|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao chính phủ Trung Quốc chần chừ chưa cứu Evergrande?

06:34 | 24/09/2021
Chia sẻ
Hiện tại, Bắc Kinh chưa thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào là sẽ giải cứu Evergrande, nhà phát triển bất động sản nặng nợ nhất thế giới. Một phần nguyên nhân là sự lo ngại tâm lý rủi ro đạo đức.
Vì sao chính phủ Trung Quốc chần chừ chưa cứu Evergrande? - Ảnh 1.

Một dự án của Evergrande ở thành phố Hoài An, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Evergrande, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất của Trung Quốc, nợ hơn 305 tỷ USD với một loạt chủ nợ, từ ngân hàng tới nhà cung cấp. Trung bình mỗi ngày, nghĩa vụ thanh toán lãi của công ty tăng 28 triệu USD, theo Bloomberg. Chỉ tính riêng 23/9, công ty phải trả khoảng 130 triệu USD cho trái chủ trong nước và quốc tế. 

Vì sao chính phủ Trung Quốc chần chừ chưa cứu Evergrande? - Ảnh 2.

Evergrande có nguy cơ cao là sẽ vỡ nợ. Chính phủ Trung Quốc đang đứng trước câu hỏi khó khăn: Cứu vớt hay bỏ mặc Evergrande?

Nếu giải cứu, Trung Quốc sẽ gây ra tâm lý rủi ro đạo đức (moral hazard) giống như những gì Mỹ đối mặt trong các cuộc khủng hoảng năm 1990 và 2008. Rủi ro đạo đức xuất hiện khi cá nhân hay tổ chức thực hiện hành vi rủi ro trên suy nghĩ rằng người khác sẽ gánh đỡ hậu quả. 

Bắc Kinh lo ngại hành động giải cứu Evergrande sẽ bị coi là dấu hiệu cho thấy chính phủ sẵn lòng chấp nhận hay thậm chí khuyến khích các hành vi liều lĩnh. Các doanh nghiệp khác có thể diễn giải việc giải cứu là sự đảm bảo rằng kể cả khi họ tự đặt chân vào nấm mồ thì chính phủ cũng sẽ luôn ở cạnh để cứu họ lên.

Bài học từ hai cuộc khủng hoảng của Mỹ

Khủng hoảng cho vay và tiết kiệm là chuỗi sụp đổ trong ngành ngân hàng lớn nhất nước Mỹ kể từ năm 1929, tờ Investopedia cho biết.

Một trong những nguyên nhân chính là rủi ro đạo đức. Bắt đầu từ năm 1934, tiền gửi ở các hiệp hội cho vay và tiết kiệm (S&L) đều được chính phủ bảo hiểm. Đến năm 1982, Tổng thống Ronald Reagan dỡ bỏ các yêu cầu vốn để giúp S&L cạnh tranh tốt hơn với ngân hàng thương mại. 

S&L bắt đầu đầu tư vào các bất động sản thương mại rủi ro và thậm chí là cả trái phiếu rác. Chiến lược đầu tư vào các công cụ tài chính và dự án mạo hiểm này dựa trên giả định rằng chúng sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn. Và ngay cả trong trường hợp thực tế không như kỳ vọng, gánh nặng sẽ đổ lên đầu người dân (thông qua cơ quan chính phủ) – chứ không phải là các giám đốc của S&L. Đó chính là điều đã xảy ra.

Đến năm 1989, chính phủ Mỹ công bố kế hoạch giải cứu S&L. Tổng cộng, cuộc khủng hoảng đã tiêu tốn của nước Mỹ 160 tỷ USD. Người nộp thuế trả 132 tỷ USD, và ngành S&L trả phần còn lại.

Một trong những điểm tương đồng đáng chú ý nhất giữa khủng hoảng S&L và khủng hoảng tài chính 2008 là sự bảo đảm của chính phủ.

