|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao Evergrande không đủ sức làm chao đảo kinh tế toàn cầu như Lehman Brothers?

09:55 | 23/09/2021
Chia sẻ
Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng nợ của công ty bất động sản Trung Quốc Evergrande không có khả năng gây ra hậu quả tương tự như sự sụp đổ của đại gia ngân hàng Mỹ Lehman Brothers cách đây 13 năm.

Evergrande có tài sản vật chất, Lehman Brothers nắm giữ công cụ tài chính

Kể từ tháng 7 năm ngoái, cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của Evergrande đã tụt gần 90% trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc trấn áp hoạt động đầu cơ trên thị trường bất động sản.

Trong 5 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu của "chúa nợ" Trung Quốc đã mất hơn 20% và các nhà đầu tư đang theo dõi xem liệu gã khổng lồ bất động sản này có thể xoay xở được hàng triệu USD để trả lãi trái phiếu vào hôm nay (23/9) hay không.

Một số người lo ngại rằng Evergrande có thể gây ra những rủi ro hệ thống ngang ngửa với cú sốc mà đại gia ngân hàng Mỹ Lehman Brothers tạo ra cách đây 13 năm, vào năm 2008.

Tuy nhiên, xét trên quy mô tác động tiềm tàng của Evergande đối với thị trường tài chính quốc tế, các nhà phân tích đã chỉ ra một khác biệt lớn giữa cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande và cú sập của Lehman: Evergrande nắm giữ quỹ đất, còn Lehman nắm giữ tài sản tài chính.

Ông Rob Carnell, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại tập đoàn tài chính ING, cho biết Evergrande đang gặp trục trặc về dòng tiền, nhưng nói về rủi ro hệ thống thì "hơi quá đà".

"Hãy đối diện thực tế, rắc rối nợ nần của Evergande không giống như Lehman phá sản năm 2008 hay quỹ đầu cơ Long-Term Capital Management (LTCM) sụp đổ năm 1998", ông Carnell nhấn mạnh.

"Đó không phải là một quỹ phòng hộ với các vị thế đòn bẩy lớn hay một ngân hàng có giá trị tài sản tài chính đột ngột giảm về 0. Evergrande chỉ là một công ty bất động sản đang gánh rất nhiều nợ, hơn 300 tỷ USD", ông Carnell nêu rõ.

Vị chuyên gia dự đoán, nếu Evergrande có thể bơm một ít tiền mặt vào các tài sản vật chất của mình, công ty có thể hoàn thành các dự án đang dang dở, bán chúng và bắt đầu trả nợ.

Evergrande không đủ sức làm bật gốc kinh tế toàn cầu như Lehman Brothers - Ảnh 1.

Evergrande đang xây dựng một sân tập cho đội bóng của mình, Guangzhou FC. (Ảnh: Reuters).

Hôm 22/9, "bom nợ" Trung Quốc thông báo sẽ thanh toán đầy đủ khoản lãi trái phiếu đồng nhân dân tệ đến hạn vào hôm 23/9, dự kiến trị giá khoảng 232 triệu nhân dân tệ (tương đương 36 triệu USD). Tuy vậy, tập đoàn này không nói gì về khoản lãi trái phiếu ngoại tệ trị giá 83,5 triệu USD.

Ông Larry Hu, Kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Macquarie, cho hay: "Evergrande đang đối mặt với vấn đề suy giảm thanh khoản dù công ty sở hữu quỹ đất lớn". Theo ông Hu, tài sản của Evergrande chủ yếu bao gồm các dự án đất đai và nhà ở trị giá hơn 1.400 tỷ nhân dân tệ (tương đương 220 tỷ USD).

Trong khi đó, cú sập của Lehman đã dẫn đến sự sụp đổ của các công cụ tài chính phái sinh như hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) và nghĩa vụ nợ thế chấp. "Điều này khiến thị trường nghi ngờ về sức khỏe của các ngân hàng khác", ông Hu nhấn mạnh.

"Song, rất khó xảy ra kịch bản là cú rơi của Evergrande sẽ khiến giá đất sụt giảm", ông Hu nói. "Suy cho cùng, giá trị của một mảnh đất minh bạch và ổn định hơn các công cụ tài chính. Điều này đặc biệt đúng ở Trung Quốc, nơi chính quyền địa phương nắm thế độc quyền về nguồn cung đất đai".

