|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc chịu rủi ro gì nếu để mặc Evergrande sụp đổ?

17:02 | 24/09/2021
Chia sẻ
Kịch bản xấu nhất theo chuyên gia kinh tế của Oxford Economics là Trung Quốc sẽ phải giải cứu cả ngành bất động sản lẫn ngành tài chính.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc để Evergrande phá sản? - Ảnh 1.

Trung tâm Evergrande ở Thượng Hải. (Ảnh: Reuters).

Các nhà chức trách Trung Quốc đang mài giũa kỹ năng mới: "Vỡ nợ theo kiểu thị trường". Thuật ngữ này chỉ sự rút lui khỏi thị trường một cách êm thắm và tái cấu cơ cấu suôn sẻ của các công ty gặp rắc rối. 

Thuật ngữ này gần đây đã xuất hiện trong các tài liệu chính phủ và truyền thông trong nước. Các nhà quản lý đã trở nên thành thạo trong việc xử lý các vụ vỡ nợ hơn, thường xuyên và phức tạp hơn trước nhiều. Tuy nhiên Evergrande có thể là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Khủng hoảng nợ của Evergrande đã làm chao đảo thị trường toàn cầu và liên lụy tới những nhà phát triển bất động sản Trung Quốc yếu kém khác – hoàn toàn trái ngược với hai chữ "suôn sẻ". 

Các chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ và Trung Quốc đồng loạt lao dốc trong phiên 20/9 khi tình hình có vẻ tệ đi. Lợi suất trái phiếu của hàng loạt công ty phát triển bất động sản Trung Quốc nhảy vọt.

Sự hỗn loạn sẽ còn lan xa đến đâu?

Hệ thống tài chính

Bắt đầu với ngân hàng, lĩnh vực các nhà quản lý lo lắng nhiều nhất. Ngành ngân hàng Trung Quốc đã cho các công ty phát triển bất động sản vay rất nhiều trong những năm gần đây, tờ The Economist cho biết. 

Bài kiểm tra sức chịu đựng (stress-test) về rủi ro liên quan tới bất động sản được tiến hành gần đây bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã vạch ra kịch bản xấu nhất là khi tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dành cho các nhà phát triển bất động sản tăng 15 điểm %. Trong trường hợp đó, tỷ lệ an toàn vốn chung của ngành ngân hàng sẽ giảm 2,1 điểm % xuống 12,3%.

Nếu sự sụt giảm này được phân tán đồng đều giữa các ngân hàng thì toàn ngành sẽ chống chịu được. Nhưng khủng hoảng gây ra từ vụ nổ của bom nợ Evergrande sẽ tác động đến các ngân hàng một cách rất khác nhau, những ngân hàng yếu hơn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn, các nhà phân tích của S&P Global chỉ ra.

Trong nửa đầu năm 2021, các khoản vay cấp cho các tập đoàn phát triển bất động sản của Ping An Bank và Minsheng Bank chiếm lần lượt 10,6% và 10,3% tổng dư nợ. Mingsheng có mối quan hệ chặt chẽ với Evergrande.

Nhiều nhà đầu tư đang quan sát tình hình không cho rằng sự sụp đổ của Evergrande chắc chắn sẽ dẫn tới khủng hoảng ngân hàng. Nhưng "tình huống sẽ thay đổi rất nhanh chóng" nếu ngân hàng tầm cỡ Minsheng tỏ ra dễ bị tổn thương, giám đốc đầu tư tại một công ty quản lý tài sản cho biết. Vị này nói thêm rằng quan chức trung ương có lẽ sẽ nhanh chóng vào cuộc ngay khi một ngân hàng lớn có dấu hiệu gặp khó khăn.

Nỗi lo lớn tiếp theo là liên kết của Evergrande với hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banking) của Trung Quốc. Theo hãng nghiên cứu Gavekal, khoảng 45% nợ phát sinh lãi trong nửa đầu năm 2020 của Evergrande đến từ quỹ tín thác và các tổ chức ngân hàng bóng tối khác. Những chủ nợ này thường đòi lãi suất cao hơn so với lãi suất của ngân hàng chính thống – khoảng 25%.

Hoảng loạn trên thị trường trái phiếu quốc tế là một mối lo ngại khác. Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc là chủ thể phát hành trái phiếu USD lớn nhất trên thị trường Hong Kong. Trong đó, Evergrande là nhà phát hành lớn nhất.