Trong trường hợp năm 2008, hai tổ chức được chính phủ Mỹ hỗ trợ là Fannie Mae và Freddie Mac đưa ra hỗ trợ ngầm để ngân hàng bảo lãnh các khoản vay bất động sản. Sự bảo đảm này thôi thúc các ngân hàng ra quyết định rủi ro vì họ kỳ vọng rằng các tổ chức trên sẽ gánh chịu tổn thất trong trường hợp người đi vay không trả được nợ.

Một số ngân hàng lớn cũng nghĩ bản thân mình quá quan trọng với nền kinh tế - hay "quá lớn để sụp đổ". Với giả định này, họ tin rằng chắc chắn sẽ được giải cứu nếu tình hình trở nên bất lợi.

Kết quả của việc giải cứu ngân hàng là gì? Chính phủ Mỹ đã ngăn hệ thống tài chính và nền kinh tế sụp đổ, nhưng nhiều ngân hàng lại tiếp tục lớn hơn bao giờ hết.

Đến cuối năm 2020, tài sản của JPMorgan Chase là 3.386 tỷ USD, năm 2007 là 1.500 tỷ USD. Bank of America có 2.819 tỷ USD tài sản, con số này 13 năm trước là 1.700 tỷ USD. Tài sản của Wells Fargo có giá trị gần 2.000 tỷ USD, lớn hơn gấp đôi so với ngay trước khủng hoảng tài chính.

Dễ thấy rằng khi cuộc khủng hoảng tiếp theo ập đến, chính phủ Mỹ một lần nữa sẽ buộc phải dốc hầu bao ra để giải cứu ngân hàng. Người nộp thuế chịu hậu quả dù ngân hàng là kẻ gây ra lỗi lầm.

Tính toán của Trung Quốc

Bất chấp sự hoảng loạn của nhà đầu tư trong nước và quốc tế, cho đến nay Bắc Kinh vẫn tránh đưa ra bình luận về Evergrande.

Nếu ra tay giải cứu Evergrande lúc này, rất có thể vài năm sau chính phủ Trung Quốc sẽ lại phải dọn dẹp mớ hỗn độn của những nhà phát triển bất động sản nợ nần chồng chất khác. Và khi đó khoản nợ của những công ty này sẽ còn phình to hơn nữa.

Không ít nhà phân tích đã dự đoán rằng chính phủ Trung Quốc sẽ để mặc Evergrande.

Vì sao chính phủ Trung Quốc chần chừ chưa cứu Evergrande? - Ảnh 3.

Ông Samy Muaddi, nhà quản lý danh mục trị giá hơn 5 tỷ USD của quỹ đầu tư trái phiếu T. Rowe Price Emerging Markets Bond Fund nhận xét: "Nếu bạn vẫn đầu tư vào Evergrande thì có nghĩa là bạn đang đầu tư ngược hướng chính phủ Trung Quốc, và đó là cách tuyệt vời để thua lỗ".

Trong vài năm qua, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng giảm bớt khối nợ khổng lồ của các công ty bất động sản, đặt ra các quy định nghiêm ngặt về việc vay nợ của các nhà phát triển, chẳng hạn như "ba lằn ranh đỏ". Evergrande là một trong những công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc chính phủ siết chặt quy định.

Nói cách khác, khủng hoảng của Evergrande hiện nay phản ánh các quyết định chính sách có chủ ý mà chính phủ Trung Quốc đưa ra dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tờ Bloomberg nhận định Trung Quốc có thể sẵn sàng để Evergrande đổ vỡ nếu nghĩ rằng có thể để cho lĩnh vực bất động sản tiếp đất an toàn. Hệ thống tài chính trị giá 56.000 tỷ USD của Trung Quốc bị thống trị bởi các ngân hàng quốc doanh. Do đó, chính phủ có sức mạnh khổng lồ để kiểm soát tác động của các vụ vỡ nợ. 

Giang

[LIVE] ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.