Để dứt cơn khủng hoảng thiếu điện, Trung Quốc mua cả loại than bẩn nhất thế giới
Trong tuần này, giá của các loại than nâu (hay than lignite) từ Indonesia đã tăng vọt lên 110 - 120 USD/tấn do nhu cầu cực lớn của Trung QUốc và sản lượng của các mỏ khai thác tại vùng Kalimanta sụt giảm, Bloomberg dẫn lời các thương nhân cho hay.
Mức giá hiện tại tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm mà các lô than nâu chỉ được bán với giá khoảng 20 - 25 USD/tấn. Than nâu vốn được mệnh danh là loại than bẩn nhất thế giới.
Tình trạng "khát" than đá của Trung Quốc đang làm dấy lên lo ngại trong giới chuyên gia. Nhiều người cho rằng lượng khí thải carbon của Trung Quốc sẽ bật tăng đáng kể trong mùa đông năm nay.
Các thương nhân cho biết, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã dốc toàn lực để đấu thầu các lô than nâu từ Indonesia hồi đầu tuần này.
Cũng theo Bloomberg, giới chức cấp cao ở Bắc Kinh, đáng chú ý có Phó Thủ tướng Hàn Chính, đã ra lệnh cho các công ty quốc doanh phải đảm bảo nguồn cung năng lượng cho mùa đông tới bằng mọi giá. Điều này có thể chính là nguyên nhân khiến các thương nhân Trung Quốc ra sức mua hàng, kể cả phải trả giá cao.
Trong năm nay, nguồn cung than nâu trên thế giới bị hạn chế một phần do lũ lụt nghiêm trọng ở Kalimantan. Loại than bẩn nhất thế giới thường được sử dụng làm nguyên liệu pha trộn rẻ hơn cho các loại than nhiệt chất lượng cao, đắt tiền hơn.
Lệnh cấm nhập khẩu không chính thức của Bắc Kinh đối với than nhiệt cao cấp của Australia buộc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Indonesia, Nga, Nam Phi và thậm chí là Mỹ.
Từ cuối tháng 8 đến nay, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Ít nhất 20 tỉnh thành trên toàn quốc phải hạn chế sử dụng điện, kể cả trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp lẫn dân sinh.
Nạn nhân đầu tiên là những ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng với đất nước tỷ dân. Từ nhà máy luyện nhôm đến cơ sở dệt may, toàn bộ đều phải giảm quy mô hoạt động hoặc thậm chí đóng cửa hoàn toàn.
Các nhà cung ứng của Apple và Tesla đã tạm dừng sản xuất ở một số địa điểm. Đối tác của Apple còn lo rằng chuỗi cung ứng có thể đứt gãy khi ông lớn công nghệ Mỹ chuẩn bị bước vào mùa cao điểm sản xuất các mặt hàng mới như iPhone 13.
Một số doanh nghiệp nhỏ hơn đã gửi thông báo đến sàn giao dịch chứng khoán, cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt nguồn hàng hóa cho mùa mua sắm cuối năm nay do phải cắt giảm quy mô hoạt động.
Goldman Sachs ước tính có tới 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc bị ảnh hưởng vì thiếu hụt năng lượng.