"Chính quyền Bắc Kinh có động lực lớn để ổn định giá đất. Trong trường hợp xấu nhất, họ thậm chí có thể mua lại đất, như đã làm trong giai đoạn 2014 - 2015", ông Hu nói thêm.

Sự kiểm soát mạnh mẽ của chính phủ

Một điểm khác biệt quan trọng khác trong vụ của Evergrande là mức độ kiểm soát và tham gia của chính phủ Trung Quốc vào ngành bất động sản nội địa.

Đầu tuần này, các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu China Beige Book cho hay: "Tại Trung Quốc, các ngân hàng và nhiều tổ chức khác trước hết phải là cánh tay của chính phủ, sau đó mới đóng vai trò trung gian tài chính".

"Ngay cả các nguồn tài chính ngoài quốc doanh cũng có thể chịu sự kiểm soát ở mức độ hiếm thấy bên ngoài thị trường tỷ dân. Việc một công ty tư nhân phá sản hay không là quyết định của nhà nước", nhóm phân tích nhấn mạnh.

"Bắc Kinh nói cho vay, bạn phải cho vay; khi nào hoặc thậm chí bạn có lấy lại tiền được hay không chỉ là thứ yếu. Cú sốc của Lehman không thể hình thành ở Trung Quốc, cho nên cũng không có khoảnh khắc Lehman nào hết", nhóm khẳng định.

Đúng tháng 9 của cách đây 13 năm, ngân hàng đầu tư huyền thoại Lehman Brothers sụp đổ, trở thành một khoảnh khắc mang tính biểu tượng của cuộc Đại Suy thoái (2007 - 2009), CNBC mô tả.

Lehman đã bảo lãnh lượng chứng khoán trị giá hàng chục tỷ USD với tài sản thế chấp cực kỳ rủi ro ngay trong giai đoạn bong bóng bất động sản ở Mỹ phình to. Cuối cùng, Washington để mặc Lehman phá sản, nhưng cứu trợ các tổ chức tài chính khác.

Trong trường hợp của Trung Quốc, Bắc Kinh đã cố gắng cho phép thị trường đóng một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế bằng cách để nhiều khoản vay của các doanh nghiệp nhà nước bị vỡ nợ.

Theo ông Hu của Macquarie, các nhà chức trách Trung Quốc sẽ kiên nhẫn chờ đợi vụ việc của Evergrande sáng tỏ hơn, vì họ có hai mục tiêu cần làm là ngăn chặn việc chấp nhận rủi ro quá mức và duy trì sự ổn định của thị trường bất động sản.

"Các nhà hoạch định chính sách sẽ chờ đợi trước, sau đó can thiệp để đảm bảo quá trình tái cấu trúc nợ của Evergrande diễn ra có trình tự. Khả năng cao là Bắc Kinh sẽ không ban hành gói cứu trợ và các cổ đông/chủ nợ của Evergrande có thể lỗ đậm. Tuy nhiên, chính phủ sẽ đảm bảo những căn hộ đã bán trước của ông lớn bất động sản này sẽ được hoàn thành và giao cho người mua nhà", ông Hu lập luận.

Ông Hu cũng đề cập đến vai trò của Bắc Kinh trong việc tái cơ cấu nợ của các ông lớn thời gian qua như Anbang Insurance, Baoshang Bank, HNA Group và China Huarong Asset Management.

"Hệ thống ngân hàng của Trung Quốc có lợi nhuận hàng năm là 1.900 tỷ nhân nhân dân tệ và khoản trích lập dự phòng 5.400 tỷ nhân dân tệ, nên họ có thể dễ dàng hấp thụ khoản lỗ từ Evergrande", ông Hu nói tiếp.

Tuần này, chia sẻ với hãng tin Reuters, Kinh tế trưởng Gita Gopinath của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Trung Quốc "có các công cụ và dư địa chính sách phù hợp để ngăn chặn bê bối của Evergrande biến thành một cuộc khủng hoảng hệ thống".

Trong một cuộc họp báo tuần trước, phát ngôn viên của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc từng đánh tiếng rằng cơ quan này đang theo sát khó khăn của một số công ty bất động sản lớn và ảnh hưởng tiềm tàng lên nền kinh tế.

Yên Khê