Do đâu Trung Quốc vẫn loay hoay với bài toán thiếu điện nhiều năm qua?
Thiếu điện trên diện rộng
Từ giữa cuối tháng 8 đến nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã xảy ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, khiến hơn 20 tỉnh thành chịu thiệt hại. Các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông - bộ ba trung tâm công nghiệp, chiếm hơn 30% sản lượng kinh tế của Trung Quốc.
Nạn nhân đầu tiên là những ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng với đất nước tỷ dân. Từ nhà máy luyện nhôm, luyện thép đến cơ sở dệt may, sản xuất xi măng,…, toàn bộ đều phải giảm quy mô hoạt động hoặc thậm chí đóng cửa hoàn toàn.
Các nhà cung ứng của Apple và Tesla đã tạm dừng sản xuất ở một số địa điểm. Đối tác của Apple còn lo rằng chuỗi cung ứng có thể đứt gãy khi ông lớn công nghệ Mỹ chuẩn bị bước vào mùa cao điểm sản xuất các mặt hàng mới như iPhone 13.
Một số công ty nhỏ hơn đã bắt đầu thông báo với sàn giao dịch chứng khoán về yêu cầu hạn chế tiêu thụ điện hoặc tạm ngừng hoạt động do Bắc Kinh đưa ra. Nguồn cung của nhiều hàng hóa từ dệt may đến linh kiện điện tử đều có nguy cơ bị thiếu hụt.
Đặc biệt, hàng năm Trung Quốc đều phải thường xuyên cắt điện do nguồn cung năng lượng bấp bênh. Giữa năm nay, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thừa nhận rằng đợt thiếu điện vào tháng 6 là nghiêm trọng nhất kể từ năm 2011, thời điểm hạn hán và giá than nhảy vọt khiến 17 tỉnh thành phải hạn chế sử dụng điện.
Trong những năm 2000, người dân Bắc Kinh cũng phải chấp nhận cảnh mất điện cách vài tháng một lần. Đến thập niên 2010, nguồn cung điện năng đã ổn định và người dân dần trở nên lạ lẫm với việc mất điện. Hậu quả là khi mất điện tái hiện trên diện rộng, nhiều tỉnh, thành đồng loạt rơi vào khủng hoảng.
Hai nguyên nhất cốt lõi
Giá than, khí đốt tăng chóng mặt
Giá than nhiệt đang liên tục xô đổ kỷ lục khi Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước tiêu thụ khoảng 65% nguồn cung than toàn cầu, tranh nhau gom hàng. Thực chất, giá than đã bắt đầu nhảy múa từ tháng 5 năm ngoái và chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá tại Trịnh Châu (Trung Quốc) đã tăng hơn hai lần.
Giá khí đốt tự nhiên cũng ghi nhận các mốc cao mới do doanh nghiệp Trung Quốc lẫn châu Âu ồ ạt bổ sung tồn kho trước mùa đông. Theo Bloomberg, đầu phiên giao dịch ngày 1/10, giá khí đốt tự nhiên tại Hà Lan và châu Á đã chạm mức tương đương 190 USD/thùng dầu, một kỷ lục mà thị trường dầu mỏ thế giới chưa bao giờ chạm tới.
Tổng lượng than mà Trung Quốc tiêu thụ hàng năm đạt khoảng 3 tỷ tấn. Trong bối cảnh nhu cầu điện năng quá lớn như hiện nay, tổng lượng than tiêu thụ trong năm nay có thể tăng thêm 10%, theo công ty chứng khoán Cinda Securities.
Trong khi nhu cầu tăng nóng thì nguồn cung lại khan hiếm. Doanh nghiệp khai khoáng tại nhiều nước hiện không muốn đầu tư vào các mỏ mới, khi mà thế giới đặt mục tiêu giảm bớt việc sử dụng than đá.
Là nước sản xuất than hàng đầu, Trung Quốc lại đang hạn chế hoạt động khai thác than sau một loạt tai nạn hầm mỏ chết người từ cuối năm ngoái. Ngoài ra, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm nhập khẩu không chính thức đối với nguồn than chất lượng cao của Australia.
