng, đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, tiêu dùng và phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi kinh tế vốn đã mất đà kể từ nửa cuối năm ngoái.
Giữa lúc đó, nợ cá nhân của người dân Trung Quốc tiếp tục đi lên và thậm chí một bộ phận giàu có nhất của tầng lớp trung lưu còn phải vật lộn và sợ hãi với những gì có thể xảy ra trong tương lai.
Tomas Lei đang làm việc cho một trong những công ty internet hàng đầu đất nước ở Hàng Châu. Anh được coi là một trong những thành viên dư dả, sung túc nhất của tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
Song, anh và các đồng nghiệp lại đang phải cố gắng bắt kịp với các động thái chính sách của Bắc Kinh đối với các gã khổng lồ công nghệ trong năm vừa qua. Cùng với một nền kinh tế đang hạ nhiệt, cuộc chấn chỉnh của Bắc Kinh đã dẫn đến tình trạng sa thải nhân sự trên diện rộng, làm giảm thu nhập của người lao động.
“Nỗi sợ thu nhập sa sút và mất việc đang lan rộng ở công ty tôi. Không ai có thể chịu đựng được khi mất việc làm. Các ngành nghề khác ở Trung Quốc mang lại mức thu nhập thấp hơn và không thể giúp chúng tôi xoay xở số nợ gia đình cao ngất”, Lei cho hay.
Tỷ lệ đòn bẩy của các hộ gia đình - đo lường mức độ mắc nợ của người dân Trung Quốc so với thu nhập của họ, đã tăng vọt từ chưa đến 5% hồi năm 2000 lên 62,2% vào cuối năm 2021.
Theo đó, tỷ lệ của Trung Quốc đã vượt qua Đức và gần bằng Nhật Bản, báo cáo hàng quý do Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia (NIFD) phát hành vào tháng 2 năm nay cho thấy.
“Tỷ lệ đòn bẩy hộ gia đình tăng nhanh sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính. Một trong các nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là khối nợ quá cao của các hộ gia đình.
Tại Trung Quốc, rủi ro nợ hộ gia đình có liên quan nhiều đến tình hình thị trường bất động sản cũng như đến tăng trưởng thu nhập và phân bố của cải”, hai nhà kinh tế Zhang Xiaojing và Liu Lei - đồng tác giả của bản báo cáo, cho hay.
Giáo sư khoa học xã hội Simon Zhao tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cũng chỉ ra nguy cơ gia tăng nợ hộ gia đình trong các gia đình ở hàng trăm thành phố nhỏ hơn của Trung Quốc, bao gồm cả vùng nông thôn.
Chia sẻ với SCMP, ông Zhao lưu ý rằng một lượng lớn công nhân nhập cư đang gặp khó khăn khi nhà máy phải tạm ngừng hoạt động vì chiến lược Zero COVID hà khắc và nhiều người có thể đang vay thế chấp ở quê nhà.
Hai nhà kinh tế Zhang và Liu nói thêm rằng mặc dù các rủi ro chung dường như vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, thì việc phân bổ nguồn tài chính đối với một số gia đình có thể gây rắc rối nghiêm trọng.
Theo hai vị chuyên gia tại NIFD, người lao động trong lĩnh vực dịch vụ cấp thấp, tự kinh doanh và lao động nhập cư đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch và sự biến động thu nhập giữa các nhóm này có thể gây áp lực lớn hơn đến khối nợ hộ gia đình nói chung.
Đại học Kinh tế và Tài chính Tây Nam đã theo dõi tình hình tài chính của các hộ gia đình ở Trung Quốc. Họ cũng xác nhận rằng tài sản của các hộ gia đình có thu nhập thấp tiếp tục giảm vào cuối năm ngoái.
Căn nguyên vấn đề từ bất động sản?
Từ lâu được coi là động cơ thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc, lĩnh vực bất động sản chiếm tới 25% tổng các khoản đầu tư vào tài sản cố định và khoảng 33% tổng tài sản nhà ở. Cùng lúc, các nhà phát triển và người mua nhà chiếm hơn 25% tổng khoản vay ngân hàng trong nước.
Tuy nhiên, các lệnh hạn chế của chính quyền trung ương đối với lĩnh vực địa ốc trong hai năm đã khiến mọi thứ trật bánh.
Tăng trưởng đầu tư vào bất động sản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 22 năm là 4,4% vào năm ngoái và tụt xuống còn 3,7% trong hai tháng 1 và 2 năm nay. Ngoài ra, diện tích sàn bán ra chỉ tăng 1,9% trong năm ngoái, theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Khi giá bất động sản lao dốc vì các chính sách của Bắc Kinh, thậm chí rơi xuống dưới giá trị của khoản thế chấp, một số chủ sở hữu nhà không còn cách nào khác ngoài chọn cách tạm ngừng thanh toán nợ.
Tính đến ngày 21/12/2021, hơn 1,69 triệu bất động sản đã được các tòa án địa phương niêm yết trên một nền tảng đấu giá trực tuyến của Taobao. Con số này tăng mạnh so với 500.000 đơn vị vào năm 2019.
Trong quý I năm nay, dường như chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhận thấy rủi ro và bắt đầu nới lỏng một số hạn chế đối với lĩnh vực bất động sản. Hơn 60 thành phố trên khắp Trung Quốc đã “tháo xích” cho ngành địa ốc, cho thấy các quan chức ưu tiên ổn định thị trường này thế nào.
Các biện pháp được đưa ra bao gồm giảm bớt các khoản thanh toán nợ, trợ cấp mua nhà, giảm lãi suất vay thế chấp và cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công ty phát triển bất động sản.
Đồng thời, truyền thông nhà nước còn đưa tin một số ngân hàng, bao gồm các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước, đã gia hạn các khoản vay thế chấp cho những người mua nhà bị ảnh hưởng thu nhập trong dịch bệnh, bao gồm Thượng Hải - tâm điểm của làn sóng Omicron hiện nay.
Bất chấp những động thái xoa dịu cho thị trường bất động sản của chính phủ, giấc mơ về tự do tài chính ở tuổi trung niên của nhiều người dân Trung Quốc đã tan tành, SCMP nhận xét.