Trong tuần vừa qua, nhiều trái phiếu của Evergrande chỉ được giao dịch với giá chưa tới 30% mệnh giá. Lợi suất của nhiều công ty cùng ngành khác đã phóng lên trên 30% (lợi suất tăng đồng nghĩa với giá giảm).

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc để Evergrande phá sản? - Ảnh 2.

Tối 23/9, tờ Wall Street Journal đưa tin rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho sự sụp đổ của Evergrande. Cụ thể, các quan chức mô tả hành động cần làm là "sẵn sàng cho cơn bão có thể ập đến". Các cơ quan chính quyền cấp địa phương và doanh nghiệp nhà nước được chỉ thị để can thiệp vào phút cuối nếu Evergrande không thể xử lý tình hình một cách êm thấm.

Động thái trên cho thấy chính phủ Trung Quốc không sẵn lòng giải cứu công ty nợ đầm đìa này.

Giải cứu dân thường

Nếu Evergrande thực sự vỡ nợ, vẫn có khả năng là chính phủ sẽ can thiệp để giúp đỡ các cá nhân. Những cuộc biểu tình gần đây bởi người mua nhà và mua sản phẩm đầu tư trả lãi cao của Evergrande nhiều khả năng đã khiến giới lãnh đạo lo ngại về bất ổn xã hội.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc để Evergrande phá sản? - Ảnh 3.

Đám đông người biểu tình, cảnh sát và nhân viên an ninh trước trụ sở của Evergrande ở Thâm Quyến. (Ảnh: AP).

Nhiều nhà phân tích dự kiến Bắc Kinh sẽ buộc phải dàn xếp giải cứu một phần cho các tài sản của Evergrande có ảnh hưởng quan trọng tới ổn định xã hội. Cụ thể, quy trình tập trung vào các bất động sản mà công ty đã bán cho người bình dân và chưa được xây dựng. Hãng nghiên cứu Capital Economics ước tính có khoảng 1,4 triệu bất động sản như vậy.  

Chính phủ có thể huy động một loạt doanh nghiệp trên khắp cả nước chia nhỏ các dự án xây dựng và tiếp quản tài sản của Evergrande tại các tỉnh mà họ đặt trụ sở. Bằng cách giữ cho những dự án này tiếp tục hoạt động, các nhà thầu và nhà cung cấp cho Evergrande về cơ bản cũng sẽ được giải cứu.

Điểm khó trong việc tổ chức cuộc giải cứu kiểu trên là tìm kiếm người mua. Chiến dịch hạ đòn bẩy khiến cho rất ít nhà phát triển bất động sản có dư tiền để mua lại dự án dở dang của Evergrande. Do đó, CEO Stephen Jen của công ty quản lý tài sản Eurizon Capital nhận định các chính quyền địa phương cần phải vào cuộc.

Rủi ro lớn nhất

Nhưng có lẽ rủi ro lây nhiễm lớn nhất bùng lên trong thị trường không phải do Evergrande tạo ra mà là cuộc trấn áp không khoan nhượng của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với đòn bẩy.

Theo cách nhìn này, Evergrande không phải là gốc rễ của rắc rối trong ngành bất động sản của Trung Quốc. Thay vào đó, Evergrande là hệ quả của nỗ lực siết chặt quản lý của chính phủ, ông Logan Wright, nhà nghiên cứu trưởng về thị trường Trung Quốc của Rhodium Group nhận xét.

Sau khi quan sát cuộc trấn áp ngành công nghệ của Trung Quốc, ông Wright tin rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đi đến cùng với chiến dịch giảm thiểu đòn bẩy của doanh nghiệp.

Giả thuyết trên có ý nghĩa lớn hơn nhiều đợt xáo trộn thị trường hiện nay. Bất động sản chiếm tới 20-25% kinh tế Trung Quốc. Nếu kéo dài, chiến lược giảm thiểu đòn bẩy của các nhà phát triển bất động sản có thể khiến triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc suy yếu.

Nguy hiểm hơn, chiến lược này có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn kinh tế và tài chính lớn hơn nhiều trong tương lai. Ông Tommy Wu, nhà kinh tế cấp cao của Oxford Economics cho rằng cuối cùng, giới chức trách có thể buộc phải giải cứu ngành bất động sản và tài chính. Kịch bản xấu nhất này làm dấy lên sự lo âu vượt xa số phận của Evergrande.  

Giang