Điều đó càng khiến Trung Quốc thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu hóa thạch hơn, và giá than hay khí đốt càng có cơ hội tăng phi mã. Do đó, chúng ta dễ hiểu tại sao các nhà máy phát điện tại Trung Quốc ngần ngại tăng sản lượng.
Giá bán điện tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh. Dù giá nguyên liệu đầu vào đắt đỏ, các cơ sở phát điện cũng không thể tăng giá với khách hàng. Để tránh bị lỗ, họ thường giảm công suất phát điện hoặc tạm ngừng vận hành.
Chính sách kiểm soát kép
Tại một số tỉnh, chính quyền địa phương có thể áp dụng các biện pháp bổ sung để hoàn thành mục tiêu "kiểm soát năng lượng kép", tức là kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng và cường độ năng lượng (tỷ lệ giữa mức năng lượng tiêu thụ trên một đơn vị GDP).
Theo trang SupChina, tuần trước Bắc Kinh vừa công bố một báo cáo, trong đó một số tỉnh được xác định là chưa đạt được mục tiêu về tiêu thụ năng lượng, cường độ năng lượng hoặc thậm chí cả hai.
Bên cạnh thời tiết cực đoan trong cả mùa hè và mùa đông, các nhà máy ở Trung Quốc còn cần nhiều điện năng hơn để gấp rút hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu. Hồi tháng 5, các nhà phân tích của Eurasia Group lưu ý: "Nhu cầu điện đã tăng lên cùng với tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc".
Khi vấn nạn thiếu điện của Trung Quốc trở nên nghiêm trọng và dần xuất hiện dày đặc trên truyền thông, báo chí đặc biệt đề cập đến chính sách kiểm soát kép, coi đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc phải phân bổ lượng điện tại từng tỉnh thành. Giá than đá tăng cao, vốn ban đầu chỉ là nguyên nhân phụ, về sau mới trở thành lý do cốt lõi.
Bài toán khó cho giới chức Bắc Kinh
Trong nhiều năm qua, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã nêu cao mục tiêu đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060. Trong đó, hạn chế tiêu thụ than đá, loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất thế giới, là mục tiêu hàng đầu.
Ngoài bóp sản lượng thép, Bắc Kinh còn hứa hẹn sẽ giảm nhiệt điện than trong cơ cấu điện năng chung. Dù vậy, trên thực tế, nền kinh tế tỷ dân vẫn chưa chịu từ bỏ than.
Theo báo cáo do tổ chức Power Engineering công bố hồi tháng 4 năm nay, Trung Quốc đang trở thành "động lực thúc đẩy chính của than đá ở các nền kinh tế đang phát triển". Dù tiêu thụ than của thế giới giảm 4% vào năm 2020, mức tiêu thụ của Trung Quốc lại tăng 2%.
"Tính chung toàn thế giới, Trung Quốc hiện chiếm đến 53% tổng đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nhiệt điện than", báo cáo của Power Engineering nhấn mạnh.
Điều này có thể thấy rõ trong cơ cấu sản lượng điện của Trung Quốc. Dù tỷ trọng của nhiệt điện (chủ yếu là điện than) có xu hướng giảm nhẹ trong giai đoạn 2015 - 2020, con số vẫn chiếm trên 65%.
Điều này đặt ra một bài toán khó cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới: làm sao đáp ứng đủ điện năng cho hoạt động công nghiệp mà vẫn có thể từ bỏ nhiệt điện than?
Cũng trong giai đoạn 5 năm đến năm 2020, tỷ trọng của thủy điện, điện gió, điện mặt trời và điện hạt nhân liên tục tăng. Theo hướng lý giải hợp lý, Trung Quốc có thể đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo này để bù đắp cho nhiệt điện than.
Song, đất nước tỷ dân cũng lại bị mắc kẹt trong một bài toán khác. Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng phá bỏ đến 40.000 nhà máy thủy điện trên khắp cả nước.
Sau lời kêu gọi "chinh phục thiên nhiên" của Chủ tịch Mao Trạch Đông vào những năm 1950, Trung Quốc đã xây dựng hàng loạt con đập lớn nhỏ để sản xuất đủ điện cho đất nước. Song, chính sách hỗn loạn này đang phơi bày mặt trái và cản trở tham vọng của Bắc Kinh.
Rất nhiều con đập hiện quá nhỏ để tạo ra điện năng, trong khi số khác thì trở nên vô dụng khi sông khô cạn, hồ chứa bị bồi lấp. Hơn nữa, nhiều con đập cũ còn đe dọa cuộc sống của người dân, đặc biệt là trong các trận lũ vào mùa hè. Theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc, 3.515 hồ chứa đã bị vỡ trong giai đoạn 1951 - 2011.
Sự của đập Bản Kiều ở tỉnh Hà Nam từng gây chấn động một thời. Năm 1975, Bản Kiều cùng 61 đập khác đã vỡ tung sau 6 giờ xả lũ, khiến 240.000 người dân thiệt mạng. Năm ngoái, con đập hùng vĩ Tam Hiệp cũng đứng trước nguy cơ bị vỡ.
Trong khi đó, điện gió và điện mặt trời lại gặp phải vướng mắc về chi phí lắp đặt cao, vấn đề lưu trữ năng lượng và thiếu các trợ cấp từ chính phủ. Hơn nữa, giá của các kim loại như đồng đang tăng cao, trong khi đây là những vật liệu chính để xây dựng cơ sở hạ tầng cho điện tái tạo.
Ngoài ra, còn một điểm đáng lưu ý là các tấm polysilicon do Trung Quốc chế tạo thường tiêu thụ một lượng lớn điện năng, do đó các nhà sản xuất thường tiếp cận nguồn điện giá rẻ từ than đá để giảm chi phí vận hành. Các tấm polysilicon này là nguyên liệu thiết yếu trong hầu hết tấm pin mặt trời hiện nay.
Về lâu dài, Trung Quốc đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Khủng hoảng năng lượng sẽ đè nặng lên Trung Quốc ngay tại thời điểm mà nền kinh tế này đã chững lại vì các biện pháp chống dịch và hạn chế nghiêm ngặt đối với ngành bất động sản.
Nomura, China International Capital và Morgan Stanley đều đã hạ dự báo tăng trưởng GDP hoặc cảnh báo tăng trưởng giảm sút vì gián đoạn năng lượng.
Ông Lu Ting, kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura nhận xét: "Các thị trường toàn cầu sẽ gặp rắc rối khi thiếu hụt nguồn cung một loạt hàng hóa, từ dệt may, đồ chơi đến linh kiện máy móc. Chủ đề nóng nhất về Trung Quốc sẽ sớm chuyển từ Evergrande sang cuộc khủng hoảng thiếu điện".
Hiện tại, Trung Quốc đang đưa ra một số giải pháp tạm thời cho vụ việc. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) và Cục Quản lý Năng lượng Trung Quốc (NEA) đang nỗ lực hỗ trợ các nhà máy phát điện theo hai hướng. Thứ nhất là tăng nguồn cung than trong nước càng nhanh càng tốt để hạ giá than, và thứ hai là tăng giá bán điện để hạn chế tổn thất cho các công ty sản xuất điện, theo SupChina.
Hồi đầu tuần này, Phó Thủ tướng Hàn Chính, người chịu trách nhiệm giám sát lĩnh vực năng lượng và sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, đã trực tiếp yêu cầu một loạt công ty năng lượng nhà nước phải tích trữ đủ nguồn cung năng lượng trước mùa đông năm nay bằng mọi giá. Ông Hàn không chấp nhận việc mất điện trên diện rộng, Bloomberg cho hay.
Còn về lâu dài, Trung Quốc sẽ cần phải tăng sản lượng than để giải quyết "đặc sản" thiếu điện năm nào cũng xảy ra này. Đồng thời, Bắc Kinh sẽ phải tìm cách thúc đẩy điện tái tạo nếu muốn hoàn thành mục tiêu về môi trường mà họ đã đề ra.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/